Lãi suất cuối năm sẽ không tăng
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Đến ngày 24/9/2019, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 8,58% so với cuối năm 2018. Thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) được đảm bảo.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cơ bản đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, các nhu cầu đời sống chính đáng của người dân.
Cụ thể, tính đến ngày 24/9/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,64% so với cuối năm 2018, huy động đạt 9,03%. Tín dụng hướng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được tăng cường kiểm soát.
Trên thị trường ngoại tệ, ông Hà cho biết, tỷ giá tương đối ổn định, diễn biến linh hoạt phù hợp với sự thay đổi của điều kiện thị trường; thanh khoản thị trường được đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. NHNN mua ròng ngoại tệ, bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.
“Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia đã nhận định, NHNN điều hành chính sách ngoại hối vừa qua và hiện nay rất hài hoà, hợp lý. Dù các quốc gia phá giá hay tăng giá đồng nội tệ, Việt Nam phá giá hay tăng giá đều tính trên tổng thể chung của nền kinh tế. Không thể lấy tỷ giá làm công cụ thúc đẩy xuất khẩu”, ông Tú nói.
Liên quan đến quyết định giảm lãi suất vừa qua, ông Tú chia sẻ, lãi suất giảm là thông điệp về nền kinh tế Việt Nam ổn định, tạo điều kiện hỗ trợ cho những doanh nghiệp trong lĩnh vực được ưu tiên, song song với đó, các NHTM tham chiếu với lãi suất điều hành để điều chỉnh lãi suất cho vay.
“Những động thái này, cần hài hoà giữa người vay và người gửi tiền, hài hoà với chỉ số lạm phát, hài hoà giữa chi phí nghiệp vụ của các NHTM với lợi nhuận cũng như nâng cao năng lực hoạt động. Giảm lãi suất cũng đồng thời là tăng cường đẩy mạnh đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp những tháng cuối năm.
Những tháng cuối năm, lãi suất sẽ không tăng, còn giảm nữa hay không sẽ phụ thuộc vào kinh tế vĩ mô và các chỉ số kinh tế. NHNN sẽ có những bước điều chỉnh chính sách lãi suất phù hợp”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Cũng tại cuộc họp trên, ông Nguyễn Trọng Du, Phó chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN cho biết, kết quả cơ cấu lại các TCTD đã tạo sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững.
Bên cạnh đó, việc triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã đạt được một số kết quả tích cực. Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 6/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 224,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 6/2019 là 1,9%.
“Tái cơ cấu các TCTD đang đi đúng hướng và có xu hướng tích cực, tạo điều kiện, đôn đốc, đẩy mạnh các NHTM còn lại đảm bảo Basel 2”, ông Túnhận định.
Sắp có hành lang pháp lý cụ thể hơn cho hoạt động thanh toán
Liên quan đến hệ thống thanh toán, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN đã chia sẻ những con số ấn tượng.
Cụ thể, tổng giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 8 tháng đầu năm 2019 đạt gần 105 triệu giao dịch, tương ứng với gần 61 triệu tỷ đồng (tăng 19,57% về số lượng và 26,66% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018). Bình quân số lượng giao dịch đạt gần 629 nghìn giao dịch/ngày, giá trị giao dịch bình quân đạt trên 367 nghìn tỷ đồng/ngày.
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ Trưởng Vụ Thanh toán, NHNN
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán điện tử tiếp tục được chú trọng đầu tư, mở rộng. Đến cuối tháng 7/2019, toàn thị trường có 18.841 ATM và 262.733 POS được lắp đặt, cùng với trên 50.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR Code.
Việc mở và sử dụng tài khoản của cá nhân tiếp tục tăng lên, đến cuối tháng 7/2019 đã đạt khoảng 83,3 triệu tài khoản cá nhân (tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2018).
Bên cạnh đó, số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng tiếp tục tăng, tương ứng đạt hơn 158 triệu giao dịch (tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2018) với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 410 nghìn tỷ đồng (tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2018); nhiều tính năng, tiện ích đã được tích hợp vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ.
Cũng tại thời điểm này, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 226 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 10,9 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 51,8% và 18,3% so với cùng kỳ năm 2018).
Số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt gần 202 triệu giao dịch với giá trị giao dịch gần 2,1 triệu tỷ đồng, tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 3 con số qua từng năm (Thanh toán qua kênh điện thoại di động 8 tháng đầu năm 2018 so với 2017 tăng tương ứng 39,8% và 147,8 % so với cùng kỳ năm 2017), cụ thể là tăng tương ứng 104,9% và 155,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Phó Thống đốc Tú cho biết, NHNN đang hoàn thiện và triển khai các quy định về thanh toán điện tử.
Sắp tới sẽ có Nghị định thay thế, Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán và một số Thông tư trong hoạt động thanh toán khác theo chương trình xây dựng văn bản pháp luật đã đăng ký. Tất cả hướng tới mục tiêu hạn chế tiền mặt, tạo điều kiện để thanh toán không dùng tiền mặt phát triển, tạo hành lang pháp lý để đảm bảo an toàn, an ninh, bảo mật, thuận lợi cho cả người dùng và cung cấp dịch vụ.
“NHNN đã và đang rất quyết liệt thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.