Thị trường tài chính, cụ thể là thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu trong năm 2013 đã đạt được nhiều dấu mốc phát triển khá ấn tượng. Trong thành tựu chung đó, theo Phó Thủ tướng, đâu là những kết quả mà quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính mang lại?
Năm 2013, nền kinh tế nước ta nói chung và thị trường tài chính nói riêng gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ triển khai các giải pháp đúng hướng, kiên trì và quyết liệt theo Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 của Chính phủ, nên đã có những kết quả bước đầu khả quan.
Thị trường trái phiếu được đánh giá có mức tăng trưởng tốt nhất châu Á, với quy mô huy động trái phiếu chính phủ đạt xấp xỉ 195.000 tỷ đồng, tăng 16%; qua đó tạo nguồn vốn huy động quan trọng cho ngân sách, cũng như cho đầu tư phát triển đất nước. Thị trường thứ cấp trái phiếu chính phủ cũng sôi động hơn với phương thức giao dịch, thành viên giao dịch ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại.
Trên thị trường cổ phiếu, chỉ số thị trường (VN-Index) tăng gần 23%, thuộc nhóm 10 thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Tổng quy mô huy động vốn nói chung đạt hơn 44.000 tỷ đồng. Tính chung, quy mô huy động vốn qua phát hành trái phiếu và cổ phiếu đóng góp khoảng 22% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Mức vốn hóa tăng khoảng 200.000 tỷ đồng, bằng 32% GDP. Quy mô dòng vốn đầu tư gián tiếp cũng tăng khá cao, đạt gần 4 tỷ USD, qua đó góp phần tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia. Quá trình tái cấu trúc thị trường tài chính được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả trên cả 4 trụ cột.
Quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính được triển khai tích cực, đồng bộ và bảo đảm được các mục tiêu, yêu cầu chung đã đề ra, bảo đảm được các nguyên tắc thị trường, không gây ra các xáo trộn trong nền kinh tế và xã hội, cũng như không gây ra các tổn thất hoặc sử dụng các nguồn lực của ngân sách nhà nước. Những kết quả cụ thể đến nay được thể hiện trên các mặt đó là chất lượng hàng hóa trên thị trường tốt hơn, tính công khai, minh bạch và quản trị của các DN niêm yết được cải thiện rõ rệt. Thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng đã “tái tạo” được lòng tin của các NĐT.
Điều này thể hiện ở số lượng tài khoản các NĐT đạt gần 1,4 triệu, đặc biệt là tài khoản của NĐT tổ chức nước ngoài tăng 55%; nhiều loại hình quỹ đầu tư mới được triển khai. Các tổ chức trung gian được sắp xếp, củng cố lại, từng bước thu hẹp số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động qua việc tăng cường năng lực tài chính, quản trị công ty, quản trị rủi ro; củng cố hoạt động; cơ cấu lại tổ chức, nhân sự. Công tác chuẩn bị cho tái cấu trúc hệ thống thị trường giao dịch chứng khoán đã được nghiên cứu kỹ lưỡng về mô hình, nội dung và bước đi để năm 2014 triển khai những bước đi đầu tiên.
Mr. Jan Maciej Pstrokonski, nhà đầu tư đến từ Anh, mở tài khoản giao dịch trên TTCK Việt Nam tại CTCK Maybank Kim Eng trong phiên giao dịch đầu tiên năm Giáp Ngọ
Các nhiệm vụ, giải pháp tái cấu trúc thị trường tài chính nói chung phải tiếp tục bám sát mục tiêu, yêu cầu phục vụ tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đồng thời phục vụ quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong thời gian tới, cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, trong đó triển khai xây dựng TTCK phái sinh và tái cơ cấu các Sở GDCK; quyết định về tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam. Rà soát, đánh giá hệ thống văn bản pháp luật nhằm đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc và phát triển TTCK, phục vụ hiệu quả tái cấu trúc nền kinh tế và các cam kết quốc tế như cam kết gia nhập WTO và trong thời gian tới là Hiệp định TPP.
