Tâm điểm thị trường là việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã công bố mức cắt giảm 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của ngân hàng thương mại vào ngày Chủ nhật tuần trước, nhằm giải phòng khoảng 1.200 tỷ nhân dân tệ (175 tỷ USD), trong đó các ngân hàng thương mại sẽ sử dụng 450 tỷ nhân dân tệ (khoảng 65 tỷ USD) để thanh toán các khoản nợ trung hạn, phần còn lại có thể được đẩy vào nền kinh tế.
Điều này đã ngay lập tức ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán, khi chỉ số chuẩn Shanghai Composite mất 3,7%, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông mất 1,4%, cùng sắc đỏ bao phủ tại nhiều thị trường khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Philippines, Úc...
Chứng khoán trong nước cũng không thoát khỏi ảnh hưởng khi diễn biến xấu ngay từ đầu phiên sáng hôm qua, mặc dù các mã lớn đã có thời điểm thể hiện sức mạnh khi đồng loạt hồi phục, nhưng điều này cũng không giữ được quá lâu, khi trong phiên chiều, và phiên ATC đỏ lửa đã chính thức khiến VN-Index chia tay mốc 1.000 điểm khi đóng cửa.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay ngày 9/10, lực cầu bắt đáy tại một số mã lớn như GAS, VHM, VJC, đã nâng bước chỉ số, tăng trở lại ngưỡng 1.000 điểm chỉ sau ít phút mở cửa.
Tuy nhiên thì phần còn lại của thị trường vẫn chưa cho thấy sự khởi sắc, khi các mã tăng và giảm chỉ ở mức cân bằng, biên độ tăng/giảm cũng chỉ ở mức thấp cho thấy sự giằng co khá cao, và điều tương tự cũng diễn ra ở các bluechip trong rổ VN30.
Sau hơn 1 giờ giao dịch với nhịp nghỉ dưới mốc 1.000 điểm, VN-Index quay trở lại, với đà tăng được nới rộng vẫn đến từ GAS, VHM, và gia nhập thêm còn có PNJ, VRE, MWG, cùng việc vọt hẳn lên tham chiếu của HPG, PLX, VCB, BID, CTG…
Một số cổ phiếu bluechip, vốn hóa vừa và nhỏ đang hút dòng tiền như HSG, PVD, QCG, DXG, SCR, DGW, NLG, SJF…trong khi STB và FLC cũng như MBB tiếp tục bị chốt lời và thanh khoản khớp lệnh đang vượt trội so với phần còn lại của thị trường, khi cả 3 có từ hơn 6 triệu đến 8 triệu đơn vị.
Càng về cuối phiên, dòng tiền vào thị trường càng chậm lại, trong khi áp lực bán tăng dần, mặc dù không quá lớn nhưng cũng đủ khiến các ông lớn GAS, VHM bị thu hẹp đà giảm, các mã mất điểm cũng gia tăng trên bảng điện tử, VN-Index theo đó đánh mất ngưỡng 1.000 điểm khi tạm nghỉ giờ trưa.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 101 mã tăng và 164 mã giảm, VN-Index tăng 1,1 điểm (+0,11%), lên 997,22 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 113 triệu đơn vị, giá trị 2.395,88 tỷ đồng, tương đương về khối lượng nhưng giảm 20% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 10,22 triệu đơn vị, giá trị 290,7 tỷ đồng.
Như đã nêu trên, các ông lớn GAS, VHM bị thu hẹp đà giảm là nguyên nhân lớn khiến VN-Index hạ dần độ cao. Theo đó, GAS chỉ còn +2,1% lên 119.000 đồng; VHM +1,8% lên 81.400 đồng.
Nhóm cổ phiếu lớn khác tăng điểm đáng chú ý như TCB +1% lên 29.650 đồng; VJC +1,7% lên 143.000 đồng; MWG +0,9% lên 129.200 đồng; PNJ +1,5% lên 108.300 đồng, cùng một số có sắc xanh nhạt nhưu VIC +0,1%; PLX +0,45%; NVL +0,5%...
