Chính phủ đề xuất theo hướng Nhà nước chia sẻ không quá 50% phần hụt thu và nhà đầu tư chia sẻ không thấp hơn 50% phần tăng thu. Đó được xem là sự bình đẳng, cởi mở của Dự án Luật PPP
Sáng 20/4, sau phát biểu khai mạc phiên họp thứ 44 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến (lần hai) về những vấn đề khác nhau của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Cơ chế chia sẻ rủi ro đã chặt chẽ hơn
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 đã có nhiều chỉnh lý ở các vấn đề lớn. Lĩnh vực đầu tư được thu hẹp từ 6 xuống 5, mức đầu tư tối thiểu có hai phương án là 200 tỷ đồng và 100 tỷ đồng dành cho vùng sâu, vùng xa và lĩnh vực y tế, giáo dục...
Đặc biệt, cơ chế chia sẻ rủi ro đã cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, không tiếp cận theo hướng chia sẻ khi nhà đầu tư dự án PPP thua lỗ, mất vốn, mà chỉ xem xét việc áp dụng chia sẻ khi doanh thu của dự án bị sụt giảm do lỗi từ phía Nhà nước.
Về tỷ lệ, Chính phủ đề xuất theo hướng Nhà nước chia sẻ không quá 50% phần hụt thu và nhà đầu tư chia sẻ không thấp hơn 50% phần tăng thu. Một số ý kiến cho rằng, quy định như vậy không rõ, không bảo đảm sự bình đẳng trong mối quan hệ chia sẻ giữa Nhà nước và tư nhân, do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo hướng cố định tỷ lệ 50%-50%.
Quy định này, theo Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chính là sự cởi mở với sỡ hữu tư nhân và tỷ lệ 50%-50% thể hiện sự bình đẳng.
PPP là đan xen sở hữu, cần cởi mở, nếu quy định chặt quá thì tư nhân không dám làm, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, điều kiện được chia sẻ rủi ro đã thiết kế chặt chẽ hơn.
Khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính trở xuống, với các dự án đủ điều kiện, Nhà nước bắt đầu xem xét, tính toán việc chia sẻ phần giảm doanh thu.
Khi doanh thu thực tế đạt từ 125% doanh thu trong phương án tài chính trở lên, Nhà nước bắt đầu xem xét, yêu cầu nhà đầu tư chia sẻ phần tăng doanh thu.
Rất phân vân hoạt động kiểm toán
Sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu, quy định về hoạt động kiểm toán Nhà nước tại dự thảo gồm: kiểm toán tuân thủ về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP. Hai, kiểm toán việc sử dụng vốn nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có). Ba, kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của dự án PPP. Bốn, kiểm toán khi chuyển giao cho Nhà nước, thực hiện kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP.
"Tôi vẫn rất băn khoăn vì quy định kiểm toán dự án PPP vẫn quá chặt chẽ, quá phức tạp, nhà đầu tư sẽ phân vân", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, phải kiểm toán vì PPP cũng là tài sản công, "nhưng đừng làm nhà đầu tư phát hoảng, chỉ cân nhắc xem kiểm toán khâu nào cho phù hợp".
Về thời điểm thông qua, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói, nếu dự luật "chín" thì sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội như dự kiến, không ai muốn kéo dài đến kỳ họp sau cả.