Ban lãnh đạo mới của Vinatex (ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT, người đứng thứ 5 từ trái sang)

Ban lãnh đạo mới của Vinatex (ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT, người đứng thứ 5 từ trái sang)

Phó chủ tịch HĐQT Vingroup Lê Khắc Hiệp được bầu vào HĐQT Vinatex

(ĐTCK) Sáng 8/1, Tập đoàn Dệt may (Vinatex) đã tổ chức ĐHCĐ thành lập để bước sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đã tham dự Đại hội và ngồi ghế  Chủ tịch đoàn. Thứ trưởng Kim Thoa là Trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa Vinatex.

Tại Đại hội, bà Hồ Thị Kim Thoa cam kết, Bộ Công thương với tư cách vừa là đại diện sở hữu Nhà nước, vừa là cơ quan quản lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn phát triển trên cơ sở hài hòa lợi ích Nhà nước - cổ đông - người lao động.

Bà Thoa cũng đồng tình với ý kiến cổ đông là mức cổ tức mà Vinatex đặt ra chưa hấp dẫn và hy vọng Ban lãnh đạo mới sẽ phát huy, dẫn dắt Tập đoàn thành công.

Vinatex là Tập đoàn đầu tiên được cổ phần hóa. Đợt IPO của Vinatex được tổ chức vào tháng 9/2014 đã bán hết 90% cổ phần chào bán với mức giá bình quân 11.000 đồng/CP.

Tại Đại hội, Vinatex đã báo cáo cổ đông về kết quả cổ phần hóa, đồng thời trình cổ đông các nội dung quan trọng cần thông qua như điều lệ Tập đoàn, kế hoạch sản xuất kinh doanh 3 năm tới, bầu cử Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, lựa chọn đơn vị kiểm toán, kế hoạch niêm yết cổ phiếu, chi trả thù lao HĐQT, BKS…

Trước và sau khi cổ phần hóa, Vinatex đều có 69 đơn vị thành viên gồm 4 công ty 100% vốn, 12 công con trên 50% vốn, 44 công ty liên kết, 2 đơn vị hạch toán phụ thuộc và 7 đơn vị sự nghiệp.

Hiện Vinatex còn 53% vốn Nhà nước, cổ đông chiến lược là Vingroup và Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam (VID Group), có hơn 2.100 cổ đông là cán bộ nhân viên và 86 cổ đông cá nhân, tổ chức mua IPO.

Đối với hoạt động chung của Tập đoàn, Tổng giám đốc Lê Tiến Trường cho biết, sẽ tập trung vào hoạt động cốt lõi là dệt may và chuyển dần sang phương thức sản xuất trọn gói kèm thiết kế (ODM). Đây là định hướng nhằm tận dụng các ưu đãi thuế quan đối với quy tắc xuất xứ.

“Các sản phẩm phải đảm bảo có nguồn gốc từ Việt Nam kể từ khâu sợi, vải đến may thì mới được hưởng ưu đãi thuế quan. Hiện, Vinatex có chuỗi sản xuất đủ từ sợi, vải, thiết kế, may. Chuỗi sản xuất về cơ bản ương đối hoàn chỉnh” – ông Lê Tiến Trường cho biết.

Ông Trường cũng nhìn nhận điểm yếu của Vinatex là về chuỗi liên kết giữa các các đơn vị của Tập đoàn còn kém do xuất phát điểm là làm gia công, các công ty chủ động nhập nguyên liệu về sản xuất cho các đơn hàng. Sắp tới, Tập đoàn sẽ có điều chỉnh tăng cường chuỗi liên kết, đảm bảo xuất xứ và giảm tỷ lệ gia công nhưng vẫn giữ lại gia công đặc thù có tỷ suất lợi nhuận cao.

Năm 2014, công ty mẹ Vinatex có doanh thu 576,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 247 tỷ đồng, hoạt động chính là đầu tư vốn và nguồn thu chủ yếu là cổ tức. Sau cổ phần hóa, cơ bản, nguồn thu vẫn là cổ tức.

Về kế hoạch 2015, Vinatex đặt mục tiêu tổng doanh thu là 1.260 tỷ đồng, lợi nhuận là 288 tỷ đồng, chia cổ tức 5%.

Năm 2016, Tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu 2.680 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 343 tỷ đồng, chia cổ tức 5% và năm 2017, doanh thu là 3.653 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 412 tỷ đồng và chia cổ tức 7%.

Góp ý cho đại hội, một số cổ đông nêu ý kiến về vấn đề sắp xếp lại Tập đoàn, bởi có quá nhiều đơn vị thành viên, cổ tức dự kiến còn thấp. Đồng thời, đề nghị Tập đoàn chia sẻ thêm thông tin về kế hoạch niêm yết, bởi tờ trình chỉ nêu chung chung là giao cho HĐQT lựa chọn thời điểm niêm yết.

Trước ý kiến cổ đông, ông Lê Tiến Trường cho biết, việc niêm yết muộn nhất là vào năm 2017 và nếu điều kiện cho phép, Tập đoàn có thể niêm yết sớm hơn. Còn sắp xếp lại thì sẽ theo Đề án tái cấu trúc của Tập đoàn.

Riêng về tái cơ cấu, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa chia sẻ thêm, từ nay đến 2015, Tập đoàn sẽ thoái hết vốn tại 37 đơn vị thành viên, một số đơn vị khác sẽ thoái một phần nhưng cũng có đơn vị sẽ tăng tốc đầu tư.

Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ có kế hoạch thoái bớt phần vốn Nhà nước, xuống dưới 51%.

Vinatex có Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc

Các cổ đông Vinatex đã bầu 7 thành viên HĐQT và 5 thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2015 - 2019. 4 thành viên HĐQT là đại diện vốn của Nhà nước, còn lại là đại diện của Vingroup (ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch HĐQT), VID Group (ông Lê Đình Ngọc) và đại diện một nhóm cổ đông lớn khác (ông Don Di Lam, TGĐ Vina Capital).

Ngay sau đó, HĐQT của Vinatex đã họp phiên đầu tiên, bỏ phiếu bầu Chủ tịch HĐQT và bổ nhiệm Tổng giám đốc.

Ông Trần Quang Nghị, đại diện vốn Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinatex, được bầu làm Chủ tịch HĐQT. Ông Lê Tiến Trường, đại diện vốn Nhà nước, Tổng giám đốc trước đây, được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của Vinatex.

Tin bài liên quan