Thị trường kể từ đầu tuần vận động theo hướng tăng giảm xen kẽ dưới sức ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu bluechips, đặc biệt là tại 02 cổ phiếu VNM và FPT – thuộc nhóm mà Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ thoái vốn.
Thông tin Tập đoàn Fraser & Neave (F&N) của Singapore chi 4 tỷ USD mua lại số cổ phần VNM từ SCIC dù ngay sau đó được chính F&N phủ nhận đã khiến cổ phiếu VNM có sự biến chuyển mạnh theo hướng tích cực cả về thanh khoản lẫn điểm số.
Tương tự, FPT cũng đón nhận lực cầu mạnh mẽ và giá hiện đã đạt 53.500 đồng/CP, mức cao nhất trong vòng 06 năm qua. Nhờ đó, thị trường đã liên tiếp chinh phục được các ngưỡng cản mạnh như 610, 615 điểm.
Tuy nhiên, việc phụ thuộc nhiều vào các mã lớn thường khiến đà tăng của thị trường không bền vững. Điều này đã thể hiện khá rõ trong phiên 5/11, mặc dù tăng khá tốt song về mức độ phục hồi cũng như mặt bằng giá chung lại ít cải thiện khi các nhóm cổ phiếu có sự phân hóa rất mạnh, dẫn đến tâm lý thận trọg gia tăng khiến dòng tiền vào thị trường co hẹp trở lại. Hơn nữa, thị trường đang hướng đến vùng đỉnh cũ 620-625 điểm, vì vậy dự báo sẽ gặp thử thách lớn ở vùng này.
Quay trở lại phiên giao dịch sáng 6/11, áp lực bán xuất hiện ngay từ sớm khiến các chỉ số khởi đầu trong sắc đỏ. Tuy nhiên, sắc đỏ này nhanh chóng được thay bằng sắc xanh nhờ đà tăng của các bluechips.
Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 0,36 điểm (+0,06%) lên 615,54 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 4,25 triệu đơn vị, giá trị 47 tỷ đồng.
Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, đà tăng của VN-Index dần được nới thêm, song diễn biến giằng co khá mạnh khi cả 2 bên mua bán đang so kè.
VNM và FPT tiếp tục duy trì được đà tăng vững vàng. VNM tăng 4.000 đồng lên 132.000 đồng/CP, FPT tăng 500 đồng lêm 54.000 đồng/CP và khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, nhiều mã khác như VIC, HAG, HSG, HVG... đang có được mức tăng nhẹ. HAG có thanh khoản mạnh, hiện khơp hơn 2,7 triệu đơn vị sau gần 1 giờ giao dịch.
Nhóm ngân hàng đang diễn biến phân hóa, trong khi nhóm dầu khí đang gặp áp lực bán nhẹ. GAS, PVD giảm điểm, PVT đứng tham chiếu.
Tương tự, nhóm cổ phiếu thị trường cũng đang chịu sức ép bán ra nên đa phần đứng tham chiếu hoặc giảm điểm nhẹ. HQC đứng giá tham chiếu và thanh khoản tốt nhất nhóm với hơn 2,5 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, nhóm khoáng sản tiếp tục có được đà tăng mạnh, trong đó BGM, LCM tiếp tục tăng trần., BGM đã khớp 1,8 triệu đơn vị.
Trên HNX, áp lực chốt lời ở nhóm dầu khí khiến các mã dầu khí lớn không có mã nào tăng, cộng thêm các mã như ACB, DBC, LAS... cũng đang giữ sắc đỏ nên HNX-Index đã đảo chiều giảm điểm. SCR đang dẫn đầu thanh khoản trên sàn này với hơn 1 triệu đơn vị được khớp.
Dần về cuối phiên, áp lực bán càng được mở rộng khiến nhiều mã bluechips quay đầu giảm điểm hoặc lùi về tham chiếu, khiến các chỉ số theo đó cũng đảo chiều giảm điểm. Than khoản thị trường cũng giảm mạnh trở lại khi các bên đều giao dịch thận trọng, tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn chỉ hơn 1.300 tỷ đồng.
