Bước sang ngày chất vấn thứ hai, đầu giờ sáng 4/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tiếp tục trả lời một số vấn đề của đại biểu.
Tại phiên chất vấn chiều qua (3/11), đã có 36 đại biểu đặt câu hỏi, 1 đại biểu luận, 3 bộ trưởng, gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông - Vận tải và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã "chia lửa" với Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) dẫn lời các chuyên gia đánh giá, kiến trúc và quy hoạch Việt Nam phát triển lộn xộn, kể cả ở nông thôn và đô thị, thiếu dấu ấn đặc trưng dân tộc, vùng miền, Bộ trưởng Nghị nói, sau khi định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Xây dựng đã ban hành kế hoạch triển khai, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức quản lý kiến trúc Việt Nam có bản sắc và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nước ta.
Về giải pháp, Bộ Xây dựng sẽ nâng cao công tác quản lý, phát triển kiến trúc Việt Nam, cải thiện những tồn tại trong kiến trúc đô thị, nông thôn. Đồng thời nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kiến trúc cảnh quan ở đô thị, nông thôn; mẫu thiết kế điển hình; tăng cường kiểm tra ở các địa phương.
Tại phiên chất vấn trưởng ngành xây dựng sáng nay, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã làm rõ thêm một số nội dung về tiến độ lập quy hoạch, công tác quy hoạch đô thị, quản lý và phát triển đô thị, nguyên nhân và giải pháp.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành báo cáo thêm các nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ tại phiên chất vấn sáng 4/11. |
Liên quan đến tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, Phó thủ tướng nói: Theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, hệ thống quy hoạch quốc gia có tổng số 110 quy hoạch, trong đó có 41 quy hoạch cấp quốc gia (gồm Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia và 38 quy hoạch ngành quốc gia), 6 quy hoạch vùng và 63 quy hoạch tỉnh.
Việc ban hành Luật Quy hoạch là sự đổi mới rất căn bản về phương pháp, tư duy, khắc phục việc chia cắt, manh mún, chồng chéo trong công tác quy hoạch. Luật đã đưa ra quy định quy hoạch cấp trên thực hiện trước làm cơ sở để lập quy hoạch cấp dưới.
Tuy nhiên, quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn chưa được phê duyệt do đây là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ. Do vậy, mặc dù Luật đã có hiệu lực nhưng việc lập các quy hoạch tỉnh, vùng, ngành còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc. Để tháo gỡ khó khăn này, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 và Nghị quyết 61/2022/QH15 trong đó cho phép lập đồng thời các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch…
Về công tác quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, hiện nay, các khu vực đô thị có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, hình thành nhiều khu đô thị văn minh, hiện đại, hạ tầng giao thông cải thiện, làm thay đổi diện mạo đô thị.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc quản lý phát triển đô thị còn có những tồn tại hạn chế như: Việc cải tạo chung cư cũ còn chậm, nhiều khu vực nhà cũ đã lâu không tu sửa có nguy cơ mất an toàn, tỷ lệ cây xanh, công viên, vườn hoa, đất phúc lợi, đất công cộng còn thấp…
Theo Phó thủ tướng, nguyên nhân của những tồn tại hạn chế nêu trên xuất phát từ công tác quy hoạch, quản lý xây dựng chưa được thực hiện hiệu quả, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra khá nhiều nhưng chưa được xử lý kịp thời.
Chất lượng nhiều đồ án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch còn thiếu tầm nhìn, chưa đáp ứng được yêu cầu, mật độ nhà cao tầng quá lớn gây quá tải cho hạ tầng đô thị. Có nhiều đồ án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ, nhưng chất lượng chưa đạt yêu cầu, phải làm đi làm lại nhiều lần, gây mất rất nhiều thời gian…
Phó thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, để nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới, Bộ Xây dựng và các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến công tác lựa chọn chất vấn, tổ chức thẩm tra, thẩm định; phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở để tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát, xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng
Khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, quản lý phát triển đô thị để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Phát biểu kết luận nội dung chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định, xây dựng là lĩnh vực quan trọng, mang tính chiến lược, có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là một trong những nhân tố quan trọng quyết định quy mô, trình độ kỹ thuật với nền kinh tế.
Nhiều chính sách pháp luật trong lĩnh vực xây dựng có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương các cấp. Vì vậy, việc lựa chọn chất vấn lĩnh vực xây dựng tại Kỳ họp thứ 4 đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận nội dung chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng. |
Dù vậy, lĩnh vực thuộc nhóm nội dung chất vấn này còn một số vấn đề bất cập. Một số quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn xa, chưa đồng bộ, gắn kết giữa cấp độ quy hoạch đô thị và giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch khác.
Việc điều chỉnh quy hoạch đô thị tại một số địa phương còn tùy tiện, chất lượng đô thị hóa chưa cao, kết cấu chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị, việc thực hiện di dời trụ sở bộ, ngành, các cơ sở khỏi nội đô thành phố Hà Nội còn chậm; cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp, thiếu trầm trọng về nhà ở xã hội, nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp và trung bình cũng như nhà ở cho công nhân...
Ông đề nghị Bộ trưởng Xây dựng và các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu, có các giải pháp hiệu quả để khắc phục, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch đô thị nông thôn, trong đó tập trung nghiên cứu xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản, nhà ở và các quy định liên quan. Đặc biệt, cần chuẩn bị kỹ lưỡng, có chất lượng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Sửa đổi, hoàn thiện chính sách ưu đãi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà xã hội, nhất là nhà xã hội cho thuê, thuê mua. Sớm ban hành và thực hiện hiệu quả Đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.
Hoàn thiện đổi mới số hóa, mã hóa thống nhất, hệ thống định mức đơn giá xây dựng, rà soát, bổ sung các định mức cốt lõi có ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu tư xây dựng công trình, các chỉ tiêu vốn đầu tư, đơn giá xây dựng tổng hợp; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh tiến độ cấp phép các vật liệu xây dựng phục vụ công trình, dự án trọng điểm quốc gia.