ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Tín dụng không phải là nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản tăng nóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong cuộc trao đổi với báo chí, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các số liệu cho thấy, nếu nhìn vào tỷ lệ và tốc độ tăng, tín dụng cho bất động sản không phải là nguyên nhân chính khiến thị trường này tăng nóng như hiện nay tại một số địa phương.

3 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 3%, gần gấp đôi so với 3 tháng đầu năm 2020, liệu có phải tín dụng vào bất động sản mạnh khiến thị trường địa ốc có sự tăng trưởng nóng, thưa ông?

Liên quan đến câu chuyện bất động sản, Ngân hàng Nhà nước luôn quan tâm và kiểm soát một cách rất chặt chẽ. Trong 3 năm vừa qua, tín dụng đầu tư vào bất động sản có chiều hướng giảm xuống, đặc biệt là trong cả năm 2020 vừa qua, do dịch Covid-19 nên tín dụng và bất động sản chỉ tăng khoảng 11,89%, trong khi 2 năm trước là năm 2018 và 2019 tăng 26 - 28%.

Riêng 3 tháng đầu năm 2021. cũng như vài tháng cuối năm 2020, tín dụng vào bất động sản có chiều hướng nhích lên một chút. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng tính đến thời điểm 30/3/2021 ước đạt 3%, cũng tương đương với mức tăng tín dụng chung của cả nước là khoảng 2,93%.

Nếu so với 3 tháng đầu năm 2020 do dịch bệnh khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản thấp là 1,84%, thì tỷ lệ trên có thể cao hơn. Nhưng so với thời điểm của 3 tháng đầu năm 2019 là 5,19% và những năm trước đó nữa, thì tỷ lệ hiện nay tăng khoảng 3% không cao hơn, thậm chí còn thấp hơn.

Theo đó, chúng tôi đánh giá rằng, mức tăng của tín dụng cho bất động sản không phải là nguyên nhân chính khiến bất động sản tăng nóng như hiện nay tại một số địa phương.

Theo quan điểm của ông, nguyên do nào khiến thị trường bất động sản tăng nóng thời gian qua?

Chúng ta đã thấy nhiều diễn đàn, các cuộc họp báo với những chuyên gia phân tích đã đưa ra nhiều nguyên nhân khiến thị trường bất động sản hiện nay tăng nóng.

Thứ nhất, nhà đầu cơ, lướt sóng, tập trung vào những khu vực thị trường “nóng”, tăng theo thông tin quy hoạch, đề xuất dự án hạ tầng hoặc thông tin lên quận huyện.

Thứ hai, trong bối cảnh nền kinh tế đã và đang chịu tác động của đại dịch Covid-19, đầu tư kinh doanh bất động sản trở thành kênh đầu tư hấp dẫn.

Cho vay đối với những phân khúc thị trường nhà giá rẻ, nhà xã hội hoặc là bất động sản có tính chất là tiêu dùng thì vẫn được đảm bảo để phục vụ tốt cho người dân.

Thứ ba, lợi nhuận từ đầu tư ngắn hạn vào chứng khoán và vàng, nhiều nhà đầu tư nhanh chóng chốt lời và đầu tư vào đất.

Thứ tư, nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu nhà ở rất lớn, đặc biệt với các phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở xã hội, dự án đất nền.

Thứ năm, thông tin về việc các địa phương ban hành bảng giá đất mới tăng 15 - 20% so với trước đây...

Vì những lý do này, Ngân hàng Nhà nước luôn quan tâm quán xuyến việc kiểm soát tín dụng đầu tư vào bất động sản, đặc biệt trong thời gian gần đây.

Ông có thể cho biết, từ phía Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai những giải pháp gì để có thể kiểm soát tín dụng chảy vào những lĩnh vực rủi ro như bất động sản?

Trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước luôn kiên định mục tiêu điều hành và đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Trong đó, tập trung vào việc ban hành cơ chế chính sách, phân tích dự báo tình hình và yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo và phản ánh thực tế cũng như sử dụng công cụ kiểm tra, giám sát để đảm bảo dòng vốn tập trung vào sản xuất kinh kinh doanh, kiểm soát lĩnh vực rủi ro và có cảnh báo kịp thời để đảm bảo an toàn hệ thống.

Ví dụ như hệ thống đang thực hiện quy định tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 40% và quy định những khoản cho vay này phải áp dụng hệ số rủi ro khoảng 200%.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước theo dõi đánh giá, giám sát tình hình của các ngân hàng thương mại, ngân hàng nào có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro nói chung đặc biệt là lĩnh vực bất động sản nói riêng đều được cảnh báo.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải kiểm tra tăng cường giám sát những quy định về điều kiện cho vay bất động sản, đảm bảo thực hiện đúng quy định, song song với đó là quản lý được dòng tiền khi cho vay.

Tuy nhiên, tôi cũng muốn chia sẻ thêm là, bất động sản cũng có hai đối tượng, một là cho vay đối với những phân khúc thị trường nhà giá rẻ, nhà xã hội hoặc là bất động sản có tính chất là tiêu dùng thì vẫn được đảm bảo để phục vụ tốt cho người dân. Hai là, những dự án bất động sản và phân khúc cao cấp như biệt thự, khu nhà nghỉ dưỡng… khả năng thanh khoản trong tương lai kém thì phải đánh giá lại, dứt khoát phải kiểm soát một cách chặt chẽ. Không thể để tín dụng đầu tư vào nơi không an toàn và làm nóng thị trường một cách không chính thức như hiện nay.

Theo như những gì ông chia sẻ, mọi giải pháp từ phía Ngân hàng Nhà nước đã được triển khai và kiểm soát sát sao, ông có mong muốn gì hơn?

Tôi cho rằng, với thị trường bất động sản tăng nóng hiện nay cần có sự quan tâm của tất cả các bộ ngành để đảm bảo được thị trường này phát triển mạnh mẽ, lành mạnh, an toàn và không có những cái dấu hiệu rủi ro như hiện nay.

Từ phía các cơ quan quản lý nhà nước cần có những cơ chế chính sách nhưng từ phía người dân và nhà đầu tư cũng cần có những thông tin đầy đủ về thị trường trước khi ra quyết định.

Thực tế cho thấy, vẫn có tình trạng xu hướng đám đông với câu chuyện khi thị trường bất động sản nóng lên người dân tìm mọi cách để mua, cho đến khi thị trường bất động sản trầm lắng lại đua nhau bán, sẽ gây các thiệt hại lớn kể cả đối với nhà đầu tư lớn hay nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Định hướng chung về tăng trưởng tín dụng từ nay tới cuối năm, ông có thể cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành như thế nào?

Ngay từ đầu năm, định hướng tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước khoảng 12%, có điều chỉnh tùy vào tình hình thực tế như việc kiểm soát lạm phát cũng những các chỉ số vĩ mô nói chung tại thời điểm cuối năm. Vì thế, chúng tôi cũng đã giao chỉ tiêu cho các ngân hàng thương mại trên cơ sở chỉ tiêu đó để điều hành hoạt động tính dụng ngay từ đầu năm.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn nhằm vào các doanh nghiệp, người dân có nhu cầu vốn để có thể vượt qua dịch bệnh. Đồng thời, xử lý các khoản tín dụng đã vay trước đây bằng các chính sách giãn hoãn, cơ cấu lại một cách hợp lý.

Có thể khẳng định, mục tiêu quan trọng nhất của năm 2021 khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% là tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên, cần thiết. Tập trung vào những công trình, những dự án trọng điểm của Nhà nước, cũng như ưu tiên một số ngành kinh tế, ví dụ như xuất khẩu để hỗ trợ tỷ lệ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu Quốc hội đã đặt ra.

Tin bài liên quan