Theo số liệu của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, giá trị đầu tư vào các công ty Fintech toàn cầu tăng nhanh giai đoạn 2010 - 2019 và có chững lại trong thời gian gần đây, tuy nhiên, thương vụ M&A và đầu tư mạo hiểm có xu hướng được mở rộng.
Cụ thể, hoạt động đầu tư vào Fintech đạt đỉnh vào năm 2019 là 215 tỷ USD, sau đó sụt giảm chỉ còn 122 tỷ USD vào năm 2020 và 98 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2021. Trong khi đó, số lượng vụ đầu tư vào Fintech đã đạt đỉnh vào năm 2018 với khoảng 5.100 vụ và giảm dần các năm sau đó, cho thấy thị trường của Fintech toàn cầu đã có sự “bão hòa”. Tuy nhiên, tỷ trọng của các thương vụ M&A và đầu tư mạo hiểm lại gia tăng từ năm 2018, thay vì sử dụng IPO và vốn tư nhân như trước kia.
Theo báo cáo Fintech Singapore (2020), Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực ASEAN về thu hút đầu tư trong lĩnh vực Fintech năm 2019. Số vốn mà Việt Nam huy động được trong lĩnh vực Fintech chiếm 36% tổng số vốn ASEAN trong lĩnh vực này năm 2019 và chỉ đứng sau Singapore (51%). Đây là sự tăng trưởng ngoạn mục của Việt Nam trong khu vực, bởi con số này vào năm 2018 chỉ là 0,4%.
Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập, Phó chủ tịch MoMo |
Một trong những minh chứng cụ thể cho việc đầu tư mạo hiểm tăng mạnh là năm 2020, MoMo - siêu ứng dụng số 1 Việt Nam công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ 4 (Series D) do Goodwater, quỹ đầu tư tài chính đến từ Thung lũng Silicon (Mỹ) và Warburg Pincus cùng dẫn dắt. Trong số các nhà đầu tư tham gia có cả những tên tuổi mới là Kora Management, Goodwater Capital, Macquarie Capital và các cổ đông hiện hữu như Warburg Pincus, Affirma Capital hay Tybourne Capital Management.
Những ngày cuối của năm 2021, MoMo đã công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 (Series E) với trị giá khoảng 200 triệu USD, đến từ các nhà đầu tư toàn cầu bao gồm Mizuho, Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management do Mizuho (Nhật Bản) dẫn dắt.
Liên quan đến sự kiện, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập, Phó chủ tịch MoMo cho biết, mục tiêu của MoMo là sử dụng công nghệ để tạo ra sự thay đổi trong xã hội. Một mình MoMo không thể làm được, mà cần 1.000 doanh nghiệp trưởng thành như MoMo. Để có một Fintech trưởng thành như MoMo sẽ phải bắt đầu từ những công ty Fintech nhỏ và MoMo cam kết đẩy mạnh việc đầu tư vào các công ty đổi mới sáng tạo Việt.
Thực hiện đúng cam kết, đầu năm 2022, MoMo thông báo đầu tư vào Nhanh.vn, một Fintech Việt tiềm năng.
Ông cho biết lý do vì sao MoMo lại chọn Nhanh.vn?
Những công ty như Nhanh.vn ngày càng phát triển và lớn mạnh như MoMo là điều chúng tôi rất mừng và rất mong chuyện đó sẽ xảy ra.
Giai đoạn 2020 - 2021, nền kinh tế chứng kiến sự dịch chuyển lớn trong hành vi tiêu dùng của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khi chuyển qua dùng các nền tảng số hoá. Năm 2022, MoMo sẽ tập trung vào hỗ trợ chuyển đổi số cho những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Nhanh.vn là đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp quản lý bán hàng đa kênh dựa trên nền tảng điện toán đám mây cho hơn 80.000 doanh nghiệp tại Việt Nam. Do vậy, Nhanh.vn là sự lựa chọn phù hợp.
Bên cạnh việc tiếp cận 31 triệu khách hàng của MoMo là những hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, công nghệ sẽ giúp Nhanh.vn phát triển mạnh, bền vững, nhanh chóng trưởng thành như MoMo.
Như vậy, MoMo tự tạo ra đối thủ cho mình?
Nếu MoMo đầu tư vào một công ty công nghệ, mà công ty đó có thể to hơn MoMo thì đó là điều đáng mừng. Thị trường Việt Nam đang có nhu cầu chuyển đổi số rất lớn, đó chính là cơ hội cho Nhanh.vn và các công ty công nghệ khác.
Ngoài thương vụ đầu tư vào công ty công nghệ sáng tạo, chúng tôi còn khởi đầu năm mới bằng việc khai trương văn phòng mới với phong cách hiện đại, tươi trẻ. MoMo vẫn đang trên đường phát triển, vẫn phải cân nhắc, tính toán khi chi tiêu, nhưng chúng tôi sẵn sàng xây dựng một cơ sở vật chất và hơn thế là một không gian văn hoá, sáng tạo, gắn kết mọi người với nhau…
Liệu có phải MoMo đang hướng tới mô hình “không gian làm việc đáng mơ ước tại Việt Nam” giống Google, thưa ông?
