Thị trường có những bước tăng vọt khá ấn tượng trong phiên đầu tuần qua giúp các chỉ số lần lượt lập đỉnh mới trong 9 năm. Đáng chú ý trong phiên hôm qua, bên cạnh việc VN-Index tiếp tục duy trì đà tăng điểm, dòng tiền có dấu hiệu chuyển hướng chảy mạnh sang sàn HNX giúp sàn này có phiên tăng mạnh cả về chỉ số và giao dịch.
Mặc dù 2 chỉ số chính tiếp tục giữ sắc xanh, nhưng áp lực bán đang có dấu hiệu ngày càng lớn hơn khi các chỉ số này tiến tới các mốc tâm lý quan trọng. Một số công ty chứng khoán đã nhận định, sau 3 phiên tăng liên tiếp, nhiều khả năng áp lực chốt lời sẽ nhanh chóng gia tăng.
Không nằm ngoài dự đoán trên, thị trường bước vào phiên giao dịch sáng 8/6 đã quay đầu giảm điểm trước lực cung hàng khá mạnh.
Đà giảm ngày càng nới rộng hơn khi sức ép từ các trụ cột cùng các mã lớn đang lớn mạnh hơn, VN-Index xuyên thủng mốc 750 điểm sau gần 30 phút giao dịch. Tuy nhiên, đây vẫn là ngưỡng hỗ trợ tâm lý khá tốt, lực cầu đã nhanh chóng quay lại giúp chỉ số này bật ngược lên, thu hẹp đà giảm điểm.
Tâm điểm đáng chú ý là cổ phiếu lớn ROS sau 2 phiên hồi phục nhẹ đã chịu áp lực bán ra ồ ạt và lui về mức giá sàn ngay đầu phiên. Hiện ROS giảm 7% xuống mức 113.300 đồng/CP với giao dịch giảm mạnh, chỉ đạt 87.570 đơn vị và dư bán sàn gần 2,2 triệu đơn vị. Đây là nhân tố chính đóng vai trò lực hãm thị trường.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng hầu hết đều quay đầu đi xuống sau những phiên khởi sắc trước đó. Sau gần 1 giờ giao dịch, chỉ còn STB tăng nhẹ, còn lại các mã đều đứng ở dưới mốc tham chiếu.
Ở nhóm cổ phiếu khoáng sản, các mã bị bán khá mạnh trong phiên hôm qua như KSA, KSH đã nhanh chóng hồi phục tích cực, thậm chí có thời điểm lấy lại sắc tím. Tuy nhiên, AMD tiếp tục biến động trong biên độ mạnh khi mở cửa tăng trần nhưng sau đó áp lực bán ồ ạt khiến cổ phiếu này giảm kịch sàn.
Hiện AMD giảm 6,8% xuống mức giá sàn 21.850 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 5,58 triệu đơn vị và dư bán sàn 6.400 đơn vị.
Cùng với diễn biến đi ngang của các mã bluechip trong gần nửa cuối phiên giao dịch, chỉ số chính trên sàn HOSE cũng biến động lình xình và không thể hồi phục do thiếu nhóm cổ phiếu trụ cột nâng đỡ.
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 2 điểm (-0,27%) xuống 751,46 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 109,64 triệu đơn vị, giá trị tương ứng hơn 1.983 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 4,21 triệu đơn vị, giá trị 123,31 tỷ đồng.
Trong khi các trụ cột như VNM, MSN, GAS, BVH cùng các mã ngân hàng như BID, CTG, VCB giao dịch thiếu tích cực thì DHG lại bứt phá mạnh. Sau 2 phiên lình xình giảm điểm, DHG đã có cú tăng vọt và chốt phiên sáng nay ở mức giá trần 119.900 đồng/CP, tăng 7%.
Là một trong những điểm sáng của ngành dược, kể từ đầu năm, DHG đã tăng hơn 88% từ mức giá 63.760 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 31/12/2016 đã thực hiện điều chỉnh do Công ty trả cổ tức 35% và thưởng cổ phiếu 50%) lên mức 119.900 đồng/CP.
