Phó thủ tướng: Chương trình Mục tiêu Quốc gia “không gỡ sẽ không làm được”

0:00 / 0:00
0:00
Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại tổ.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại tổ.

Thực tế, 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia tổng hợp từ rất nhiều chính sách, vấn đề, quy định nên cực kỳ phức tạp, đan xen, thậm chí xung đột với nhau, nếu không gỡ không làm được.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã nhấn mạnh như trên khi Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, sáng 16/1.

Trước đó, Chính phủ đã đề xuất 8 cơ chế, chính sách đặc thù để gỡ khó cho ba chương trình đó (gồm Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030).

Theo Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, dự thảo nghị quyết thể hiện các cơ chế mạnh mẽ chưa từng có và “anh em phải làm ngày đêm để có”.

Trong 8 cơ chế, một số nội dung vẫn để hai phương án. Song, "nếu như Quốc hội bấm nút thông qua, cho dù có lựa chọn phương án nào, chúng tôi vẫn cho là thành công. Bởi 8 cơ chế trình đều khác với luật, vượt lên trên luật”, Phó thủ tướng phát biểu.

Nhấn mạnh 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia cực kỳ phức tạp, đan xen, thậm chí xung đột với nhau, nếu không gỡ không làm được, ông Quang cho rằng nếu nghị quyết được thông qua thì sẽ giải quyết được căn cơ, chỉ còn nợ một chuyện của chương trình phát triển kinh tế xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vì phải thay đổi chủ trương đầu tư nhưng làm chưa kịp.

Phó thủ tướng cũng nêu rõ, nguyên tắc lớn nhất của 8 cơ chế, chính sách mà Chính phủ kiến nghị Quốc hội là phân cấp mạnh, tăng cường năng lực của cơ sở và đòi hỏi tăng cường kiểm tra, giám sát, trong đó có trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, có thể bổ sung thêm trách nhiệm của mặt trận tổ quốc.

Tuy nhiên, ông Quang cũng chia sẻ là liệu khi phân cấp cho huyện, hay cho cấp xã như ý kiến một số đại biểu thì huyện, xã có kham nổi hay không?

"Vì nếu không khéo chúng ta sẽ mất cán bộ. Điện thoại của tôi nhận được rất nhiều tin nhắn của các cán bộ ở huyện, xã 'xin Phó thủ tướng đừng giao cho em, nếu giao là em đứt'. Nên đâu đó cũng còn có sự phân vân về phân cấp đến đâu", Phó thủ tướng chia sẻ.

Nguyên tắc là phân cấp phải có tính khả thi và anh em cấp dưới phải làm được. Cho nên có thể có những điều mong muốn của đại biểu mà chúng tôi cân nhắc rất kỹ cũng chưa dám phân cấp, ông Quang phát biểu.

Ngoài ra, lãnh đạo Chính phủ cũng cho biết, thực tế có những nội dung đi trình, đi xin nhưng không phải xin cái gì cũng được.

"Mình về xin ba mẹ mình chưa chắc xin được hết. Cho nên có câu chuyện phải lựa cái gì được, cái gì không và người cho cũng lựa cái gì cho được cái gì không. Ví dụ liên quan ngân sách Nhà nước cho dù một đồng cũng phải cực kỳ chặt chẽ", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh 8 nội dung Chính phủ trình không phải cơ chế thí điểm mà là cơ chế đặc thù. Thí điểm là cho áp dụng phạm vi nhỏ sau đó rút kinh nghiệm, có thể mở rộng. Còn ở dự thảo, chỉ thí điểm ở nội dung thứ 7 liên quan lựa chọn một huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp trong giai đoạn 2024 - 2025.

"Giao mà anh em căng quá có khi là buông luôn. Thêm vào đó, hiện nay, HĐND cấp tỉnh rất linh hoạt, họp bất thường liên tục. Tôi không biết anh Châu (ông Lê Tiến Châu, bí thư Thành ủy Hải Phòng - PV) về thay thì hội đồng nhân dân Thành phố họp mấy phiên bất thường, còn trước đây, mỗi tháng họp 1 phiên bất thường để kịp thời giải quyết các vấn đề. Thêm vào đó, việc giao cho HĐND cấp tỉnh thì với cách nhìn bao quát của cấp tỉnh sẽ cân đối đầy đặn, hài hòa hơn giữa các địa phương. Nếu như giao cho huyện, có thể phân bì huyện này ít, huyện này nhiều...

Hơn nữa, đã xin giao từ Quốc hội xuống HĐND rồi mà giao xuống tới huyện nữa chắc khó. Xin phải chừng mực, xin mà xin quá chắc không cho..., ông Trần Lưu Quang nói thêm.

Chiều nay (16/1), Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về về dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.

Tin bài liên quan