Thị trường vừa trải qua tuần đầu tiên của quý II khá khởi sắc dù vắng bóng của dòng tiền mạnh. Trong khi nhóm cổ phiếu bluechip giao dịch khá mờ nhạt, thì nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tạo sóng tốt nhờ các thông tin hoạt động riêng lẻ và không loại trừ một số cổ phiếu có câu chuyện hấp dẫn riêng.
Diễn biến giao dịch trầm lắng xuyên suốt thị trường trong cả tuần, không chỉ nhà đầu tư trong nước thận trọng, khối ngoại cũng giao dịch hạn chế với giá trị mua ròng giảm mạnh và xuất hiện thêm nhiều phiên bán ròng.
Theo ông Dũng Khánh, Giám đốc đầu tư, CTCK Maybank KimEng, với thanh khoản yếu như hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì đà bán như tuần qua và tin thế giới tích cực không hỗ trợ cho thị trường Việt Nam cũng như những thông tin tích cực trong nước chưa thật sự đủ mạnh, mùa ĐHCĐ đang tới và mốc 1.000 trước mắt chưa vượt qua được có thể làm nhà đầu tư tiếp tục thận trọng chờ những điều này cải thiện tốt hơn nữa hoặc sẽ có các dòng tiền lớn xuất hiện.
Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần mới 8/4, nhóm cổ phiếu bluechip vẫn đóng vai trò là lực đỡ chính dẫn dắt đà tăng của thị trường, giúp VN-Index nhanh chóng được kéo qua mốc 990 điểm.
Tuy nhiên, chỉ sau gần 25 phút giao dịch, trong khi dòng tiền vẫn tham gia khá nhỏ giọt thì áp lực bán dần xuất hiện khiến thị trường hạ độ cao. Đà bán ngày càng dâng cao và hướng tới một số mã lớn đã đẩy VN-Index về sát mốc tham chiếu, thậm chí đe dọa sắc xanh sau hơn 1 giờ giao dịch.
Trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng và các mã bluechip khác trong nhóm VN30 diễn biến giằng co nhẹ, thì họ P đang là điểm sáng của thị trường nhờ thông tin hỗ trợ tích cực từ việc giá dầu thô tăng cao.
Sau hơn 90 phút giao dịch, GAS tăng 1,8% lên 105.700 đồng/CP, PLX tăng 1% lên 62.000 đồng/CP, PVD tăng 2,8% lên 20.050 đồng/CP, PVS tăng 3,1% lên 23.100 đồng/CP, PVB tăng 1% lên 21.000 đồng/CP, PGS tăng 1,2% lên 35.000 đồng/CP… Đây cũng là nhóm cổ phiếu có sức hút với thị trường trong phiên sáng nay với các mã PVD, PVS có lượng khớp vài triệu đơn vị.
Cùng với một số mã lớn đảo chiều thành công và nhóm cổ phiếu dầu khí cũng nới rộng biên độ đã giúp VN-Index bật tăng trở lại và chốt phiên tiến sát mức cao nhất.
Cụ thể, với 137 mã tăng và 130 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 4,63 điểm (+0,47%) lên 993,89 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 84 triệu đơn vị, giá trị 1.623,43 tỷ đồng, cùng giảm hơn 9% cả về lượng và giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đạt 6,69 triệu đơn vị, giá trị 119,51 tỷ đồng.
