Ông Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Thường trực Đại học Quốc gia TP.HCM tham luận tại Đại hội
Đó là thông tin được ông Vũ Hải Quân, Phó giám đốc Thường trực Đại học Quốc gia TP.HCM đưa ra trong phần tham luận “Đại học Quốc gia TP.HCM tham gia phát triển kinh tế tri thức”, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Theo ông Vũ Hải Quân, các nhân tố mới như công nghệ cao, nguồn lực trí tuệ con người, tri thức và đổi mới sáng tạo xuất hiện làm cho mô hình tăng trưởng kinh tế bị thay đổi. Tăng trưởng kinh tế có thể đạt được bằng cách đầu tư vào nguồn lực con người, đổi mới sáng tạo và tri thức, trong đó, tri thức là nhân tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng.
Đầu tư vào tri thức sẽ tạo ra tăng trưởng cả về năng suất và hiệu quả trong quá trình sản xuất, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững, hạn chế khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, không gây tác động tiêu cực đến môi trường. Đó cũng là lý do mà nhiều quốc gia đang hình thành và phát triển kinh tế tri thức, thay đổi các nhân tố tăng trưởng và tăng khả năng cạnh tranh.
Đứng trước sự thay đổi này, TP.HCM đã các định phát triển kinh tế tri thức là một mục tiêu của thành phố trong giai đoạn 2020 - 2025. Để làm được điều này phải rất chú trọng một số yếu tố như đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số, tạo đột phá về thể chế…
Đưa ra định hướng giải pháp và sản phẩm giai đoạn 2020 – 2030, ông Vũ Hải Quân cho biết, Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ tiếp tục đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó xây dựng các giải pháp, các sản phẩm phát triển kinh tế tri thức ở thành phố là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Hệ thống giải pháp phát triển kinh tế tri thức tiếp tục được xây dựng xoay quanh bốn trụ cột chính: giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học – đổi mới sáng tạo, hạ tầng công nghệ thông tin và hệ thống thể chế chính sách, gắn liền với các chương trình đột phá và chương trình trọng điểm của thành phố.
Đồng thời, hướng tới các chỉ tiêu chính liên quan đến năng suất lao động, đào tạo và nghiên cứu khoa học: Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm; Đến năm 2025, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt 87% trong tổng số lao động đang làm việc; Chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 1%/ GRDP.
Nói về giải pháp nguồn nhân lực, tham luận của ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, nêu việc sắp tới TP.HCM triển khai đề án “Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020-2035 và đại học chia sẻ”.
Theo đó, Thành phố dự kiến đào tạo nhân lực có trình độ quốc tế của 8 ngành trong điểm: Công nghệ thông tin - truyền thông; cơ khí - tự động hóa; trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính - ngân hàng; y tế; du lịch; quản lý đô thị.
Đề án đề xuất thành lập hội đồng tư vấn giáo dục đào tạo nhân lực trình độ quốc tế. Hội đồng sẽ tập hợp các chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu; có trách nhiệm tư vấn, giúp thành phố hoạch định chiến lược, đề ra những giải pháp cụ thể trong từng thời kỳ để đạt được mục tiêu đề ra.