Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu cuối phiên thảo luận.

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu cuối phiên thảo luận.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cập nhật tiến độ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng cho biết, các bộ, ngành và Chính phủ rất thận trọng để tránh sơ suất và tránh những trách nhiệm sau này khi tổ chức thực hiện bởi vì gói hỗ trợ rất lớn.

Các bộ, ngành và Chính phủ rất thận trọng để tránh sơ suất và tránh những trách nhiệm sau này khi tổ chức thực hiện bởi vì gói tiền rất lớn, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết 43 về một số chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.

Ông cũng là thành viên Chính phủ phát biểu cuối cùng sau một ngày rưỡi Quốc hội thảo luận về kinh tế, xã hội với khá nhiều ý kiến lo ngại về tiến độ triển khai thực hiện nghị quyết 43.

Cập nhật kết quả thực hiện đến 2/6, Phó thủ tướng cho biết, về xây dựng chính sách cơ chế đã ban hành được 11 văn bản trên 14 văn bản.

Tuy nhiên, có một số văn bản chậm hơn so với tiến độ do chương trình và chính sách rất phức tạp, cần có sự phối hợp giữa các bộ ngành.

"Trong những chính sách thực hiện trước đó có những chính sách chúng ta làm chưa tốt, còn nhiều vướng mắc, hạn chế, do đó trong quá trình xây dựng các bộ, ngành và Chính phủ cũng rất thận trọng để tránh sơ suất và tránh những trách nhiệm sau này khi tổ chức thực hiện bởi vì gói tiền rất lớn", ông Khái nhấn mạnh.

Lý do nữa, theo Phó Thủ tướng, đây là một nhiệm vụ mới, không có trong kế hoạch dài hạn, do đó cũng nảy sinh ra nhiều công việc mà các bộ, ngành chưa chủ động được.

Còn lại 3 văn bản chưa hướng dẫn, ông Khái cho biết hiện tại đang làm. Thứ nhất là văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục để thực hiện chỉ định thầu đối với những gói thầu được cơ chế đặc thù trong dự án của đường cao tốc Bắc - Nam. Thứ hai là hai thông tư hướng dẫn về việc là sử dụng Quỹ Phát triển khoa học công nghệ và Quỹ Hỗ trợ viễn thông công ích, khoảng 10.000 tỷ.

"Ba văn bản này cần thiết nhưng tôi nghĩ là nó không tác động nhiều đến việc thực hiện chương trình. Do đó báo cáo với Quốc hội là đến thời điểm hiện nay có thể khẳng định tất cả những văn bản cơ chế, chính sách vào cuối tháng 5 này Chính phủ đã ban hành một cách đầy đủ", Phó Thủ tướng khái quát.

Chi tiết các khoản ở gói hỗ trợ 347.000 tỷ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải phân tích ra mới biết là "chậm hay không chậm để chúng ta yên tâm".

Theo đó, có 46.000 tỷ dùng quỹ tài chính hợp pháp với số lượng là 2 tỷ USD để mua vaccine và trang thiết bị y tế.

Trừ khoản này ra còn lại khoảng 301.000 tỷ có thể phân tích theo 2 con số. Thứ nhất là 125.000 tỷ gồm có 64.000 tỷ là tiền miễn, giảm thuế. Sau khi Nghị quyết 43 ra đời thì 18 ngày sau Chính phủ với sự tham mưu của Bộ Tài chính đã ban hành Nghị định số 15 giảm thuế VAT từ tháng 2/2022 từ 10% xuống khoảng 8%. Gói này Chính phủ làm rất nhanh, Phó Thủ tướng nhận định.

Thứ hai, 38.400 tỷ là chính sách tín dụng thông qua Ngân hàng chính sách, với 5 chương trình cơ bản các cơ chế, chính sách đã xây dựng xong và đến thời điểm hiện nay đã giải ngân được 4.586 tỷ/19.000 tỷ của năm 2022. Như vậy gói này làm rất nhanh và giải ngân cũng rất phù hợp và kịp thời.

Một khoản thứ ba nữa, Phó Thủ tướng cho biết là giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô và giảm một số sắc thuế khoảng 6.000 tỷ thì đến cuối năm cũng thực hiện xong.

Ngoài ra, còn một khoản nữa là 6.600 tỷ là tiền hỗ trợ cho người lao động thuê nhà, đã giải ngân được gần 2 tỷ .

Về khoản hỗ trợ lãi suất qua ngân hàng thương mại là 40.000 tỷ , ông Khái cho rằng tuy có chậm nhưng khi tiến hành quyết toán giữa các ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp, hợp tác xã, và hộ gia đình thì được tính vào ngày 1/1/2022.

"Quốc hội cũng biết là năm 2008 và 2009 chúng ta đã dành 1 tỷ USD để hỗ trợ lãi suất qua ngân hàng thương mại. Khi thực hiện chính sách này trong thời điểm đó còn nhiều vấn đề bất cập, do đó lần này Chính phủ cũng rút kinh nghiệm làm một cách rất chặt chẽ và hướng dẫn bằng một nghị định với trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan một cách đầy đủ và chặt chẽ để khi thực hiện chương trình này được thông suốt và được thuận lợi", Phó Thủ tướng trình bày.

Với khoản cuối cùng là 134.000 tỷ là dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng, khiến nhiều đại biểu rất sốt ruột, ông Khái nói vì phải theo Luật Đầu tư công nên gói này thực hiện chậm.

Bình thường những dự án đầu tư công khi đưa vào kế hoạch đầu tư công đã mất 1 năm rưỡi. Do đó trong danh mục hiện nay Chính phủ đã trình để cho các địa phương và các bộ, ngành trên cơ sở danh mục đó thực hiện các trình tự, thủ tục đầu tư, sau đó tổng hợp báo cáo xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi phân phối chính thức.

Việc này, theo Phó Thủ tướng là chậm, nhưng đến thời điểm hiện nay cơ bản đã hoàn thành các chính sách và có cơ sở để tin tưởng rằng gói hỗ trợ này thực hiện tốt trong thời gian tới.

Tin bài liên quan