Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu kết luận Hội nghị.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu kết luận Hội nghị.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với TP. Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh

0:00 / 0:00
0:00
Sáng nay (26/9), Phó thủ tướng Trần Lưu Quang có buổi làm việc với lãnh đạo 3 địa phương Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu...

Thay mặt UBND tỉnh Hải Dương, ông Lưu Văn Bản, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương báo cáo tình hình phát triển kinh tế của tỉnh và kiến nghị một số nội dung để thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Trong 9 tháng năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn Hải Dương tăng 6,4%. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 12.863 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt hơn 4,4 tỷ USD, giảm 14,2%, nhập khẩu ước đạt gần 3,7 tỷ USD, giảm 15,9%.Tính đến ngày 1/9, Hải Dương đã giải ngân được 1.924 tỷ đồng, đạt 24,5% kế hoạch vốn được HĐND tỉnh giao.

Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương tiếp tục đề nghị Phó thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hướng dẫn địa phương tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện thủ tục đất đai đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài được chấp thuận chủ trương đầu tư ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Mua sắm thiết bị y tế gặp khó khăn khi Bộ Y tế chưa ban hành tiêu chuẩn, định mức và nội dung thiết kế dự án liên quan đến vấn đề này.

Hải Dương đề nghị Chính phủ bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch vốn năm 2023.

Báo cáo tại hội nghị, ông Bùi Văn Khắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng 9,94%. Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt gần 13 triệu lượt, tăng 41,7% cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch đạt 26.460 tỷ đồng, tăng 34,8% cùng kỳ. Ước đến hết 9 tháng năm 2023, tổng số vốn đầu tư công giải ngân đạt khoảng 7.540 tỷ đồng, đạt 48% kế hoạch HĐND tỉnh giao và đạt 50% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (trong đó vốn trong nước đạt 53%).

Dự kiến, trong quý IV/2023, khi các vướng mắc trong đầu tư công được UBND tỉnh và các sở, ngành tháo gỡ, đồng thời các dự án có kế hoạch vốn lớn như: Đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều; cải tạo nâng cấp mở rộng QL279, các dự án trường học... với tổng kế hoạch vốn khoảng 3.400 tỷ đồng được khởi công, tỷ lệ nguồn vốn giải ngân sẽ tăng cao, đảm bảo mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công của năm 2023, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Kiến nghị, đề xuất của tỉnh tại Hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, tạo thuận lợi trong công tác quản lý, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành.

Hiện nay, Quảng Ninh đang tích cực chỉ đạo Nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh. Đề nghị Bộ Công thương quan tâm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư dự án tuyến đường dây 500 kV mạch kép đối nối Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh với TBA 500 kV Quảng Ninh để đảm bảo đưa vào vận hành đồng bộ với dự án. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Công thương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo Trung tâm điều độ hệ thống lưới điện Quốc gia quan tâm huy động công suất phát điện của các nhà máy nhiệt điện than tại Quảng Ninh vào những tháng cuối năm 2023.

Về phía TP. Hải Phòng, ông Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND Thành phố thông tin, 9 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 12,47% so với cùng kỳ. Số lượng khách du lịch ước đạt trên 6,2 triệu lượt, tăng 13,26%, đạt 85,14% kế hoạch năm, trong đó khách quốc tế đạt 747.000 lượt, tăng 62,98%. Đặc biệt, Hải Phòng có sự bứt phá mạnh mẽ, trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài với tổng số vốn thu hút 9 tháng năm 2023 ước 3,5 tỷ USD, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Đến ngày 20/9, Thành phố đã giải ngân trên 10.600 tỷ đồng, đạt 79% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Tại hội nghị, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết về việc giải quyết vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để thực hiện các Dự án tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Hải Phòng. Đề nghị Bộ Xây dựng quan tâm đến các nội dung sửa đổi quy định về điều kiện mở bán nhà hình thành trong tương lai, hướng dẫn cách tính giá bán nhà ở xã hội.

Đối với Bộ Giao thông - Vận tải, đề nghị xem xét, bổ sung quy hoạch bến cảng hàng lỏng, khí tại các bến số 21 và số 22 thuộc khu bến cảng Lạch Huyện, với quy mô có thể tiếp nhận (xuất - nhập) cỡ tàu đến 150.000 DWT vào dự thảo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước và dự thảo Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Hải Phòng.

Cuối cùng, đề nghị Bộ Công thương xem xét, chấp thuận một số dự án, công trình điện có tiến độ triển khai cấp bách để đảm bảo cấp điện cho Hải Phòng. Đó là, Dự án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực Hải Phòng để vận hành máy biến áp của Trạm 110kV Tràng Duệ cấp điện cho dự án LG Innotek; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện tại khu xử lý Đình Vũ; Xây dựng mạch 2 đường dây 110 kV và trạm biến áp 110 kV Cát Bà, Dự án đường dây 110 kV mạch 2 khoảng vượt Lạch Huyện.

Kết luận Hội nghị, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định: “Ba địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương là những điểm sáng về kinh tế - xã hội. Thời gian qua, các địa phương đã có sự liên kết, giải quyết các nhiệm vụ chung và đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước”.

Về đầu tư công, Phó thủ tướng đánh giá, hiện Hải Phòng là Thành phố làm công tác giải ngân vốn đầu tư rất tốt. Phó thủ tướng cũng lưu ý 2 địa phương Quảng Ninh và Hải Dương cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành kế hoạch được giao năm 2023.

Về những kiến nghị của 3 địa phương, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định: “Chính phủ sẽ cố gắng xử lý theo thứ tự ưu tiên, cố gắng hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn với cơ chế phân cấp mạnh cho cơ sở. Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục bám sát mục tiêu, dựa trên 3 nguyên tắc phân cấp mạnh cho cơ sở, điều phối các hoạt động phối hợp và nghĩ đến nguồn lực ngoài ngân sách nhiều hơn; tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài FDI và tăng tốc trong chuyển đổi số”.

Trong công tác quy hoạch, đến thời điểm này mới có Quảng Ninh hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó thủ tướng đề nghị TP. Hải Phòng và tỉnh Hải Dương đẩy nhanh quy hoạch tỉnh, bởi nếu không có quy hoạch sẽ không có điều kiện để làm các công việc khác. Đồng thời, phải quan tâm đến chất lượng quy hoạch.

“Tôi mong muốn lãnh đạo 3 địa phương tiếp tục đẩy mạnh liên kết vùng. Không phải vô cớ mà tự nhiên Hải Phòng bỏ tiền xây cầu nối Hải Dương; rất nhiều lao động từ Hải Dương đi qua làm việc cho các khu công nghiệp của Hải Phòng, trở thành thế mạnh về nguồn lực lao động để thu hút các dự án lớn. Một nội dung mà các địa phương cần quan tâm là sự bình yên về an ninh trật tự, tai nạn giao thông, và đặc biệt nổi lên nóng nhất hiện nay là công tác phòng cháy chữa cháy”, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Tin bài liên quan