Cuộc gặp diễn ra ngày 25/1, với sự tham gia của 25 công ty toàn cầu hoạt động ở nhiều lĩnh vực, từ công nghệ thông tin, y tế, bảo hiểm, hàng không đến an ninh, đầu tư.
Tại sự kiện kéo dài một giờ, Phó thủ tướng đã giới thiệu thành tựu kinh tế của Việt Nam trong thập kỷ qua. Ông khẳng định với dân số 93 triệu người và vị trí địa lý cầu nối trong ASEAN, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng cho các nhà đầu tư.
Phó thủ tướng hoan nghênh việc các tập đoàn hàng đầu như Siemens, Airbus, Mitsubishi… chọn Việt Nam để đầu tư, hợp tác đào tạo nhân lực trong kỷ nguyên số. Ông cũng khẳng định dù chậm chân về hạ tầng 3G, 4G, Việt Nam sẽ đón đầu công nghệ 5G đễ hỗ trợ cho Cách mạng 4.0.
Phó thủ tướng cho rằng chuyển dịch số là bài toán về nhu cầu cụ thể, chứ không phải công nghệ thuần tuý. Vì vậy, với sự hỗ trợ của Chính phủ, sự chuyển dịch của các tập đoàn toàn cầu và nguồn nhân lực trong nước, Việt Nam sẽ trở thành mảnh đất cho 4.0.
Ông muốn sử dụng công nghệ hàng không, vệ tinh để giám sát an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phát triển bảo hiểm số, tài chính số để hội nhập toàn cầu và tận dụng tốt thị trường trong nước. Đây cũng là mối quan tâm của Sergio Balbinot - Ủy viên Hội đồng quản trị Allianz - công ty bảo hiểm quốc tế và dịch vụ tài chính thứ hai trên thế giới trong buổi gặp hôm qua.
Chủ tịch FPT - Trương Gia Bình là người kết nối các doanh nghiệp trong sự kiện. Ảnh:VGP
Tại sự kiện, các doanh nghiệp đều đánh giá cao nhân lực Việt Nam, về sức trẻ, trí tuệ và khả năng học hỏi. Họ cho rằng đây là những phẩm chất quan trọng để thành công trong thời kỳ 4.0.
Chủ tịch Tập đoàn Siemens - Joe Kaeser nhấn mạnh Việt Nam có lao động đáp ứng nhu cầu nhân lực của cuộc cách mạng số. Họ đang hợp tác với FPT để đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này.
Lixil - một trong những tập đoàn lớn nhất Nhật Bản trong lĩnh vực vật liệu xây dựng và thiết bị nhà ở thì khẳng định Việt Nam là thị trường quan trọng hàng đầu của mình.
Chủ tịch FPT - Trương Gia Bình, người đứng ra kết nối 25 tập đoàn tham dự, cho biết để thu hút doanh nghiệp nước ngoài, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ. Năm 2017, Chính phủ đã có hơn 200 cuộc đối thoại với doanh nghiệp để giải quyết vướng mắc và hỗ trợ phát triển.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang tập trung cho Cách mạng Công nghiệp 4.0, vì đây sẽ là sân chơi giúp Việt Nam thay đổi vị thế quốc gia.