Để tái cơ cấu nền kinh tế, một giải pháp quan trọng là đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN

Để tái cơ cấu nền kinh tế, một giải pháp quan trọng là đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam không phụ thuộc về kinh tế với bất cứ quốc gia nào

(ĐTCK) “Tái cơ cấu nền kinh tế cần thể chế đồng bộ, quyết tâm chính trị, năng lực thực hiện”. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội trong chiều qua (12/6), khép lại phần chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài hơn 2 ngày tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII.

Theo Phó Thủ tướng, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, kinh tế vĩ mô ổn định, giá tiêu dùng 5 tháng đầu năm tăng 1,08%, mức thấp nhất trong 10 năm qua, dự kiến cả năm kiểm soát ở mức khoảng 5%.

Xuất khẩu 5 tháng tăng 15,4%, xuất siêu 1,65 tỷ USD. Thu ngân sách đạt 45,8% dự toán, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2013.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao hơn cùng kỳ, đạt 4,6 tỷ USD. Các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng tăng 5,6%, sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 11%.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Ngay trong tháng 5, xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, du lịch, hàng không giảm nhẹ. Thị trường vàng, ngoại tệ, chứng khoán có dao động do tác động tâm lý, nhưng đã ổn định trở lại.

Trả lời đại biểu Nguyễn Bá Thuyền về xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, Phó Thủ tướng khẳng định, đến nay, Việt Nam không phụ thuộc về kinh tế với bất cứ quốc gia nào. Nhưng trong xu thế hội nhập, ở một khía cạnh nào đó, là chưa hoàn toàn độc lập, tất nhiên vẫn phải xây dựng nền kinh tế chủ động hơn.

“Giải pháp đưa ra phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Việt Nam có thế mạnh thu hút đầu tư, thời gian tới phải thu hút đầu tư mạnh hơn, có chọn lọc hơn, nhất là các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ tốt hơn. Quan trọng là sức mạnh nội tại nền kinh tế thông qua DN và người dân, nên cần hỗ trợ để DN và người dân đủ sức hấp thụ. Trong đó có đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN”, Phó Thủ tướng nói.

Về thị trường, Phó Thủ tướng cho biết, với chủ trương thực hiện mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, nguồn nguyên liệu trong nước. Từ năm 2010, Chính phủ đã triển khai thực hiện và giảm bớt sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Hiện Việt Nam có 6 hiệp định thương mại đa và song phương. Sắp tới sẽ có thêm TTP, AFTA giữa Việt Nam với EU, Úc…, mở ra vùng giao thương rộng lớn.

Liên quan đến sự việc đáng tiếc xảy ra ở các khu công nghiệp tại Bình Dương và Hà Tĩnh vừa qua, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho các DN bị thiệt hại, như bảo hiểm, hỗ trợ người lao động, bổ sung thêm lao động cho DN..., bên cạnh việc áp dụng thêm một số chính sách hỗ trợ, như giảm thuế, chậm nộp tiền sử đụng đất, nhất là biện pháp về thủ tục hành chính.

“Những giấy phép thực hiện trong 10 ngày được rút ngắn, lực lượng chức năng đang nỗ lực hết sức để hỗ trợ DN”, Phó Thủ tướng nói và cho biết, phần lớn các DN đã trở lại hoạt động sản xuất – kinh doanh bình thường. Nhiều nhà đầu tư đã yên tâm ở lại Việt Nam.

Trả lời đại biểu Trần Du Lịch về vấn đề tái cơ cấu, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ đang đẩy mạnh tiến độ tái cơ cấu, mang lại động lực mới cho tăng trưởng.

“Việc này có thể sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều người, vì thế cần phải có một thể chế đồng bộ, một quyết tâm chính trị, một năng lực thực hiện. Làm được điều đó sẽ mang lại hiệu quả toàn diện cho cả nền kinh tế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, quan trọng nhất hiện nay là cần tháo gỡ một số trở ngại lớn, như về thể chế và nguồn nhân lực cấp cao tại các tập đoàn, tổng công ty; thực hiện cải cách nền kinh tế theo hướng thị trường, phải chú ý các mặt trái của thị trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư…

“Tái cơ cấu phải gắn với thu hút nguồn lực quốc tế, thu hút chọn lọc FDI, nâng cao năng lực DN trong nước, đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt tái cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng công nghệ, chú ý tam giác phát triển kinh tế - xã hội - môi trường”, Phó Thủ tướng nói.  

Tin bài liên quan