Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) diễn ra trong 2 ngày 6-7/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đánh giá: Kết thúc năm 2015, EVN đã hoàn thành kế hoạch tốt hơn so với dự báo. Đây là lần đầu tiên ngành điện đạt được giấc mơ “đi trước một bước” để có điện dự phòng cho dù không đồng bộ. Mặc dù khu vực phía Nam vẫn gặp nhiều khó khăn về điện, nhưng hệ thống không phải cắt điện và đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho nền kinh tế.
“Kết quả nền kinh tế đạt được trong năm qua là có thành quả của ngành điện, không chỉ đáp ứng đủ điện cho nền kinh tế mà còn có dự phòng. Số nhà máy thủy điện đa mục tiêu tăng nhanh, cân bằng nước cho nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Phát triển hệ thống truyền tải mạnh”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
"Khách hàng dùng điện họ có quyền. Ngành điện bây giờ không thể bưng bít thông tin nên cần phải thay đổi tư duy và nhận thức, cần phải làm cho xã hội hiểu mình hơn, khách hàng hiểu mình hơn" - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Cũng theo Phó Thủ tướng, EVN cũng đã chủ động đảm bảo cân bằng điện, tham gia cấp điện khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo; phát triển năng lượng mới cũng như năng lượng tái tạo như dự án điện gió và điện mặt trời. Hệ thống truyền tải điện năm 2015 cho dù gặp nhiều thách thức lớn nhưng đã giải quyết được hầu hết những khó khăn.
Đặc biệt trong công tác cân bằng tài chính, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải hài lòng chỉ rõ: “Trước đây ông Thanh (Nguyên Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh) khi đọc báo cáo tổng kết lúc nào cũng nhăn nhó, giờ ông Tri (Phó TGĐ Đinh Quang Tri) đọc báo cáo cười tươi vì các chỉ tiêu tài chính đã đáp ứng được. Trước đây, có giai đoạn EVN liên tục bị chủ nợ “hỏi thăm sức khỏe”, có cả văn bản gửi Chính phủ phản ánh 3 chỉ tiêu lớn EVN đều vi phạm. Nhưng 5 năm qua, đặc biệt là trong năm 2015, với hầu hết các chỉ tiêu, EVN đã cố gắng để nỗ lực đạt được, cân bằng tài chính đã ổn định được và cải cách giá điện là những thành công trong năm này”.
Phân tích thêm về điều này, Phó Thủ tướng nhận xét, trong giai đoạn 5 năm vừa qua, mặc dù ngành điện đã tiến hành điều chỉnh giá điện nhiều nhất nhưng vẫn được xã hội ủng hộ, khi giá điện ngày càng minh bạch hơn, dần đưa thị trường phát điện cạnh tranh vào theo lộ trình. Bộ Công Thương và EVN đã quyết liệt, nhìn xa trông rộng đã làm thay đổi nhận thức xã hội. EVN điều hành điện theo cơ chế thị trường đã chiếm tới 38,4%, trong khi nhiều quốc gia đi trước có điều kiện cao hơn, nhận thức cao hơn nhưng vẫn không thành công.
“EVN cũng hết bệnh “mẹ hát con khen hay” - Phó thủ tướng nói khi cho rằng công tác dịch vụ, chăm sóc khách hàng đã được EVN thực hiện chu đáo, phù hợp với yêu cầu của xã hội. Bởi lẽ người dân hoàn toàn xứng đáng được hưởng dịch vụ tiên tiến nhất. Người dân chỉ biết đóng tiền điện đủ hàng tháng nhưng không muốn bị cắt điện hay chất lượng điện không đảm bảo. Với những tồn tại hạn chế, EVN cần phải biết tự nhận lỗi và nhìn thẳng vào điểm yếu để khắc phục.
“Khách hàng dùng điện họ có quyền. Ngành điện bây giờ không thể bưng bít thông tin nên cần phải thay đổi tư duy và nhận thức, cần phải làm cho xã hội hiểu mình hơn, khách hàng hiểu mình hơn và không có cách nào khác là từ những hành động của chính mình”, Phó Thủ tướng nói.
EVN cần có giải pháp đầu tư quyết liệt
Về kế hoạch 5 năm tới, Phó Thủ tướng cho rằng, thị trường vốn vẫn chưa hoàn chỉnh nên sẽ rất khó khăn cho EVN trong việc huy động vốn đầu tư các dự án điện. Trong khi đó, nhu cầu khách hàng ngày càng đòi hỏi chất lượng dịch vụ tốt hơn, minh bạch hơn. Là Tập đoàn nhà nước, EVN vẫn phải đóng vai trò chủ đạo trong việc đáp ứng đủ điện cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, đi đầu trong phát triển các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
“Hệ thống điện dự phòng hiện nay có thể mất đi trong vòng 2 năm nên EVN cần có giải pháp đầu tư quyết liệt hơn. Mặt khác hệ thống điện Việt Nam đang rất lớn đòi hỏi phải thay đổi ngay trong công tác quy hoạch, nghiên cứu tính toán khoa học để vận hành ổn định và an toàn hệ thống”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, việc cải cách thủ tục hành chính trong ngành phải được theo dõi và giám sát tới từng Tổng công ty và công ty điện lực. Trong đó, khuyến khích thanh toán tiền điện hàng tháng qua mạng.
Trong báo cáo của EVN cho thấy, lượng điện sản xuất và mua năm 2015 đạt 159,4 tỷ kWh, tăng 11,23% so với năm 2014 (cao hơn 2,5 tỷ kWh so với kế hoạch). Đến cuối năm 2015, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống là 38.800MW (tăng 1,8 lần so với năm 2010) đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (sau Indonesia) và thứ 30 thế giới.
EVN hiện đang quản lý hệ thống lưới điện gồm trên 41.100 km đường dây 500-220-110kV (tăng 1,5 lần so với năm 2010) và trên 440.000 km đường dây trung thế và hạ thế (tăng 1,2 lần so với năm 2010); Tổng dung lượng trạm biến áp 500-220-110kV tăng 1,8 lần so với năm 2010.
Giá bán điện bình quân toàn EVN ước đạt 1.629,8 đồng/kWh (tăng 12,58 đồng/kWh so với kế hoạch. Doanh thu bán điện toàn Tập đoàn ước đạt 233.710 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2014. Tỷ lệ tổn thất điện năng toàn Tập đoàn đạt chỉ tiêu kế hoạch là 8,0%, giảm 0,43% so với năm 2014.
Năng suất lao động sản xuất kinh doanh điện năm 2015 của EVN tăng 10% so với năm 2014 (đạt 1,54 triệu kWh/người. Lợi nhuận sản xuất kinh doanh điện của Công ty mẹ - EVN và 9 Tổng công ty đạt lợi nhuận cao hơn kế hoạch. EVN bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước khi vốn điều lệ của Công ty mẹ - EVN đến 31/12/2015 là 160.000 tỷ đồng, tăng 2,08 lần so với vốn điều lệ năm 2010 (76.742 tỷ đồng). Tính đến cuối năm 2015, trên cả nước số xã có điện đạt 99,8% và số hộ dân nông thôn được sử dụng điện đạt 98,76%.