Số lượng và giá trị giao dịch rút tiền mặt ngày càng có xu hướng giảm
Phát biểu khai mạc Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai”, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam đã nhấn mạnh: “Thanh toán không dùng tiền mặt trước đây chỉ ở thấy chủ yếu ở các siêu thị lớn nhưng giờ đây chúng ta thấy đã phổ biến trong cuộc sống thường nhật”.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) nhận định, thẻ là phương tiện thanh toán phổ biến và đã đi vào đời sống của người Việt Nam nhiều năm qua. Theo ghi nhận từ hệ thống NAPAS, số lượng và giá trị giao dịch rút tiền mặt ngày càng có xu hướng giảm đã cho thấy sự chuyển dịch thói quen của người dân từ rút tiền tại ATM sang sử dụng thẻ để thanh toán trực tiếp tại các điểm chấp nhận thanh toán như nhà hàng, siêu thị... và thanh toán mua hàng trực tuyến”.
Cụ thể hơn, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, những năm qua thị trường thẻ tại Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh chóng, góp phần quan trọng thúc đẩy nhanh xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).
Tính đến 7 năm 2023, số lượng thẻ đang lưu hành đạt hơn 140 triệu thẻ (tăng 8,27% so với cuối năm 2021), với hơn 103 triệu thẻ nội địa, 36,7 triệu thẻ quốc tế; trong đó, có gần 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC đang lưu hành (27 ngân hàng đang triển khai).
Về mặt giá trị, giao dịch qua thẻ cũng tăng mạnh, cụ thể: đến 31/12/2021, giao dịch toàn hệ thống thẻ đạt gần 1,6 tỷ món, tương đương 4,44 triệu tỷ đồng; đến 31/12/2022, giao dịch toàn hệ thống đạt gần 2,2 tỷ món, tương đương 4,86 triệu tỷ đồng (tăng lần lượt 39,12% về số lượng và 9,49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021); đến tháng 7/2023, giao dịch toàn hệ thống đạt gần 1,3 tỷ món, tương đương 2,63 triệu tỷ đồng (tăng 3,21% về mặt số lượng so với cùng kỳ năm 2022).
“Muốn làm gì thì làm, người dân cần phải được tiện và lợi trong việc sử dụng thẻ”, Phó Thống đốc NHNN nói.
Còn theo ông Minh, bên cạnh các dòng sản phẩm thẻ quốc tế đã có mặt ở Việt Nam từ rất sớm, đến nay, NAPAS đã hợp tác với các ngân hàng, công ty tài chính, cung cấp ra thị trường đầy đủ các dòng sản phẩm thẻ thanh toán hiện đại mang thương hiệu Việt Nam, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo mật tiên tiến nhất gồm thẻ trả trước, thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng và thẻ kép tích hợp cả tính năng ghi nợ và tín dụng trên cùng 1 chiếc thẻ vật lý.
Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) phát biểu tại sự kiện. |
Công nghệ chip không tiếp xúc (contactless) được triển khai trên các dòng thẻ NAPAS không những đem đến phương thức thanh toán nhanh, an toàn, hiệu quả trong nhiều lĩnh vực như thanh toán thẻ vé trong giao thông, thẻ y tế, giáo dục..., mà còn giúp gia tăng trải nghiệm thanh toán thuận tiện. Thông qua việc mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế, thẻ NAPAS hiện đã có thể thanh toán khi mua hàng tại Hàn Quốc hay giao dịch trên ATM của các nước như Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc... qua đó góp phần hoàn thiện hệ sinh thái thanh toán thẻ đa dạng, không giới hạn phạm vi và nhiều tiện ích cho người dùng.
“Riêng với thẻ tín dụng NAPAS, dù mới triển khai hơn 2 năm nhưng bước đầu được nhìn nhận là phương tiện thanh toán tiện lợi, phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng vì chi phí sử dụng thấp, điều kiện mở thẻ linh hoạt. Ngoài ra, tính năng chi tiêu trước trả tiền sau, thời gian miễn lãi lên đến 55 ngày của thẻ tín dụng NAPAS còn là kênh tài chính giúp người dân có thể tiếp cận nguồn tín dụng tiêu dùng chính thống từ các tổ chức tài chính trong các trường hợp cấp bách, góp phần hạn chế tín dụng đen. Thẻ tín dụng NAPAS còn có biểu phí phù hợp, hài hoà lợi ích các bên tham gia, tạo động lực cho các ngân hàng và công ty tài chính thúc đẩy việc phát hành thẻ tới khách hàng”, ông Minh cho biết.
Để thị trường thẻ phát triển mạnh mẽ hơn…
Ông Phạm Anh Tuấn thông tin, việc đẩy mạnh phát triển thị trường thẻ trong tương lai là một trong các mục tiêu, giải pháp nhằm góp phần phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu, giải pháp này cần có sự quan tâm đầu tư của tổ chức phát hành thẻ và sự chung tay hợp tác của các đơn vị liên quan góp phần hoàn thành mục tiêu tiến tới một xã hội không tiền mặt.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Thanh toán, NHNN Việt Nam tham luận tại Hội thảo |
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, NHNN xác định một số định hướng, giải pháp chính phát triển TTKDTM nói chung, đẩy mạnh thị trường thẻ nói riêng trong thời gian tới.
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động TTKDTM nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ nhằm khuyến khích phát triển các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, hạn chế sử dụng tiền mặt và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh toán.
Thứ hai, chỉ đạo nâng cấp, phát triển Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thanh toán của các ngân hàng đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác, mở rộng hệ sinh thái thanh toán số để phục vụ thanh toán trực tuyến.
Thứ ba, tiếp tục ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động, như: thanh toán qua QR Code, mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán di động (Mobile Payment), thanh toán phi tiếp xúc (Contactless), Ví điện tử.
Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công, nhất là trong công tác phối hợp thu ngân sách nhà nước, trong lĩnh vực y tế, giáo dục.
Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, nhất là thanh toán điện tử, trung gian thanh toán, thanh toán xuyên biên giới.
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn nâng cao nhận thức về hoạt động TTKDTM, trong đó có bảo vệ, quyền lợi ích hợp pháp của người sử dụng phương tiện, dịch vụ TTKDTM, đồng thời vận động người dân không tham gia, tiếp tay cho các đối tượng tội phạm lợi dụng hoạt động TTKDTM vào các hoạt động bất hợp pháp.
“Trong thời gian tới, với việc cập nhật liên tục xu thế phát triển công nghệ mới, NAPAS đã và đang triển khai số hóa thẻ lên thiết bị di động và hợp tác cùng các tổ chức thẻ quốc tế, các ngân hàng triển khai thẻ đồng thương hiệu cho phép khách hàng có thể chi tiêu bằng thẻ NAPAS tại nước ngoài một cách thuận lợi nhất, góp phần thúc đẩy thị trường thanh toán thẻ Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng hơn cũng như thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ của nền kinh tế”, Tổng giám đốc NAPAS nói.