Chuyển động lớn khác ở TAR là nới room ngoại từ 0% lên 49%, đây là bước “dọn đường” để TAR đón các đối tác ngoại trong năm nay. Theo ông Bình chia sẻ, đã có đối tác muốn trở thành cổ đông chiến lược với tỷ lệ sở hữu không dưới 30% vốn tại TAR.
Giá cổ phiếu TAR có sự bứt phá trong tuần qua với kỳ vọng của giới đầu tư về ngành gạo sẽ hưởng lợi từ giá xuất khẩu tăng tốt, cộng thêm các biến động về chính trị có thể khiến giá bán tiếp tục neo cao. Ông có thể chia sẻ góc nhìn của ông về ngành gạo trong năm 2022?
Từ năm 2020 đến nay, dịch Covid đã làm cho nhiều ngành nghề trên toàn thế giới gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên ngành lúa, gạo ít bị ảnh hưởng thậm chí còn là cơ hội để tăng trưởng.
Hiện tại, các biến cố chính trị hiện nay giữa Nga và phương Tây khiến kinh tế thế giới đối diện với nhiều rủi ro tiềm ẩn, nhưng với riêng ngành lương thực nói chung hay ngành lúa, gạo nói riêng – lại có cơ hội nhiều hơn là thách thức. Đơn giản, bởi nhu cầu sử dụng lương thực luôn có ở bất cứ hoàn cảnh nào, mặt khác, các sản phẩm chế biến từ thực phẩm thay thế gạo đang gặp nhiều khó khăn vì bị đứt gãy nguồn cung ứng, hay thậm chí một số ngưng hẳn, mà thời gian phục hồi chuỗi cung ứng trong vài năm tới của nhiều quốc gia là rất chậm.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đang nhấn chìm nhiều diện tích đất trên toàn thế giới; đất trồng cây lương thực đang giảm do nước biển dâng nhấn chìm gây mất an ninh lương thực trên diện rộng. Chính vì vậy, ngành lúa, gạo của Việt Nam từ năm 2022 sẽ có nhiều cơ hội phát triển, thách thức gần như bằng không. Trong đó, TAR là doanh nghiệp tiên phong ở Việt Nam, đầu tư bài bản vào quy trình trồng trọt và sản xuất lúa, gạo theo hướng bền vững từ nhiều năm nay, do vậy TAR không thể bỏ lỡ cơ hội phát triển sâu rộng này. Sự tăng trưởng trong thời gian tới là chắc chắn.
Với riêng TAR, công ty đã công bố kế hoạch kinh doanh 2022 tăng trưởng mạnh, cơ sở nào để thực hiện, thưa ông?
Đầu tư vào ngành hàng lúa, gạo theo hướng công nghệ cao, bền vững là chiến lược lâu dài mà TAR đã được thực hiện gần 10 năm nay. Năm 2022 và các năm kế tiếp doanh nghiệp sẽ bứt phá mạnh mẽ hơn khi các kết quả từ việc đầu tư trước đó dần được thể hiện, bên cạnh đó doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng thêm vùng trồng nguyên liệu, phát triển chuỗi các sản phẩm từ gạo và một số lĩnh vực kinh doanh khác.
Cụ thể, trong giai đoạn 5 năm tiếp theo doanh nghiệp sẽ đầu tư phát triển lúa, gạo hữu cơ trên diện rộng (từ năm 2022 đến năm 2025 đạt 100-200 ngàn ha) phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước theo xu hướng phát triển xanh toàn cầu (đến 2025 lượng gạo xuất ra thị trường tối thiểu đạt 840.000 tấn , tương ứng doanh số 11.500 tỷ đồng/năm)
Bên cạnh đó, TAR đã ký kết hợp đồng lắp đặt nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ từ nguyên liệu than bùn, công nghệ tiên tiến hiện đại châu Âu để cung cấp phân bón hữu cơ cho các cánh đồng Công ty liên kết tại các tỉnh thành vùng ĐBSCL; Tiến độ dự kiến là tháng 3/2022 lắp đặt, tháng 5/2022 nhà máy cho ra sản phẩm. Mục tiêu đến 2025 sản lượng phân xuất ra thị trường tối thiểu đạt 200.000 tấn, tương ứng doanh số 1.215 tỷ đồng/năm.
