Ngân hàng Nhà nước đã chính thức công bố quyết định chuyển đổi mô hình hoạt động của NH TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) thành NHTM trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Sáng nay (5/3), tại TP. HCM, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức công bố quyết định chuyển đổi mô hình hoạt động của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) thành NHTM trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của VNCB, với sự tham gia quản trị, điều hành của Vietcombank, một trong các ngân hàng thương mại nhà nước lớn, có uy tín nhất hiện nay.
Sau khi tiếp quản VNCB, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai phương án tái cơ cấu xử lý những tồn tại, yếu kém đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời triển khai các giải pháp phát triển VNCB hoạt động an toàn, đúng pháp luật. Với vai trò của NHNN trong việc tái cơ cấu VNCB, cùng sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, phương án tái cơ cấu VNCB sẽ đạt được các mục tiêu đề ra.
Cơ cấu nhân sự mới của VNCB được NHNN điều động người của Vietcombank sang điều hành. Cụ thể nguyên phó tổng giám đốc Vietcombank, ông Nguyễn Văn Tuân trở thành Chủ tịch HĐTV VNCB, với thời hạn 5 năm kể từ ngày điều động và bổ nhiệm; ông Đàm Minh Đức, Tổng giám đốc VNCB hiện tại giữ chức vụ thành viên hội đồng thành viên, kiêm Tổng giám đốc VNCB, với thời hạn 5 năm và một số thành viên khác trong Hội đồng thành viên của VNCB cũng được NHNN điều động từ Vietcombank sang.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho biết, Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc VNCB khi VNCB không còn khả năng tăng vốn để khắc phục khó khăn tồn tại. Do đó, theo Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh, Ngân hàng Nhà nước mua lại nhằm đảm bảo lợi ích người gửi tiền. Còn các cổ đông gây thất thoát mất vốn bị mất quyền lợi là đúng theo luật pháp.
“Nếu xét về điều kiện tài chính, VNCB đủ điều kiện để phá sản, nhưng Nhà nước không cho phá sản trong điều kiện hiện tại để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.Việc mua lại một ngân hàng đã hoạt động thua lỗ là nhằm ổn định chính trị, xã hội để làm sao cho xã hội phát triển bền vững, tránh sự xáo trộn, bất ổn”, Phó thống đốc nói và cho rằng, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố mua lại VNCB với giá 0 đồng thì phía Nhà nước chịu trách nhiệm với người gửi tiền.
Phó thống đốc Thanh cũng tin rằng, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước cùng đề án tái cơ cấu VNCB đã được đệ trình lên Chính phủ, VNCB sẽ dần vượt qua khó khăn.
Thời gian qua, hoạt động của VNBC đã bộc lộ nhiều yếu kém, việc quản trị, điều hành ngân hàng vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật.
Trước tình hình đó, để kiểm soát rủi ro, giảm thiểu tổn thất tài sản của Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định đặt VNCB vào tình trạng kiểm soát đặc biệt theo quy định của pháp luật. Với tổn thất tài chính nặng nề, trong khi VNCB không có các giải pháp tái cơ cấu khả thi theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, để xử lý dứt điểm các vấn đề của VNCB, căn cứ quy định của Luật các tổ chức tín dụng, Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 1/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại VNCB.
Đây là biện pháp can thiệp của nhà nước cần thiết nhằm đảm bảo mục tiêu giữ ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp cũng như giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội theo đúng định hướng Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012.
Như vậy, đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động của ngân hàng yếu kém thành ngân hàng 100% vốn nhà nước. Nhưng theo Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh, sắp tới, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ mua lại 100% cổ phần của 2 ngân hàng thương mại cổ phần khác để tái cơ cấu nữa. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước trực tiếp mua lại vốn điều lệ hoặc cổ phần của tổ chức tín dụng yếu kém để chấn chỉnh, củng cố, lành mạnh hóa một bước; sau đó sẽ tiến hành sáp nhập, hợp nhất với tổ chức tín dụng khác hoặc bán lại cho nhà đầu tư có đủ điều kiện.