Cụ thể, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng dán nhãn tại Siêu thị Coop Mart Cống Quỳnh, quận 1. TP.HCM.
Tại siêu thị Co.opMart Cống Quỳnh, những tấm nhãn "Thanh toán không tiền mặt" đã được bà Hồng dán tại quầy thu ngân, nơi có các thiết bị POS, QR code hay ví điện tử dùng thanh toán cho khách mua hàng.
Chia sẻ tại điểm dán nhãn, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết, thanh toán không tiền mặt ở hệ thống tăng mạnh trong khoảng một năm gần đây.
Cụ thể, theo ông Đức, từ mức 3%-5% của năm ngoái, hiện nay doanh số thanh toán không tiền mặt đã chiếm gần 21%, tức tăng gấp 7 lần trong đó 21% từ ví điện tử, thẻ thanh toán các loại, voucher điện tử, dịch vụ thu hộ... Theo kế hoạch đặt ra trước đó, trong 5 năm, Saigon Co.op sẽ tăng tỷ lệ thanh toán không tiền mặt tại hệ thống lên 30%.
Sau siêu thị Co.op Mart, Chợ An Đông, chiều 16/6, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã dán biểu tượng thanh toán không tiền mặt tại chợ An Đông và cây xăng SFC để người tiêu dùng nhận diện.
Tại cây xăng Công ty cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn SFC trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), rất bất ngờ khi có nhiều khách hàng đã ghé vào đổ xăng và thanh toán bằng thẻ không tiếp xúc ngay thời điểm dán biểu tượng tại cây xăng này. Hiện SFC đã linh động cho nhân viên mang máy cà thẻ ra tận nơi để phục vụ khách hàng có nhu cầu.
Bà Nguyễn Thị Hồng Loan, quản lý cây xăng của SFC cho biết, hiện tỷ lệ cà thẻ thanh toán tại cây xăng này khoảng 30%, chủ yếu là doanh nghiệp và người đi ô tô.
Còn tại chợ An Đông, quận 5. TP.HCM, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã dán biểu tượng thanh toán không tiền mặt lên hai sạp tại chợ gồm sạp của bà Đào Thị Xuân Mai và sạp của ông Nguyễn Đăng Thanh để người mua hàng dễ dàng nhận diện.
Bà Hồng cũng bày tỏ mong muốn thanh toán không tiền mặt tại chợ ngày càng phổ biến hơn nữa. Qua đó, tiểu thương cũng được lợi khi không phải lo tiền giả, tiền rách, tiền bán hàng đi thẳng vào tài khoản. Người bán hàng cũng không mất công kiểm đếm.
Bà Đào Thị Xuân Mai, chủ sạp Trúc Phương, chuyên bán các mặt hàng khô tại Trung tâm thương mại An Đông (quận 5) cho hay, bà kinh doanh tại chợ đã lâu. Trước đây nhiều khách du lịch muốn mua làm quà cho người thân và thanh toán bằng thẻ nhưng bận kinh doanh bà chưa tìm hiểu điều kiện để lắp máy cà thẻ (POS).
Cũng theo bà Mai, dù ngày 16/6 là ngày đầu tiên lắp máy nhưng đã có đến một nửa khách hàng chọn thanh toán cà thẻ hoặc quét mã vì vừa tiện vừa được hưởng khuyến mãi của ngân hàng.
Chứng kiến thanh toán không tiền mặt tại cây xăng SFC cũng như tại siêu thị và chợ, Vụ trưởng vụ Thanh toán (NHNN) ông Phạm Tiến Dũng đã tỏ ra bất ngờ khi chỉ trong một thời gian ngắn, hiệu ứng của Ngày không tiền mặt đã lan toả và làm thay đổi hành vi của người dùng. So với năm ngoái, thanh toán không dùng tiền mặt đã thay đổi chóng mặt.
Dịch bệnh đang dần thay đổi thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người tiêu dùng. Theo đó, hoạt động thanh toán điện tử cũng ghi nhận sự chuyển biến tích cực.
Số liệu Vụ thanh toán (NHNN) đưa ra, trong 4 tháng năm 2020, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn. Thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công đã được chú trọng, tăng cường. Trong 4 tháng đầu năm 2020, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn và thông suốt.
Tổng giá trị giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 18,30% so với cùng kỳ năm 2019. Giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tăng 73,36% về số lượng và tăng 129,47% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù xu hướng thanh toán phi tiền mặt gia tăng. Tuy nhiên, theo ông Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN, điểm nghẽn trong thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay vẫn cần sự đổi mới, sự quản lý dữ liệu tập trung của các bộ, ngành.
Từ đó, các ngân hàng có thể kết nối để thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt. Vì thế, điểm nghẽn lớn nhất trong thanh toán phi tiền mặt đó chính là từ các bộ, ngành trong việc tự động hóa thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.
Điểm nghẽn thứ 2, theo ông Dũng, là đơn vị cung cấp dịch vụ chưa sẵn sàng. Thực tết triển khai cho thấy 6 sở sử dụng 6 phần mềm khác nhau, không theo chuẩn chung nào nên rất mất công. Do vậy cần sự vào cuộc của các sở ban ngành.