Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng, chống dịch COVID-19
Quốc hội rất chia sẻ với Chính phủ
Mở đầu phiên họp thứ 43 khai mạc sáng 23/3, Uỷ ban Thường vụ đã nghe báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Lúc này, thế giới đã có 335.396 người mắc, 14.611 người tử vong vì dịch bệnh này.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, Chính phủ vừa tập trung chống dịch vừa phải tập trung lãnh đạo phát triển, kinh tế, xã hội, chuẩn bị các nội dung cho kỳ họp Quốc hội tới.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thường xuyên theo dõi và chia sẻ hoạt động của Chính phủ , đánh giá rất cao hoạt động của Chính phủ từ trước Tết đến bây giờ.
Trình bày báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết, thời gian qua ông nhận được sự quan tâm thường xuyên của lãnh đạo Quốc hội, nhiều phản ánh, góp ý rất đáng quý của các đại biểu Quốc hội tại địa phương.
Vì yêu cầu hội nhập không thể "đóng cửa" sớm
Nói về khó khăn lây nhiễm từ những người nhập cảnh, Phó thủ tướng nói thêm rằng, cũng có ý kiến vậy tại sao không "đóng cửa" ngay từ khi dịch mới bắt đầu, đương nhiên là muốn ngăn từ đầu, nhưng trước yêu cầu hội nhập thì không thể làm ngay 1 chiều thế được.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra do Phó thủ tướng trình bày đã nêu tóm tắt tình hình dịch cả trên thế giới và Việt Nam và nêu rõ, đến nay về cơ bản Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh.
Ban chỉ đạo cũng nhận định, phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn và không ít rủi ro. Trong khi thực tế vừa qua cũng chỉ ra những vấn đề cần chấn chỉnh, rút kinh nghiệm. Đó là, công tác truyền thông có thời điểm, có nơi còn chưa thật tốt, gây hoang mang trong xã hội (như thời điểm xuất hiện ca bệnh thứ 17).
Việc quản lý, mua sắm, sản xuất vật tư thiết bị (khẩu trang y tế) còn không ít vướng mắc, chậm trễ do quá cứng nhắc trong áp dụng các quy định, chưa quan triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc". Việc điều chỉnh chương trình, thời gian, phương thức học (qua mạng) của học sinh còn chưa thật chủ động, thống nhất. Cơ chế phối hợp liên ngành trong một số khâu, địa điểm (như tại sân bay) còn chưa nhuần nhuyễn.
Báo cáo cũng nêu ra một số điểm mới, khác so với giai đoạn ban đầu cần được lưu ý để có giải pháp cụ thể, phù hợp.
Đó là, đến ngày 20/3 đã có trên 35.000 người nhập cảnh vào Việt Nam. Mặt khác, tới đây vẫn sẽ còn một lượng đáng kể nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ và phục vụ các yêu cầu từ phía Việt Nam, cần có hình thức, quy định cách ly phù hợp đảm bảo không lây nhiễm.
Ban chỉ đạo cũng nhận định, do dịch bệnh đã thâm nhập vào bên trong, nên việc phát hiện , cách ly các trường hợp nghi nhiễm còn rất khó khăn, nhất là trường hợp không thể truy ra nguồn lây trực tiếp (người nhiễm bệnh chưa đi ra nước ngoài, không biết mình có tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh hay không).
Một lưu ý nữa được nêu tại báo cáo là do tình hình dịch, và kể cả chính sách với người nước ngoài của các nước châu Âu, Hoa Kỳ khác với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, nên mặc dù đã chủ động tuyên truyền để người Việt Nam hạn chế tối đa về nước, nhưng nếu trong nước kiểm soát tốt dịch bệnh thì sẽ có rất nhiều người Việt Nam muốn về nước. Trong số đó không ít người có thể đã nhiễm bệnh. Nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây quá tải các cơ sở cách ly và năng lực điều trị.
Trước tình hình này thì việc tăng cường năng lực xét nghiệm được nhấn mạnh là rất cấp bách. Bởi hiện tại số lượng phòng xét nghiệm, máy móc, chuyên gia xét nghiệm còn rất ít so với các nước phát triển và so với yêu cầu, Phó thủ tướng cho biết và thông tin thêm là sẽ tăng cường máy móc để xét nghiệm nhanh hơn.