Thứ hai, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc DNNN, tăng cường quản trị công ty, tính minh bạch như các công ty niêm yết trên TTCK. Quyết liệt thực hiện cổ phần hóa, đấu giá cổ phần các DNNN nhằm tái cấu trúc DNNN và tạo hàng hóa có chất lượng cao cho thị trường. Rà soát lại danh mục các công ty niêm yết trên các Sở GDCK, trong đó chú trọng chất lượng DN niêm yết; thúc đẩy các ngân hàng lên niêm yết theo các quy định của Luật Chứng khoán và Luật Các tổ chức tín dụng, nhằm tăng cường tính minh bạch đối với hệ thống này; nâng cao chất lượng quản trị công ty, quản trị rủi ro; tăng cường tính minh bạch trên TTCK.
Thứ ba, tập trung phát triển NĐT tổ chức. Theo đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách để triển khai quỹ hưu trí tự nguyện. Điều chỉnh quy định về tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài tại các DN Việt Nam theo hướng mở rộng đối với các lĩnh vực, ngành nghề không cần kiểm soát. Tiếp tục triển khai các loại hình quỹ mới như quỹ mở, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư bất động sản. Phát triển các NĐT tổ chức, các nhà tạo lập thị trường và hoàn thiện cơ chế, hệ thống giao dịch trái phiếu nhằm tạo cơ sở cho việc phát triển thị trường trái phiếu DN.
Thứ tư, thực hiện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán trên cơ sở phân loại và theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ chứng khoán; nâng cao năng lực tài chính, quản trị công ty, quản trị rủi ro. Hoàn thiện và triển khai giám sát hoạt động các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo phân loại. Cho phép NĐT nước ngoài sở hữu các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo các cam kết WTO, khuyến khích các tổ chức tài chính quốc tế có uy tín tham gia.
Thứ năm, xây dựng và hoàn thiện đề án, quyết định về tổ chức và hoạt động của Sở GDCK Việt Nam trên nguyên tắc nâng cao hiệu quả hoạt động, công khai, minh bạch và tạo thuận lợi cho các thành viên thị trường, trong đó chú trọng các nội dung về công nghệ thông tin, tiêu chí niêm yết, thành viên giao dịch và công bố thông tin.
Trong không khí năm mới Giáp Ngọ, Phó Thủ tướng có kỳ vọng gì về sự phát triển của thị trường tài chính trong năm 2014; đâu là thông điệp của Phó Thủ tướng đối với các NĐT trên TTCK?
Bước sang năm mới Giáp Ngọ 2014, với nền tảng kinh tế vĩ mô đã tích cực hơn, đồng thời với quyết tâm của Chính phủ cùng các bộ, ngành trong việc triển khai Nghị quyết 01 ngày 2/1/2014, tôi tin tưởng, thị trường tài chính nói chung và TTCK năm 2014 sẽ có những bước phát triển mới tích cực theo hướng bền vững. Thông điệp đối với TTCK năm 2014 đó là “Cùng nhau xây dựng, phát triển và mã đáo thành công”.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: “Về quan điểm chủ trương, chúng ta luôn thống nhất về vai trò của thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng là phải trở thành kênh dẫn vốn trung hạn và dài hạn ngày càng quan trọng trong nền kinh tế. Do vậy, những kết quả đạt được trong năm 2013 cho thấy, những giải pháp, chính sách nhằm tiếp tục hoàn thiện thị trường này đã dần phát huy tác dụng; các giải pháp kinh tế vĩ mô, trong đó có sự phối hợp giữa chính sách tài chính và chính sách tiền tệ có ảnh hưởng tích cực đến thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng. Mặt khác, thị trường tài chính đã hỗ trợ hiệu quả cho Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nguồn vốn cho ngân sách để đầu tư phát triển. Thị trường tài chính đã từng bước phát triển để trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho DN, hỗ trợ trở lại cho các ngân hàng trong huy động vốn, hỗ trợ và giảm thiểu rủi ro cho kênh tín dụng. Trong thời gian tới, vai trò của thị trường này sẽ tiếp tục được phát huy, khi chúng ta hoàn thiện công tác tái cấu trúc nền kinh tế nói chung, tái cấu trúc thị trường tài chính nói riêng”. |