Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, những năm gần đây, tỉnh này đã đạt được kết quả quan trọng, tạo chuyển biến lớn. Chỉ tính riêng năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,08%, mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2016 đến nay. Các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch, thu ngân sách 7.363 tỷ đồng (tăng 20,3% so với năm 2017).
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, kinh tế Bình Thuận tiếp tục phát triển ổn định, đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, GRDP tăng 8,46%, thu ngân sách tăng 30,9% so cùng kỳ năm 2018.
Đặc biệt, tình hình thu hút dự án đầu tư, đăng ký thành lập doanh nghiệp có chuyển biến tích cực, dự án được cấp chủ trương đầu tư và doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng khá. Chỉ trong 2 năm, tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận đầu tư 264 dự án, với tổng số vốn hơn 53 ngàn tỷ đồng, có khoảng 1.730 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 32,8 ngàn tỷ đồng. Đồng thời, đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Theo đó, năm 2017 đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân chiếm 74,78%, năm 2018 chiếm 78,13% và năm 2019 chiếm khoảng 80%.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, những năm gần đây, tỉnh này đã đạt được kết quả quan trọng, tạo chuyển biến lớn.
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cũng thẳn thắn nhìn nhận tồn tại khó khăn, tồn tại như: Nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế; Kết cấu hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là giao thông đối ngoại còn trở ngại, các dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, Phan Thiết – Nha Trang, sân bay Phan Thiết triển khai chậm; Hệ thống truyền tải điện lực quá tải không đáp ứng được nhu cầu truyền tải của các dự án năng lượng. Đặc biệt là sự chồng lấn quy hoạch sa khoáng titan với các quy hoạch khác.
Để tiếp tục phát triển, theo ông Nguyễn Ngọc Hai, Bình Thuận thực thi giải pháp phát triển Trung tâm năng lượng quốc gia phía Bắc tỉnh, đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án năng lượng sạch, nhất là các dự án điện gió ngoài khơi. Thu hút các nhà đầu tư chiến lược phát triển công nghiệp gắn liền đô thị công nghiệp ở khu vực phía Nam tỉnh Bình Thuận. Về nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu tạo ra chuỗi giá trị hàng hoá lớn và hiệu quả. Hơn nữa, Bình Thuận nhanh chóng hoàn thiện để trở thành điểm đến du lịch cấp quốc gia gắn với phát triển đô thị biển.
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo Chính phủ, tỉnh Bình Thuận kiến nghị tháo gỡ các điểm nghẽn để tạo động lực bứt phá. Đó là, sớm điều chỉnh quy hoạch phân vùng thăm dò khai thác titan. Trước mắt Chính phủ cho ý kiến về 4 dự án động lực đang nằm trong vùng chồng lấn. Về giao thông đối ngoại, Bình Thuận kiến nghị Trung ương tập trung tháo gỡ để triển khai nhanh dự án sân bay Phan Thiết. Ngoài ra tỉnh mong muốn Chính phủ đồng ý cập nhật cụm cảng Vĩnh Tân vào quy hoạch phát triển dịch vụ logictic trên nền tảng Cảng quốc tế Vĩnh Tân để khu vực này trở thành điểm trung chuyển hàng hoá chiến lược kết nối khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên…
Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao những kết quả tỉnh Bình Thuận đã đạt được trong thời gian gần đây. Đặc biệt, tỉnh Bình Thuận có chỉ số năng lực cạnh tranh và chỉ số đầu tư của kinh tế tư nhân rất cao, cho thấy môi trường đầu tư đang được cải thiện nhanh chóng.
Tuy nhiên, so với tiềm năng, mức độ tăng trưởng địa phương còn khá nhỏ, thu hút vốn đầu tư nước ngoài còn khiêm tốn. Bình Thuận cần tập trung nắm bắt việc thực hiện Luật Quy hoạch, triển khai lập Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045. Qua đó, tháo gỡ điểm nghẽn chồng lấn, xung đột quy hoạch sa khoáng titan.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Bình Thuận có chỉ số năng lực cạnh tranh và chỉ số đầu tư của kinh tế tư nhân rất cao, cho thấy môi trường đầu tư đang được cải thiện nhanh chóng.
Ông Vũ Đại Thắng cũng cho rằng, tỉnh Bình Thuận tận dụng cơ hội phát triển mạnh kinh tế tư nhân mà hiện còn nhiều dư địa để phát triển, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên xây dựng nhiều kế hoạch để hỗ trợ doanh nghiệp hộ gia đình phát triển.
Về dự án sân bay Phan Thiết, tỉnh cần thiết đẩy nhanh tiến độ dự án nhằm phát huy hết tiềm năng to lớn của Bình Thuận. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định, thẩm tra lần cuối. Hiện dự án phải chờ Bộ Quốc phòng triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư phần hạng mục quân sự. Hạng mục nhà ga dân dụng tỉnh đã chủ động ký hợp đồng BOT với các nhà đầu tư.
Liên quan đến phát triển khu công nghiệp phía Nam tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Bình Thuận xem xét Dự án Khu công nghiệp – dịch vụ - đô thị tại huyện Hàm Tân và thị xã Lagi cho mục tiêu tăng liên kết với vùng Đông Nam bộ do Tổng công ty Becamex IDC, VSIP và các đối tác lớn nghiên cứu đề xuất đầu tư.
Về điểm nghẽn quá tải hệ thống truyền tải lưới điện, đại diện Bộ Công thương cho biết, Bộ này yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung cập nhật quy hoạch phát triển điện năng hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận trên cơ sở đó tính toán điều độ nhằm giải toả công suất và tính đến đầu tư lưới điện truyền tải.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đánh giá Bình Thuận đạt nhiều bước tiến quan trọng trong phát triển kinh tế và đầu tư. Đáng chú ý là tốc độ tăng GRDP khá. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh Bình Thuận cần tập trung hơn nữa thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực có lợi thế như du lịch, đô thị, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa khai thác hết các tiềm năng, lợi thế và còn nhiều điểm nghẽn ảnh hưởng nhiều tới môi trường đầu tư của tỉnh.
Để tháo gỡ Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với tỉnh nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn về chồng lấn quy hoạch sa khoáng titan, hạ tầng giao thông, quá tải hệ thống truyền tải điện… Về vấn đề chống lấn quy hoạch sa khoáng titan, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành rà soát và báo cáo Thủ tướng để tháo gỡ khó khăn này, trước mắt là 4 dự án du lịch trọng điểm. Tỉnh Bình Thuận cần có tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch để tăng liên kết các vùng Đông Nam bộ, Miền Trung, Tây Nguyên để tạo tiền đề huy động tốt các nguồn lực cao nhất cho đầu tư phát triển...