Công ty cũng đầu tư lắp đặt 10 nhà máy chiết dầu gạo từ cám, theo tiến độ các dự án cánh đồng liên kết tại các địa phương vùng ĐBSCL, dự kiến đến 2025 sản lượng dầu gạo xuất ra thị trường tối thiểu đạt 14.000 tấn , tương ứng 990 tỷ đồng/năm.
Đầu tư lắp đặt 10 nhà máy bột giấy từ trấu, theo tiến độ các dự án cánh đồng liên kết tại các địa phương vùng ĐBSCL. Đến 2025, sản lượng bột giấy xuất ra thị trường tối thiểu đạt 196.000 tấn, tương ứng 968 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, Công ty đã đầu tư lắp đặt 10 nhà máy bột giấy từ rơm, theo tiến độ các dự án cánh đồng liên kết tại các địa phương vùng ĐBSCL, mục tiêu đến 2025 sản lượng bột giấy từ rơm xuất ra thị trường tối thiểu đạt 490.000 tấn, tương ứng 2.475 tỷ đồng/năm.
Đầu tư lắp đặt 20 nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt và phát điện với 20 module mỗi module 150.000 tấn rác/năm, sản xuất ra 1.280 triệu kW điện/năm. Đến năm 2024 với 20 module hoàn thành mỗi năm doanh thu của Công ty thu thêm trên 3.000 tỷ đồng.
Như vậy, ngoài gạo cốt lõi sẵn có từ năm 2021, năm 2022 trở đi, TAR có thêm những hợp đồng gạo Organic với giá trị cao hơn gạo thông thường, cùng với các sản phẩm khác mà doanh nghiệp dự tính triển khai như phân bón, dầu gạo, bột giấy, điện-rác, là cơ sở chắc chắn cho sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.
Với kế hoạch nâng cấp và mở rộng diện tích cánh đồng liên kết trồng lúa và đầu tư thêm các nhà máy theo chuỗi lúa gạo nêu trên chắc chắn Công ty phải tăng vốn để đầu tư, việc kêu gọi nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước tham gia đồng hành với TAR là phương thức huy động vốn hiệu quả nhất. Tuy nhiên, với cơ chế chính sách của Nhà nước Việt Nam nói riêng, của thế giới nói chung hiện nay về ưu đãi vốn vay để doanh nghiệp phát triển nông nghiệp xanh, bền vững cũng là kênh huy động vốn mà TAR lưu ý đến trong thời gian sắp tới.
Hiện tại, đã có một số Quỹ và nhà đầu tư đã ngỏ ý muốn đầu tư đồng hành cùng TAR trong suốt chiều dài của chặng đường phát triển nông nghiệp bền vững mà TAR đã và đang xây dựng.
Riêng 20 module Điện-Rác khi TAR có dự án đối tác châu Âu đã ký cam kết đầu tư 100% vốn từ khi xây dựng lắp đặt đến khi ra sản phẩm điện bán cho EVN (vốn đầu tư 20 module khoảng 1.200 triệu EU), Công ty chỉ việc thu tiền từ bán điện cho EVN trả nợ cho đối tác châu Âu trong vòng 6 năm.
Mới nhất, HĐQT TAR giao Tổng giám đốc thực hiện định giá để chuẩn bị bán đấu giá lô đất tại Cần Thơ. Vì sao Công ty quyết định chuyển nhượng, đã có đối tác nào quan tâm tới lô đất? Nếu thành công, thì TAR dự kiến hoạch toán được doanh thu, lợi nhuận bao nhiêu từ việc chuyển nhượng này, thưa ông?
