Nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ - Barack Obama đến Việt Nam, hãng hàng không Vietjet Air và nhà sản xuất máy bay Boeing đã hoàn tất hợp đồng mua - bán 100 tàu bay dòng 737 Max, trị giá 11,3 tỷ USD. Ông Dinesh Keskar - Phó chủ tịch cấp cao phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ của Boeing đã có cuộc trao đổi với VnExpress xung quanh thương vụ này.
Hợp đồng lịch sử mà Boeing và Vietjet Air vừa ký ngày 23/5 nhận được nhiều chào đón tại Việt Nam, song cũng không ít ý kiến hoài nghi về giá trị thương vụ lên tới hơn 11 tỷ USD, trong khi thực tế doanh thu hiện nay của bên mua chỉ khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Là người bán hàng, ông nghĩ sao về điều này?
Theo hợp đồng, chúng tôi sẽ giao máy bay trong nhiều năm, khoảng 4-5 năm, chứ không phải cùng lúc. Việc này sẽ bắt đầu vào năm 2019, khi đó tình hình chắc chắn sẽ khác hiện nay. Boeing cũng từng ký các hợp đồng tương tự với nhiều hãng bay trên thế giới, như Lion Air ở Indonesia hay vài hãng khác ở Ấn Độ. Tất cả đều rất suôn sẻ. Chúng tôi tự tin Vietjet Air sẽ không gặp trở ngại nào với việc này.
Vậy cụ thể khoản tài chính cho hợp đồng sẽ được thu xếp ra sao, thưa ông?
Ở vai trò của mình, chúng tôi chỉ có thể nói rằng Boeing sẽ làm việc chặt chẽ với các khách hàng để đảm bảo họ có đủ nguồn tài chính cần thiết. Vietjet là hãng bay tư nhân. Họ có thể đặt vấn đề với các ngân hàng thương mại để vay vốn mua máy bay.
Có một thực tế là hiện các hãng hàng không Việt Nam ít dùng máy bay Boeing. Họ có vẻ chuộng Airbus hơn. Ông nghĩ gì về điều này?
Thực ra hơn 20 năm trước, chúng tôi đã bán máy bay cho Vietnam Airlines rồi. Khi Vietjet Air thành lập, họ mua máy bay của Airbus. Đó là lý do vì sao họ hiện có nhiều máy bay Airbus hơn.
Nhưng giờ họ đã có 737 Max 200. Đây là loại máy bay tốt nhất trong phân khúc của mình, về hiệu quả hoạt động và chi phí trên mỗi chỗ ngồi. Việt Nam là thị trường rất quan trọng với Boeing. Các hãng bay giá rẻ như Vietjet Air sẽ giúp phát triển thị trường nội địa. Họ sẽ hưởng lợi từ loại máy bay này và đó là lý do Vietjet đặt 100 chiếc Boeing.
Đúng là hiện họ có nhiều máy bay Airbus hơn. Nhưng việc này sẽ thay đổi khi chúng tôi giao máy bay trong tương lai. Boeing cũng sẽ tiếp tục giao 787 Dreamliner cho Vietnam Airlines nữa. Vì thế, chúng tôi đang cảm thấy thoải mái hơn nhiều về vấn đề thị phần tại Việt Nam.
Ông đánh giá thế nào về thị trường hàng không thương mại Việt Nam hiện nay?
Hàng không tại Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Vietjet Air hoạt động chưa lâu, nhưng đã phát triển rất nhanh. Tôi được biết họ hiện nắm khoảng 40% thị phần nội địa và muốn tiếp tục phát triển sang các nước lân cận, như Thái Lan hay Indonesia. Đó là lý do họ muốn mua thêm nhiều máy bay.
Chúng tôi cho rằng ngành hàng không Việt Nam sẽ còn tăng trưởng mạnh và nhanh hơn các nước khác trong khu vực.
Sau khi ký hợp đồng với Vietjet Air, Boeing có thêm kế hoạch nào khác ở Việt Nam hay không?
Chúng tôi từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng của Việt Nam và luôn tích cực giúp các bạn phát triển năng lực hàng không, đồng thời có rất nhiều hoạt động tại đây. Chúng tôi sẽ làm việc với Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) và Cơ quan Phát triển và Thương mại Mỹ (USTDA) để cải thiện cơ sở hạ tầng tại đây.
Các khoản đầu tư thêm sẽ còn phụ thuộc vào nhu cầu của cả Boeing và Việt Nam, nhưng chúng tôi sẽ đầu tư vào đây trong tương lai. Boeing cảm thấy rất hân hạnh với hợp đồng lớn hôm nay và kỳ vọng có thêm nhiều hoạt động tại Việt Nam.