Mỗi năm số lượng nhân viên của MoMo gần như tăng gấp đôi. Sự phát triển quá nhanh này dẫn đến không có một địa điểm đồng nhất để làm việc mà MoMo phải thuê 2 - 3 nơi khác nhau. Do đó, mong mỏi của ban lãnh đạo là có một địa điểm tập trung để cán bộ nhân viên làm việc, nghỉ ngơi và thậm chí nghỉ lại khi cần thiết…
Với hơn 7.000 m2 được thiết kế theo phong cách của những công ty đổi mới sáng tạo, cách bố trí nội thất với phong cách trẻ trung, giúp nhân viên có thêm không gian tự do sáng tạo trong môi trường thoải mái nhất. Mọi người có thể làm việc ở bất cứ đâu trong trụ sở, không bị bó hẹp trong phạm vi nào với mong muốn giúp nhân viên cảm thấy thích thú, đi làm như không phải đi làm và muốn gắn bó lâu dài với MoMo…
Đây cũng có thể coi như một thông điệp đánh dấu giai đoạn mới của MoMo.
Những yếu tố nào giúp một công ty công nghệ như MoMo thành công?
Những yếu tố làm nên các công ty công nghệ bao gồm kiên trì, tinh thần đổi mới, liên tục học hỏi… và đặc biệt đó là nhẫn nại. Điều này được minh chứng ngay tại MoMo. Những gì MoMo có của ngày hôm nay không phải là qua một đêm, mà phải tích luỹ từng chút, từng chút. Vượt qua bao khó khăn để chinh phục hết đỉnh cao này đến đỉnh cao khác.
Để rèn luyện yếu tố này, một trong những giải pháp của MoMo là tổ chức nhiều chương trình thể thao để nhân viên tham gia, như chạy bộ, hay các môn phối hợp trong Ironman. Thông điệp của ban lãnh đạo gửi gắm là mọi việc đều không có gì khó nếu chúng ta luyện tập hàng ngày, từng chút một rồi ngày này qua ngày khác mọi việc chúng ta đều sẽ đạt được.
Hay như chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình sẽ “cưỡi” xe mô tô 1.800 phân khối, to, nặng và khó điều khiển. Do vậy, quyết định mua mô tô phân khối lớn là một thử thách nhỏ đối với tôi, bởi đã làm một việc ngoài khuôn khổ. Điều này đang lặp lại những bài toán MoMo giải trước đây.
Mô tô phân khối lớn giống như một “con thú”, cần tìm cách điều khiển/thuần hoá. Bằng sự nhẫn nại, chúng ta có thể biến “con thú” thành công cụ của mình. Thực ra, đây cũng không phải là điều gì lạ, mà đơn giản chỉ là một thử nghiệm mới, trải nghiệm, cùng nhau chúng ta sẽ đi qua.
Các công ty Fintech thường được gắn với danh xưng là “kỳ lân” và MoMo không phải ngoại lệ, nhưng MoMo lại chủ động gắn với một danh xưng khác. Ông nói gì về việc này?
Mong muốn của mình và cách mọi người gọi mình bằng danh xưng nào là hai việc hoàn toàn độc lập. Như tôi cũng đã giải thích trước đây, kỳ lân là loài vật trong trí tưởng tượng, gắn với sự hiếm có, trong khi MoMo giống đại bàng hơn. Nếu như tất cả mọi loài vật khác đều chạy trốn giông bão, thì đại bàng sẽ bay lên đỉnh núi thật cao chờ giông bão đến, mở rộng đôi cánh để gió nâng đại bàng lên cao hơn cơn bão.
Đối với đại bàng, cơn bão không hề là một điềm dữ, mà là một đòn bẩy, một cơ hội để đại bàng có thể bay thật cao trên bầu trời và ngắm nhìn mọi vật dưới góc độ khác. Trước khi trở thành một chú đại bàng to lớn dũng mãnh, đại bàng phải trải qua một quá trình tự sinh tồn không hề nhẹ nhàng: Hoặc thay đổi hoặc chết.
Do đó, MoMo phù hợp với hình ảnh con đại bàng hơn và điều này cũng gắn với thực tế năm 2021, Chính phủ đã sử dụng hình tượng làm tổ cho đại bàng Việt. Chúng tôi hiểu bản thân nên miêu tả bản thân rõ hơn.
Tôi mong một ngày không xa, sẽ có nhiều công ty công nghệ như MoMo để khi nhắc đến Việt Nam sẽ là một trong những đại bàng châu Á, giống như trước đây các nước trên thế giới gọi con hổ châu Á hay con rồng châu Á.