Tuy nhiên, DHG không đủ sức nâng đỡ thị trường trước sức ép đến từ các trụ cột trên và các mã lớn như ROS, NVL, SAB…
Trong đó, ROS đã tạo gánh nặng khá lớn lên thị trường với việc duy trì diễn biến tiêu cực và chốt phiên ở mức giá sàn 113.300 đồng/CP, với lượng dư bán sàn 2,32 triệu đơn vị.
Mới đây, ROS đã thông qua Nghị quyết HĐQT về việc phát hành thêm cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn. Theo đó, ROS dự kiến phát hành thêm 43 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 10%. Sau đợt chi trả cổ tức này, lượng cổ phiếu lưu hành của FLC Faros sẽ lên 473 triệu đơn vị, tương ứng vốn điều lệ 4.730 tỷ đồng.
Ở nhóm cổ phiếu vừa, AMD sau 8 phiên tăng trần cũng đã chịu áp lực bán mạnh và quay đầu điều chỉnh sâu. Mặc dù lực cầu hấp thụ khá tốt nhưng cung hàng ồ ạt khiến AMD không thoát khỏi sắc xanh mắt mèo. Với mức giảm 6,8%, AMD kết phiên ở mức giá sàn 21.850 đồng/CP và giao dịch tăng vọt, đạt 7,5 triệu đơn vị.
Trái lại, CTF tiếp tục có phiên tăng trần thứ 8 liên tiếp. Như vậy, tính từ khi niêm yết (30/5/2017), CTF đã tăng 91,67% từ mức giá tham chiếu 12.000 đồng/CP lên mức 23.000 đồng/CP (giá chốt phiên sáng nay). Tuy nhiên, giao dịch của CTF vẫn nhỏ vọt với những phiên khớp chỉ vài trăm đến vài nghìn đơn vị.
“Tân binh” EVG đã có màn chào sàn ấn tượng khi nhanh chóng leo lên mức giá trần 14.150 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 2,66 triệu đơn vị và dư mua trần 1,27 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sau diễn biến giằng co đầu phiên, HNX-Index đã đảo chiều hồi phục và duy trì đà tăng ổn định.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,12 điểm (+0,12%) lên 97,59 điểm với tồng khối lượng giao dịch đạt 41,81 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 400,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,35 triệu đơn vị, giá trị 11,42 tỷ đồng.
Cũng giống các mã ngân hàng trên sàn HOSE, ACB cũng nhanh chóng hạ nhiệt sau phiên tỏa sáng hôm qua. Hiện ACB giảm 0,76% xuống mức 26.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ 0,86 triệu đơn vị.
Trong khi đó, SHB cũng giảm mạnh giao dịch với khối lượng khớp đạt 5,7 triệu đơn vị và đứng ở mức giá tham chiếu 7.400 đồng/CP.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán, khoáng sản cũng phân hóa mạnh. Ở nhóm khoáng sản trong khi FCM, KSH tăng trần thì BGM, LCM, AMD giảm sàn; BMC, CMI cũng giảm khá sâu.
Tương tự trong nhóm chứng khoán, SSI, APS, CTS, HBS, MBS, VIX… tăng điểm, trong khi thái cực ngược lại, VND, SHS, APG, AGR, HCM… quay đầu đi xuống.
Tuy nhiên, giao dịch ở các mã bất động sản đang có phần khới sắc. Điển hình như CEO tăng 1,72% và khớp 3,86 triệu đơn vị; HUT tăng hơn 3,3% và khớp 2,26 triệu đơn vị, hỗ trợ tích cực trong việc tiếp sức giúp thị trường hồi phục.
Trên sàn UPCoM, cũng giống sàn HNX, sau những nhịp rung lắc nhẹ, UPCoM-Index đã may mắn có được sắc xanh về cuối phiên nhờ lực đỡ từ một số mã lớn.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,08 điểm (+0,15%) lên 58,1 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,16 triệu đơn vị, giá trị 42,95 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 10,49 tỷ đồng.
Điểm tựa chính của thị trường đến từ mã lớn HVN. Cú nhích nhẹ hôm qua đã làm bàn đạp tiếp sức cho HVN tiếp tục tăng vọt trong phiên sáng nay. Chốt phiên, HVN tăng 3,4% lên mức 27.500 đồng/CP với khối lượng giao dịch dẫn đầu sàn UPCoM đạt 465.400 đơn vị.