Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, một số tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh kế, đại diện cộng đồng DN…
Chuyển động tích cực, nhưng chưa đồng đều
Điểm lại kết quả cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh giai đoạn 2014-2017, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, 4 chỉ số có sự cải thiện mạnh: Tiếp cận điện năng, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế, tiếp cận tín dụng.
Trong khi đó, 4 chỉ số đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, giải quyết phá sản DN, khởi sự kinh doanh, phá sản DN đứng cuối bảng xếp hạng không có cải thiện, giảm điểm, tụt hạng hoặc ở vị trí thấp.
Điều đó dẫn đến “bức tranh” các cải cách quy định về điều kiện kinh doanh đạt một số kết quả, chuyển động tích cực, nhưng không đồng đều về quy mô, tốc độ và tính quyết liệt. Hiện mới chỉ có Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng đã “vào ga cuối” từ rà soát, đề xuất phương án, đến thực hiện bãi bỏ, sửa đổi các điều kiện kinh doanh. Nhiều bộ mới qua “chặng đầu”, thậm chí chưa “xuất phát”.
Đây cũng là tình trạng của quá trình cải cách các quy định về kiểm tra chuyên ngành. Hầu hết các bộ, ngành mới tập trung xử lý một số vụ việc cụ thể, gây bức xúc cho DN, như Bộ Công Thương bãi bỏ kiểm tra formadehyte, thay đổi dán nhãn năng lượng, Bộ Y tế thay đổi phương thức quản lý về an toàn thực phẩm, Bộ Xây dựng bỏ 4 nhóm sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành, thống nhất 1 bộ quản lý mặt hàng phân bón…
Vì vậy, kết quả đạt được về cải cách quản lý chuyên ngành mới chỉ bước đầu, chưa mang tính hệ thống và còn xa so với mục tiêu đặt ra của Nghị quyết 19 là giảm 20% số lượng và 50% danh mục hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành.
Các ý kiến tại hội nghị cho rằng, dù đặt ra mục tiêu cao, nhưng các chỉ số, nhiệm vụ đặt ra đối với cải thiện môi trường kinh doanh là khả thi, rõ ràng, cụ thể, đo lường được, quy trách nhiệm rõ ràng.
Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cụ thể, nhất quán, quyết liệt, thường xuyên và liên tục. Qua đó tạo ra sự khác biệt, tác động tích cực thực sự đến hoạt động kinh doanh của DN.
Tuy nhiên, kinh nghiệm trong thực hiện Nghị quyết 19 giai đoạn 2014-2017 cho thấy, kết quả đạt được không đồng đều, có sự chênh lệch lớn giữa các chỉ số, các bộ, ngành, địa phương.
Các chỉ số có sự cải thiện lớn đa phần tập trung ở các ngành, lĩnh vực có vấn đề nóng, được dư luận đặc biệt quan tâm, có phản biện, góp ý và yêu cầu mạnh mẽ từ phía DN, hiệp hội DN.
Những chỉ số, lĩnh vực, địa phương mà người đứng đầu thực sự vào cuộc, chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, sát sao, bám sát nghị quyết của Chính phủ thì đạt được kết quả và có cải thiện rõ rệt.
Vì vậy, Nghị quyết 19 năm 2018 tiếp tục đặt mục tiêu phải hoàn thành việc bãi bỏ ít nhất 1/3-1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành; tỷ lệ hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành còn tối đa 10%; giảm 1/2 danh mục hàng hoá thuộc diện kiểm tra chuyên ngành…
Dư địa cải cách từ những chỉ số thấp
Chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế, bà Catherine Masine, Trưởng nhóm Tư vấn toàn cầu về các quy định kinh doanh (Ngân hàng Thế giới-WB) cho rằng, Việt Nam còn nhiều “dư địa” để nâng cao thứ hạng môi trường kinh doanh thông qua việc cải thiện những chỉ số môi trường kinh doanh đang ở thứ hạng thấp như phá sản DN, tranh chấp hợp đồng, khởi sự kinh doanh.
Thông lệ quốc tế cho thấy cần có sự “nâng cấp” về hệ thống toà án theo hướng chuyên môn hoá, tăng cường khung pháp lý nhằm xử lý kịp thời, nhanh chóng các vấn đề xảy ra trong quá trình thực thi hợp đồng, thực hiện phá sản, tranh chấp tại DN.
Tương tự đối với chỉ số khởi sự kinh doanh, kinh nghiệm quốc tế cho thấy vai trò quan trọng của việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, một cửa duy nhất, tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp xử lý thủ tục giữa các cơ quan quản lý. Từ đó, có thể giảm số thủ tục cũng như thời gian thực hiện khởi sự kinh doanh ở Việt Nam.
“Nhiều nước đã thành lập cơ chế hội đồng với sự tham gia của đại diện Chính phủ và đại diện DN Nhà nước, DN tư nhân để thảo luận chương trình nghị sự, kế hoạch hành động nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra trong môi trường kinh doanh. Các bên phải có trách nhiệm giải trình về những gì mình đã cam kết thực hiện”, bà Catherine Masine chia sẻ.