Đóng cửa, với 63 mã tăng và 137 mã giảm, VN-Index giảm 1,56 điểm (-0,25%) xuống 613,62 điểm. Chỉ số VN30 giảm 0,5 điểm (-0,08%) xuống 625,21 điểm với 4 mã tăng và 17 mã giảm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 53,92 triệu đơn vị, giá trị 1.110,23 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp chỉ 1,685 triệu đơn vị, giá trị 77,2 tỷ đồng. Trong đó có thỏa thuận hơn 0,3 triệu cổ phiếu VNM ở mức giá trần 136.000 đồng/CP, giá trị gần 42 tỷ đồng.
Với 58 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index giảm 0,24 điểm (-0,3%) xuống 81,6 điểm. Chỉ số HNX30 giảm 0,58 điểm (-0,38%) xuống 151,2 điểm với 5 mã tăng và 22 mã giảm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,48 triệu đơn vị, giá trị 244,59 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,5 triệu đơn vị, giá trị 25,87 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 6,075 triệu cổ phiếu PXA ở mức giá trần 2.300 đồng/CP giá trị gần 14 tỷ đồng và 2 triệu cổ phiếu SPI giá trị 4,8 tỷ đồng.
Áp lực chốt lời dù không mạnh, nhưng do sức cầu dè dặt nên độ rộng thị trường co hẹp nhanh chóng. Nhóm VN30 chỉ còn đúng 04 mã tăng là VNM, MSN HVG và PPC, trong đó VNM chỉ còn tăng 2.000 đồng lên 130.000 đồng/CP và khớp 1,17 triệu đơn vị.
Còn lại đa phần giảm điểm như HSG, SSI, BVH, REE... hay về tham chiếu như FPT, HAG, KDC... trong đó, FPT khớp 2,07 triệu đơn vị. HAG khớp 3,9 triệu đơn vị, mạnh nhất HOSE.
Sắc đỏ cũng chiếm ưu thế tại các nhóm cổ phiếu dẫn dắt khác như ngân hàng, dầu khí, chứng khoán, bảo hiểm... và cũng không mạnh, thanh khoản khá yếu.
Nhóm cổ phiếu thị trường cũng không là ngoại lệ, đáng chú ý là dòng tiền vào nhóm này đã yếu hẳn so với các phiên trước. Chỉ một số mã có thanh khoản từ hơn 1-2 triệu đơn vị là CII, FLC, ITA, DLG, HQC, trong đó chỉ ITA là đứng tham chiếu, còn lại đều giảm điểm.
Riêng nhóm khoáng sản vẫn đi ngược thị trường với sắc tím ở BGM và LCM. BGM do bên bán đã găm hàng nên thanh khoản nửa cuối phiên đã tắc, cả phiên vẫn khớp hơn 1,8 triệu đơn vị. KSA khớp 1,23 triệu đơn vị và tăng 1 bước giá lên 5.200 đồng/CP.
Ngoài các mã trên, BHS và DCM cũng khớp hơn 1 triệu đơn vị và đều có sắc xanh nhẹ.
Tương tự, trên HNX, chỉ còn một vài mã trong nhóm HNX30 như SHS, SHB, SCR, AAA, TCT và VGC có được mức tăng nhẹ, qua đó hãm bớt đà rơi của chỉ số, còn lại hầu hết giảm điểm. NTP giảm 900 đồng xuống 58.600 đồng/CP. ACB giảm 100 đồng xuống 20.400 đồng/CP.
SCR là mã duy nhất trên sàn HXN đạt thanh khoản vượt 1 triệu đơn vị, ở mức 1,9 triệu và tăng 100 đồng lên 8.200 đồng/CP. BAM là mã có thanh khoản tốt thứ 2 với 0,99 triệu đơn vị và tăng trần lên 1.600 đồng/CP.