Diễn biến trên sàn HNX cũng khá tương tự, áp lực bán giữa phiên đã nhấn chìm HNX-Index về dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, lực cầu trở lại khá tích cực giúp các mã bluechip dẫn dắt thị trường tăng vọt lên mức cao nhất khi chốt phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 45 mã tăng và 66 mã giảm, chỉ số HNX-Index tăng 0,61 điểm (+0,56%) lên 108,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19,77 triệu đơn vị, giá trị 323,63 tỷ đồng, tăng 29,8% về lượng và 74,16% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,36 triệu đơn vị, giá trị 46,44 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu P vẫn giao dịch khởi sắc với GAS nới rộng biên độ tăng 2,1% lên 106.000 đồng/CP, PLX tăng 1,3% lên 62.200 đồng/CP, PVD tăng 3,3% lên 20.150 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 3,66 triệu đơn vị, PXS trở lại tăng trần sau 2 phiên điều chỉnh với mức tăng 6,8% lên 5.180 đồng/CP, POW tăng 0,65% lên 15.500 đồng/CP và khớp gần 1,5 triệu đơn vị, PVT tăng 3% lên 17.100 đồng/CP…
Hay trên HNX có PVS tăng 4% lên 23.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn đạt 5,61 triệu đơn vị, PVB tăng 2,9% lên 21.400 đồng/CP, PGS tăng 1,2% lên 35.000 đồng/CP, PVC tăng 4% lên 7.800 đồng/CP…
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đã có những tín hiệu tích cực như CTG đảo chiều hồi phục khi tăng 1,6% lên 22.250 đồng/CP, VCB tăng 1,2% lên 68.900 đồng/CP, BID tăng 1,1% lên 35.450 đồng/CP, hay ACB tăng 1,3% lên 30.600 đồng/CP.
Ngoài ra, một số mã lớn khác cũng hồi phục, đã hỗ trợ tốt cho đà tăng của thị trường như VNM tăng 0,9% lên 137.500 đồng/CP, VIC tăng 0,4% lên 115.600 đồng/CP, BVH tăng 0,5% lên 94.200 đồng/CP, VHM, SAB, NVL cũng tăng nhẹ.
Trái lại, ROS sau phiên hồi nhẹ cuối tuần trước đã trở lại trong sắc đỏ khi giảm 1,58% xuống 31.150 đồng/CP và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất sàn HOSE đạt 4,72 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn tạo sức hút, trong đó VHG tiếp tục tăng hết biên độ với khối lượng khớp lệnh của thua ROS, đạt 4,44 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị; các mã PVD, HAG, ITA, FLC, TTF, DLG… cũng có khối lượng khớp một vài triệu đơn vị.
Một số cổ phiếu có thông tin tốt như TDH với mở rộng quỹ đất ở các tỉnh và dự kiến chia thêm cổ tức 15%, cổ phiếu đã tăng vọt trong phiên sáng nay. Cụ thể, với mức tăng 3,2% lên 11.200 đồng/CP và khớp gần nửa triệu đơn vị.
Trong khi đó, sau 5 phiên liên tiếp tăng mạnh, cổ phiếu YEG đã quay đầu điều chỉnh khá sâu trong phiên sáng nay dù mở cửa vẫn khởi sắc. Hiện YEG giảm 3,3% xuống 118.000 đồng/CP.
Cổ phiếu VCG sau phiên tăng vọt cuối tuần trước cũng đã chịu áp lực bán trong phiên sáng nay và trở lại giảm 2,5% xuống 26.800 đồng/CP; VCS cũng đảo chiều giảm 0,8% xuống 70.200 đồng/CP.
Trên UPCoM, giao dịch khá giằng co và liên tục đổi sắc. Tuy nhiên, áp lực bán cuối phiên gia tăng đẫ đẩy thị trường lùi về dưới mốc tham chiếu.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,09 điểm (-0,15%) xuống 56,84 điểm với tổng khối lượng giao dịch hơn 7 triệu đơn vị, giá trị 116,71 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 12,19 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR đã lấy lại sắc xanh sau phiên giảm cuối tuần trước, với mức tăng 1,% lên 13.200 đồng/CP và là mã giao dịch sôi động nhất thị trường UPCoM, đạt 1,12 triệu đơn vị.
Trong khi đó, các mã lớn khác giao dịch thiếu tích cực như ACV giảm 1,8% xuống 80.500 đồng/CP, MCH giảm 1,5% xuống 97.000 đồng/CP, GVR giảm 0,8% xuống 12.200 đồng/CP, VEA giảm 0,6% xuống 50.400 đồng/CP, VGI giảm 09,8% xuống 24.800 đồng/CP…