Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: Khai thác tối đa tiềm năng, GDP có thể tiệm cận mục tiêu

Chính phủ sẽ không kiến nghị Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế tại Kỳ họp thứ 3, sẽ khai mạc vào ngày 22/5/2017. Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nếu tập trung khai thác tối đa những tiềm năng đã có, đặc biệt là tập trung giải ngân vốn đầu tư, thì tốc độ tăng trưởng GDP có thể tiệm cận 6,7%.     

Thưa ông, ông có lạc quan về tình hình kinh tế 4 tháng đầu năm?

Nhìn vào số liệu của Tổng cục Thống kê, có thể thấy, GDP chỉ tăng 5,1% trong quý I - mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý II/2014 (tăng 5,42%). Như vậy, muốn đạt được tốc độ tăng trưởng 6,7% trong năm nay, thì trong 3 quý còn lại, mỗi quý phải tăng trưởng tối thiểu 7,1%. Đây là mức rất khó đạt được.

Trong 3 trụ cột của nền kinh tế, thì nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù đã phục hồi so với năm 2016, nhưng cũng chỉ tăng 1,38%. Trong khi đó, công nghiệp chỉ tăng 3,85% - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2011, đặc biệt là công nghiệp khai khoáng sụt giảm 10%; còn xây dựng chỉ tăng 6,10%, thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng 8,6% của cùng kỳ năm 2016. Điểm sáng duy nhất là dịch vụ, nhưng cũng chỉ tăng 6,52%.

Nhưng một trong những động lực tăng trưởng kinh tế là hoạt động xuất nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm khá ấn tượng?

Năm 2016 dự kiến nhập siêu (dưới 5%), nhưng cuối cùng lại xuất siêu 1,43% (tương đương 2,52 tỷ USD). Đang xuất siêu thì 4 tháng đầu năm 2017 lại nhập siêu 2,74 tỷ USD, bằng 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Điều này cho thấy, hoạt động ngoại thương thiếu bền vững.

Đúng là hoạt động xuất khẩu 4 tháng đầu năm tương đối khả quan (tăng 15,4%), nhưng khó có thể duy trì được tốc độ này. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang xây dựng chính sách thuế nhằm hạn chế nhập khẩu từ các thị trường xuất siêu vào Mỹ. Chính sách này nếu được thông qua, sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến hoạt động xuất - nhập khẩu, cán cân thương mại và nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác của Việt Nam, vì Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, thị trường đem lại xuất siêu lớn nhất của Việt Nam.

Ngoài ra, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất như dự kiến, thì sẽ tác động đến hoạt động cho vay và huy động USD trong nước, tác động ngay tới tỷ giá, cán cân thương mại, tình hình đầu tư, làm tăng nợ công, kiểu hối giảm..., ảnh hưởng đến sản xuất và giá cả trong nước.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài và thành lập doanh nghiệp 4 tháng đầu năm cũng là những điểm sáng, thưa ông?

Tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài 4 tháng đầu năm đạt 10.598 triệu USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 4 tháng ước tính đạt 4,8 tỷ USD, chỉ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2016. Chính vì vậy, phải tập trung giải ngân tốt nguồn vốn đầu tư mà phía đối tác nước ngoài đã cam kết, tức là khai thác tối đa tiềm năng đã có như tôi đã nói.

Không phủ nhận số doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm, với 39.580 doanh nghiệp được thành lập, tổng vốn đăng ký và vốn bổ sung lên tới 825.300 tỷ đồng. Những số liệu này chỉ phản ánh môi trường đầu tư, kinh doanh, thể chế được cải thiện, tạo niềm tin cho người dân tham gia hoạt động kinh doanh, chưa có tác động ngay tới tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh này, theo ông cần có những giải pháp gì?

Cần tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; rà soát lại các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài chậm triển khai, tránh tình trạng đầu tư mới tăng cao nhưng giải ngân chậm... Đặc biệt, tập trung khai thác tối đa một tiềm năng đã có là vốn đầu tư công.

Tính đến đầu tháng 5, vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước mới đạt 18,8% dự toán; chưa giải ngân được đồng nào trong số 50.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ năm 2017, thậm chí trong 4 tháng đầu năm, mới giải ngân được 5.000 tỷ đồng trong tổng số 12.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ năm 2016 giải ngân không hết chuyển sang.

Nếu Nhà nước bỏ ra 1 đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, sẽ kéo theo 3-4 đồng đầu tư từ thành phần kinh tế khác. Vì vậy, theo tôi, phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công được giao, nhằm sớm đưa dòng vốn này vào nền kinh tế, qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa, kích thích tăng trưởng.

Lĩnh vực du lịch tăng trưởng ngoài dự đoán, có nhiều ý kiến cho rằng, phải coi “ngành công nghiệp không khói” là mũi nhọn để tập trung phát triển. Quan điểm của ông thế nào?

Năm 2016, lần đầu tiên, Việt Nam thu hút trên 10 triệu lượt khách du lịch, tăng tới 26% so với năm 2015. Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đón trên 4,2 triệu lượt khách du lịch, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Với tốc độ tăng trưởng này, du lịch dần trở thành ngành quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, nhưng muốn du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì phải có cách ứng xử khác, có cách nhìn khác.

Chẳng hạn, xét trên khía cạnh kinh tế, khách đi “tour 0 đồng” cũng như tất cả khách du lịch khác đều phải trả chi phí tại Việt Nam, như chi phí lưu trú; ăn uống; vé thăm quan danh lam, thắng cảnh; chi phí đi lại...

Cho rằng tour du này làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh du lịch Việt Nam, thì cơ quan quản lý nhà nước phải quản lý chặt chẽ doanh nghiệp lữ hành khai thác “tour 0 đồng”, chứ không nên cấm hoạt động này. Nếu cứ tiếp tục ứng xử như hiện nay, thì ngành du lịch khó có thể trở thành mũi nhọn của nền kinh tế.

Tin bài liên quan