Thị trường bước vào phiên sáng nay với sự hưng phấn nhẹ do ảnh hưởng từ phiên giao dịch chiều qua, tuy nhiên sau đó nhanh chóng trở lại với sự thận trọng cần thiết. Lượng đặt mua giá cao ít xuất hiện, nhưng lượng cung giá thấp cũng giảm mạnh khiến thị trường giao dich ở trạng thái cân bằng hơn.
Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 1,84 điểm (+0,34%) lên 548,69 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 2,9 triệu đơn vị, giá trị gần 25 tỷ đồng.
Sang đợt khớp lệnh liên tục, thị trường sôi động hơn khi có thời điểm VN-Index vượt qua ngưỡng 550 điểm. Tuy nhiên, lực cầu yếu sắc sanh của thị trường không duy trì được lâu.
Sau khi VN-Index vượt qua mốc 550 điểm, dường như đã đạt được mục đích đẩy chỉ số, nhà đầu tư bắt đầu thực hiện đẩy bán. Lượng cung giá thấp nhanh chóng được gia tăng khá rộng kéo chỉ số quay đầu giảm điểm rơi thẳng qua ngưỡng 545 điểm. Dẫu vậy, chút nỗ lực mua vào ở cuối phiên sáng cũng đủ giúp VN-Index giữ lại được sắc xanh nhạt.
Diễn biến trên sàn HNX cũng không khác gì mấy so với HOSE. Áp lực bán gia tăng cũng khiến HNX-Index rơi gần về mốc 81 điểm. Tuy nhiên, lực cầu quá yếu trên sàn này khiến chỉ số sau đó chỉ lình xình cho đến hết phiên sáng.
Sự thận trọng cao độ của nhà đầu tư khiến thanh khoản hết sức èo uột, chỉ hơn 800 tỷ đông trên 2 sàn. Giao dịch chỉ thực sự diễn ra ở một vài mã cổ phiếu.
Kết thúc phiên sáng, với 98 mã tăng và 89 mã giảm, VN-Index tăng 0,42 điểm (+0,08%) lên 547,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 43,81 triệu đơn vị, giá trị 616,75 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận chỉ là 2,68 tỷ đồng.
Với 98 mã giảm và 50 mã tăng, HNX-Index giảm 0,22 điểm (-0,27%) xuống 81,38 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14,95 tỷ đồng, giá trị 202,52 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 1 triệu đơn vị, trị giá 7,69 tỷ đồng.
Hai sàn kết thúc phiên sáng trong tình trạng trái chiều khi nhóm 2 rổ cổ phiếu lớn trên 2 sàn cũng trong tình trạng tương tự. Chỉ số VN30-Index tăng 0,49 điểm (+0,26%) lên 577,62 điểm với 18 mã tăng và 8 mã giảm.
Chỉ số HNX30-Index lại giảm 0,29 điểm (-0,19%) xuống 153,35 điểm với 16 mã giảm và 6 mã tăng.
Đà tăng có được từ đầu phiên của MSN, BVH, FPT, HAG, HSG... đã giảm đi đáng kể. MSN chỉ còn tăng 1.000 đồng lên 76.000 đồng/CP. HSG tăng 1.100 đồng lên 34.800 đồng/CP. VIC và VNM cùng giảm dưới tham chiếu 1 bước giá.
Áp lực bán cũng khiến GAS lùi về mốc tham chiếu 63.000 đồng/CP, còn PVD chỉ còn tăng 1.100 đồng đạt 45.000 đồng/CP.
Trong nhóm ngân hàng, chỉ còn CTG là giữ được mức tăng tối thiểu, còn lại BID, EIB, VCB và STB dừng ở tham chiếu, MBB giảm 1 bước giá. CTG cũng là mã có thanh khoản cao nhất nhóm đạt 1,18 triệu đơn vị.
Nhóm thanh khoản cao vẫn là nhóm cổ phiếu thị trường khi tập trung được dòng tiền và cũng là nhóm được dùng để kéo chỉ số.
FLC với lực cầu mạnh đã bứt hẳn lên về mặt thanh khoản so với các mã còn lại, đạt 9,86 triệu đơn vị, tăng 100 đồng lên 10.800 đồng/CP.
OGC không giữ được sắc tím, nhưng chỉ cách mức trần 1 bước giá, khớp lệnh hơn 3 triệu đơn vị và còn dư bán trần 2,1 triệu đơn vị.
Các mã khác là ASM, DLG, HQC, CDO cũng đều tăng điểm và đạt thanh khoản từ hơn 1 triệu đến 2 triệu đơn vị. Riêng HAI khớp 2,9 triệu đơn vị, nhưng đã giảm 200 đồng xuống 11.100 đồng/CP.
Trên HNX, chỉ còn PVB và PLC là giữ được mức tăng tối thiểu, còn lại PVS, PVG, PVC, PGS đều giảm điểm, dù vậy mức giảm cũng không mạnh.
FIT và KLF khớp lần lượt 2 triệu và 1,1 triệu đơn vị, nhưng cũng đều giảm 100 đồng.
NDN là mã hiếm hoi thứ 3 trên sàn HNX khớp được hơn 1 triệu đơn vị. NDN tăng 500 đồng lên 18.200 đồng/CP.
Đáng chú ý, mã SHN đã nằm sàn ngay từ đầu phiên giao dịch và còn dư bán giá sàn chất đống tới hơn 3,5 triệu đơn vị. SHN đã công bố BCTC kiểm toán hợp nhất 2014 với kết quả lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ, do đó sẽ bị hủy niêm yết.
Nhìn lại phiên giao dịch sáng, thanh khoản thấp là một chỉ báo không quá xấu. Thị trường đang chứng tỏ đi vào giai đoạn cân bằng cần thiết sau chuỗi giảm liên tục. Tuy nhiên, nếu đã vào giai đoạn tích lũy thì phiên chiều khó có đột biến xảy ra, dù đây là cơ hội chọn cổ phiếu tốt để mua vào.