Bổ sung cho ý kiến này, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione, nhấn mạnh những thay đổi về luật, quy định, thủ tục cần phải được triển khai và thực thi một cách phù hợp mới đem lại hiệu quả như kỳ vọng. “Tình trạng trên nóng dưới lạnh có ở nhiều nước, vì vậy, việc kết nối và tháo bỏ các điểm nghẽn, thiết lập cơ chế phản hồi từ DN có vai trò quan trọng”.
Siết chặt kỷ cương, tăng cường giám sát
Đề cập đến sự thay đổi của bộ chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng phải khẩn trương bổ sung, cập nhật ngay vào Nghị quyết 19 để thực hiện, nhất là đối với những chỉ số có thứ hạng thấp, nếu không chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2018 có thể sẽ bị tụt hạng.
“Điều quan trọng là phải siết chặt kỷ cương, kỷ luật thì mới khắc phục được tình trạng ‘trên nóng, dưới lạnh’ trong thực hiện Nghị quyết 19. Tôi đề nghị cần làm bảng theo dõi tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của từng bộ, ngành trong Nghị quyết 19.
"Đồng thời tăng vai trò giám sát và công cụ đánh giá của DN, người dân đối với các bộ, ngành để việc cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh là thật, chứ không phải gom 3-4 điều vào 1 điều rồi nói là cắt giảm.
Không thể cứ chờ các bộ, chờ những chuyên viên lạnh tanh với DN, lạnh tanh với sự phát triển của đất nước”, bà Lan nói và cho rằng cần kỷ luật ngay những người không làm tròn nhiệm vụ.
Mọi bộ ngành phải chuyển động, gương mẫu đi đầu
Lắng nghe các ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng DN và các tổ chức quốc tế trong cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng, hơn 20 năm qua, mặc dù Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh thứ hai thế giới, nhiều mục tiêu thiên niên kỷ đã được hoàn thành, nhưng thu nhập đầu người của Việt Nam vẫn đứng ở vị trí khoảng 125 trên thế giới, chỉ số phát triển nguồn nhân lực vẫn đứng ở khoảng 115-120, năng suất lao động Việt Nam rất thấp.
Muốn kinh tế phát triển bền vững, năng suất lao động cao hơn, thu nhập tính trên đầu người cao hơn, bên cạnh việc đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực, các yếu tố nâng cao năng suất tổng hợp… thì quan trọng nhất là phải cơ cấu lại lao động.
Hiện Việt Nam còn khoảng 40% lao động làm việc ở khu vực nông nghiệp, trong khi các nước phát triển chỉ là 5-10%. Để đạt được tỉ lệ này ở Việt Nam thì cần có thêm nhiều nhà máy, nhiều DN hơn nữa.
Chính phủ đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 phải có 1 triệu DN, tương đương với mức trung bình của ASEAN là 100 người dân có 1 DN. Vì vậy nhất thiết phải cải thiện môi trường kinh doanh.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, qua kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết 19 giai đoạn 2014-2017, năm nay việc thực hiện sẽ phải khắc phục tình trạng không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương và “trên nóng, dưới lạnh” ở ngay trong một bộ, ngành.
“Trước đây chúng ta chỉ tập trung cải thiện những chỉ số chính, nên những bộ, ngành nào liên quan thì có sức ép, động lực để thực hiện như Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Tài chính được nhắc đến rất nhiều, rất nóng. Năm nay những bộ chưa được chú ý lắm, dù chỉ 1-2 quy định, cũng phải chuyển động mạnh hơn, nóng hơn”.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý thực hiện nghị quyết 19 cần phối hợp chặt chẽ với việc kiểm tra, đôn đốc nhiệm vụ mà Thủ tướng giao cho các bộ, ngành.
Kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, ngành không phải là ra văn bản đúng thời gian, đúng hạn, mà nội dung văn bản đó giải quyết được vướng mắc của DN, người dân. “Kinh nghiệm để có nội dung văn bản tốt là phải tăng cường đối thoại giữa các bộ, ngành, địa phương với DN”.
Phó Thủ tướng cũng mong muốn các tổ chức quốc tế cùng với các bộ, ngành của Việt Nam xây dựng cơ chế cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ để có các báo cáo đánh giá khách quan, khoa học; tăng cường kết nối các diễn đàn, hội nghị có cùng chủ đề cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm vào một số công việc cụ thể, tạo chuyển biến mang tính đột phát ban đầu, lan toả ra.
“Qua Nghị quyết 19 rất cần thúc đẩy việc so sánh, đánh giá các chỉ số liên quan đến những lĩnh vực khác của các bộ, ngành, địa phương như cải cách hành chính, khoa học công nghệ… theo đúng thông lệ quốc tế.
Tinh thần đổi mới phải từ trên gương mẫu xuống. Các bộ, ngành cần sát vào thực tế các địa phương, lựa chọn một số việc giải quyết đến cùng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả.
Từ đó tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi người dân đóng góp, sáng tạo, phát huy giá trị của mình; khi khởi sự kinh doanh thì được hỗ trợ thông tin đầy đủ, theo pháp luật, phù hợp thông lệ thế giới”, Phó Thủ tướng bày tỏ.