Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh việc nghiên cứu khai thác thí điểm cát ngoài khơi

0:00 / 0:00
0:00
Việc nghiên cứu, xử lý cát biển làm vật liệu san lấp và thay thế cát sông, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà là hết sức cần thiết, cấp bách.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 88/TB – VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp nghe báo cáo về đề xuất thực hiện Đề án khai thác thí điểm cát ngoài khơi phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá, việc nghiên cứu, xử lý cát biển làm vật liệu san lấp và thay thế cát sông là hết sức cần thiết, cấp bách.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, GTVT khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc sử dụng cát biển để thay thế vật liệu xây dựng, san lấp... Tuy nhiên, đến nay các bộ, ngành, doanh nghiệp triển khai quá chậm, không đáp ứng yêu cầu và không thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo. Đẩy đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT khẩn trương thành lập Tổ công tác do Lãnh đạo Bộ làm Tổ trưởng, Lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng,… đại diện doanh nghiệp và chuyên gia trong nước, quốc tế khẩn trương nghiên cứu, đánh giá về yêu cầu kỹ thuật, chỉ tiêu vật lý, hóa sức bền vật liệu, công nghệ xử lý cát nhiễm mặn, hiệu quả kinh tế kỹ thuật, bảo vệ môi trường,… xây dựng quy chuẩn, định mức, trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường được yêu cầu khẩn trương điều tra, đánh giá, hướng dẫn việc thăm dò, khai thác, đánh giá tác động môi trường; cấp phép thăm dò, khai thác để bảo đảm cát phục vụ san lấp các tuyến đường cao tốc và cát vật liệu xây dựng.

Được biết, trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường sử dụng cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Tổ chức các hội nghị, hội thảo triển khai việc nghiên cứu sử dụng cát biển, cát nhiễm mặn làm vật liệu nền đường sử dụng cho công trình giao thông với sự tham gia của các cơ quan thuộc Bộ GTVT; các cơ quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường , Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; chuyên gia của các trường: Đại học Xây dựng, Đại học GTVT, Đại học Công nghệ GTVT, Đại học GTVT TP.HCM.

Bộ GTVT cũng đã chấp thuận triển khai nghiên cứu, đánh giá thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau (thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025).

Trong giai đoạn đầu sẽ chỉ có 986 m đường hoàn trả cho Tỉnh lộ 978 thuộc Dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau được chọn thí điểm sử dụng nguồn cát biển được lấy từ Trà Vinh để đắp nền đường. Thời gian thí điểm dự kiến là 12 tháng. Nếu kết quả khả thi, Bộ GTVT sẽ triển khai đại trà việc sử dụng cát biển làm vật liệu nền đường trên các tuyến cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Cần phải nói thêm rằng, cát biển đang là một trong những lối ra quan trọng để giải quyết tình trạng khan hiếm và đội giá cát sông cho các dự án đường bộ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như tại các công trình hạ tầng trên phạm vi toàn quốc.

Cụ thể, trong đó, giai đoạn 2022 - 2025, chỉ tính riêng 4 dự án đường cao tốc được triển khai trên địa bàn này đã cần tối thiểu khoảng 36 triệu m3 cát đắp nền. Nếu sử dụng cát sông để đắp nền đường như hiện nay, thì trữ lượng của các mỏ cát đang được cấp phép khai thác tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang… không những không đáp ứng được yêu cầu (lượng cung toàn thị trường này chỉ đạt 20 triệu m3), mà còn gây sạt lở nghiêm trọng các tuyến sông do cát bị khai thác quá mức.

Tin bài liên quan