Hiện tại, TAR ghi nhận giá trị sổ sách quyền sử dụng đất của khu đất này chỉ khoảng 28 tỷ đồng, và dựa vào tiềm năng của mảnh đất này, khi công trình kè và đường chạy dọc bờ sông Cần Thơ nối liền từ Bến Ninh Kiều đến Cầu Đầu Sấu hoàn thành (công trình trọng điểm của Cần Thơ sử dụng vốn ODA, tháng 6/2022 hoàn thành), chúng tôi đã có các đối tác sẵn sàng trả 700-800 tỷ đồng, nhưng vì một số yếu tố bảo mật nên hiện tại chưa thể tiết lộ danh tính.
Công ty đang cân nhắc giữa việc đấu giá lô đất hoặc dùng mảnh đất này góp vốn bất động sản vào công ty con. Việc định giá lại tài sản nằm trong chiến lược của Trung An để xác định được mức giá khởi điểm phù hợp với tiềm năng của vị trí bất động sản hiện tại, sau khi kè và đường đi bộ nối dài từ bến Ninh Kiều đến Cầu Đầu Sấu hoàn thành, để nhằm đảm bảo lợi ích tối đa cho các cổ đông TAR. Thương vụ này lợi nhuận dự kiến sẽ không thấp hơn 500 tỷ đồng.
TAR cũng có khá nhiều chuyển động đáng chú ý từ năm 2021 tới nay, điển hình là việc nới room ngoại lên 49%, phải chăng Công ty đang có kế hoạch mời thêm đối tác ngoại tham gia?
Năm 2021 có một số quỹ nước ngoài từ châu Âu quan tâm và đặt vấn đề muốn sở hữu cổ phần của TAR vì nhìn thấy những yếu tố bền vững mà TAR đã theo đuổi 10 năm nay, nhưng ở thời điểm tháng 3 năm 2021 doanh nghiệp đang có một số ngành nghề bị hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 0% nên khi thực hiện việc nâng vốn TAR buộc phải thay đổi tỷ lệ room ngoại từ 49% xuống còn 0%. Năm nay, TAR muốn đổi mã ngành và nâng tỷ lệ room ngoại lên 49% để các đối tác lớn nước ngoài có thể tham gia đầu tư vào doanh nghiệp.
Hiện tại, đã có đối tác nước ngoài muốn làm cổ đông chiến lược với tỷ lệ sở hữu không dưới 30% trong năm nay.
Kỳ vọng khi có thêm quỹ tham gia, sẽ hỗ trợ cấu trúc lại quá trình vận hành của TAR và nâng tầm nhận diện thương hiệu của TAR trên thị trường mạnh mẽ hơn. Đây là điểm yếu của TAR trong suốt 10 năm vừa rồi khi chỉ tập trung vào sản xuất. Các đối tác này cũng sẽ giúp phân phối gạo TAR lên các kệ hàng của Châu Âu.
Đáng chú ý, cổ đông nội bộ, cụ thể là lãnh đạo TAR năm 2021 có đăng ký bán hết số cổ phần nắm giữ, khiến các nhà đầu tư trên thị trường cho rằng Công ty đổi chủ, thực hư như thế nào, thưa ông?
TAR là doanh nghiệp chuyên ngành lúa, gạo từ 26 năm nay, phát triển lúa, gạo theo hướng xanh, bền vững là tâm huyết của lãnh đạo TAR, tư duy phát triển nông nghiệp xanh, bền vững thân thiện rất phù hợp với xu thế của thời đại. Nâng cấp quy trình canh tác sản xuất lúa hữu cơ để mang gạo Organic đến cung cấp cho đại đa số người tiêu dùng là tâm huyết của đội ngũ lãnh đạo TAR.
Việc biến động tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp ở từng thời điểm chủ yếu để xử lý công việc cá nhân, đội ngũ lãnh đạo vẫn tiếp tục cống hiến đưa doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn tiếp theo.
Khi điều kiện tài chính cho phép ban lãnh đạo sẽ nâng cao tỷ lệ sở hữu là điều chắc chắn! Hiện tại, tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của “cổ đông ủng hộ” cho đội ngũ lãnh đạo hiện tại không dưới 60%, việc thay đổi đội ngũ lãnh đạo thời điểm này là không thể xảy ra.