Ngược lại thì cặp đôi VNM và SAB gây ảnh hưởng tiêu cực nhất lên chỉ số khi VNM -1,5% xuống 131.000 đồng; SAB -1,4% xuống 220.100 đồng, cùng MSN -0,2%; CTG -0,6%; VPB -0,6%; HPG -0,4%; FPT -0,3%.
Áp lực chốt lời mạnh tại MBB và STB là điểm nhấn phiên sáng nay, khi mã này mất 2,5% xuống 23.150 đồng, khớp lệnh đứng thứ 3 trên HOSE với hơn 9,1 triệu đơn vị. Trong khi STB khi -2,2% xuống 13.550 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với 12,35 triệu đơn vị.
Rổ VN30 đảo chiều, khi VN30-Index chìm trong sắc đỏ vào những phút cuối do số mã giảm gia tăng và ngoài ảnh hưởng từ VNM, SAB, MBB, STB thì còn có thêm DHG -2,3% xuống 91.600 đồng; KDC -2% xuống 26.650 đồng; ROS -1,1% xuống 39.550 đồng, cùng GMD, CTG, DPM, CII, REE, SSI mất điểm.
Thanh khoản tốt nhất ngoài STB, MBB là HSG với gần 4,6 triệu đơn vị khớp lệnh, và mặc dù có thời điểm tăng hơn 2%, nhưng chốt phiên HSG chỉ còn +0,4% lên 13.350 đồng; tiếp theo là VPG, CTG, HPG với hơn 1,8 triệu đơn vị khớp lệnh…
Các mã vốn hóa vừa và nhỏ phân hóa, với FLC -2,5% xuống 5.890 đồng và khớp lệnh gần 11 triệu đơn vị, TCH -1,9%; DLG -3,1%; GEX -2,6%; AAA -1,8%...
Điểm sáng là PVD, khi hút dòng tiền trở lại, chốt phiên +2,3% lên 19.950 đồng, khớp 1,63 triệu đơn vị; Cùng với đó là APC +4,5%; PGD +3,5%; ANV +2,2% và nhóm C47, ATG và CLG tăng trần…
Trên HNX, chỉ số HNX-Index cũng sớm đạt đỉnh chỉ sau vài phút mở cửa, nhưng sau đó đã dần hạ độ cao và chốt phiên sáng ở dưới tham chiếu.
Các mã tăng chỉ còn PVS +0,4% lên 22.800 đồng; PVB +0,5% lên 22.000 đồng; VCS +0,5% lên 81.900 đồng…
Trong khi ACB -0,3% xuống 33.600 đồng; NVB -1,1% xuống 9.300 đồng; MBS -1,1% xuống 18.300 đồng; PVI -1,2% xuống 33.100 đồng; VGC -1,1% xuống 18.400 đồng.
Cùng nhiều mã bị đẩy xuống tham chiếu như SHB, VGC, CEO, HUT, VC3, NDN, KLF…
Thanh khoản HNX cũng suy giảm, khi cổ phiếu khớp lệnh cao nhất là SHB chỉ với 2,8 triệu đơn vị; VGC có 2,6 triệu đơn vị; PVS có 1,9 triệu đơn vị; ACB và NVB có hơn 1,2 triệu đơn vị…
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 60 mã tăng và 42 mã giảm, HNX-Index giảm 0,14 điểm (-0,12%), xuống 114,24 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 22,5 triệu đơn vị, giá trị 320,21 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,07 triệu đơn vị, giá trị 61,8 tỷ đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index mở cửa trong sắc đỏ, sau đó tăng trở lại, nhưng mức tăng cũng chỉ khiêm tốn, qua đó chỉ số cũng chỉ có sắc xanh nhạt khi kết phiên.
Thị trường cũng có diễn biến phân hóa với BSR +0,5%; OIL +0,6%; QNS +2,7%; VIB +0,3%; VEA +0,6%. Trong khi POW – 1,3%; DVN -1,7%; VGI -3,6%; MPC -1,4%; CTR -4,7%; ACV – 1,1%...cùng nhiều mã đứng tham chiếu như LPB, HVN, VGT, TIS, VCW…
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,04 điểm (+0,08%), lên 53,71 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5,6 triệu đơn vị, giá trị 115 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 630.000 đơn vị, giá trị 11 tỷ đồng.