Tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa bình ổn sau kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh, với việc duy trì lực bán khá lớn và chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip hoặc vốn hóa lớn, đã khiến thị trường chưa thể thoát khỏi những phiên giảm điểm liên tiếp. Chỉ trong 4 phiên giao dịch, chỉ số VN-Index đã đánh mất gần 45 điểm và lùi về dưới mốc 960 điểm trong phiên giao dịch hôm qua 6/9.
Bên cạnh đó, dòng tiền tham gia thị trường cũng chịu tác động mạnh khiến thanh khoản sụt giảm đáng kể. Trong đó, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài cũng không mấy hỗ trợ thị trường khi liên tiếp bán ròng mạnh trên sàn HOSE. Chỉ tính trong 3 phiên giao dịch của tuần đầu tháng 9, khối này đã bán ròng gần 325 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Một số công ty chứng khoán đã nhận định, thị trường tiếp tục bị tác động từ các lo ngại về các thông tin vĩ mô trên thế giới cũng như tâm lý chờ đợi tín hiệu hỗ trợ và dòng tiền lớn bắt đáy. Tuy nhiên, BVSC đã dự báo trong phiên cuối tuần, thị trường có thể cho phản ứng hồi phục và quay lại thử thách ngưỡng kháng cự 966,5 điểm.
Bước vào phiên giao dịch cuối tuần 7/9, áp lực bán tiếp tục khiến thị trường mở cửa trong sắc đỏ.
Tuy nhiên, dòng tiền nhanh chóng nhập cuộc đã giúp thị trường đảo chiều hồi phục ngay khi sang đợt khớp lệnh liên tục.
Mặc dù biên độ tăng không mấy an toàn khiến VN-Index đón nhận thêm những nhịp rung lắc, nhưng lực cầu hấp thụ tích cực giúp sắc xanh lan tỏa với sự khởi sắc của nhiều mã bluechip, đã kéo thị trường đi lên.
Trong đó, nhân tố chính hỗ trợ giúp thị trường đảo chiều thành công là VNM. Sau 2 phiên liên tiếp giảm khá mạnh, VNM đã hồi phục với mức tăng 2,9% và tạm đứng tại 125.700 đồng/CP.
Bên cạnh đó, sự trở lại của nhóm cổ phiếu vua sau những phiên điều chỉnh liên tiếp trước đó cũng góp công lớn đưa thị trường đi lên. Như VCB hồi phục sau 4 phiên giảm với mức tăng 1,2% lên 61.000 đồng/CP, BID tăng 1,1% lên 33.100 đồng/CP, CTG tăng 0,6% lên 26.050 đồng/CP, TCB tăng 2% lên 25.300 đồng/CP…
Lực bán gia tăng về cuối phiên khiến thị trường bị đe dọa điều chỉnh bởi gánh nặng đến từ nhiều mã vốn hóa lớn, nhưng VNM và các cổ phiếu lớn ngành ngân hàng đã làm tốt vai trò của mình, giúp cả 2 sàn bảo toàn được sắc xanh trong phiên sáng nay.
Chốt phiên, VN-Index tăng nhẹ 0,74 điểm (+0,08%) lên 958,93 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 90,8 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.628 tỷ đồng, tăng 14,29% về lượng và 2,56% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 12,27 triệu đơn vị, giá trị hơn 139 tỷ đồng.
Tương tự, HNX-Index tăng nhẹ 0,06 điểm (+0,06%) lên 110,54 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 24,27 triệu đơn vị, giá trị hơn 284 tỷ đồng, tăng 33,13% về lượng và 12,89% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 377.062 đơn vị, giá trị 3,64 tỷ đồng.
Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên sàn HOSE, VNM vẫn là điểm sáng hỗ trợ chính giúp thị trường duy trì đà tăng, với mức tăng 3,2% lên 126.000 đồng/CP.
Các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng dù vẫn giữ sắc xanh nhưng biên độ tăng giảm đáng kể, với VCB tăng 0,7% lên 60.700 đồng/CP, BID tăng 0,3% lên 32.850 đồng/CP, CTG tăng 0,2% lên 25.950 đồng/CP, TCB tăng 1% lên 25.050 đồng/CP.
Trái lại, các mã lớn khác giao dịch thiếu tích cực đã gia tăng thêm gánh nặng cho thị trường đe dọa nguy cơ điều chỉnh, như VIC giảm 1,2% xuống 96.800 đồng/CP, VHM giảm 0,4% xuống 104.600 đồng/CP, GAS giảm 0,9% xuống 99.300 đồng/CP, SAB giảm 0,5% xuống 221.700 đồng/CP, MSN giảm 1,2% xuống 93.700 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cặp cha con HAG – HNG tiếp tục những ngày đen tối. Trong đó, với việc duy trì diện cảnh báo đối với HAG, cổ phiếu này có phiên giảm thứ 6 liên tiếp với mức giảm 5,1% xuống 5.780 đồng/CP và dẫn đầu thanh khoản sàn HOSE chỉ với 6,63 triệu đơn vị. Còn HNG chịu lực bán lớn, đã lùi về mức giá sàn 16.550 đồng/CP, giảm 6,8%.
Trên sàn HNX, diễn biến khá giống sàn HOSE với lực bán gia tăng về cuối phiên khiến thị trường rung lắc và thị trường đã may mắn thoát hiểm trong chút chót nhờ sự hỗ trợ của một vài mã lớn.
Trong đó, công lớn nhất giúp HNX-Index giữ được sắc xanh nhạt phải kể đến ACB khi tăng 0,6% lên 32.900 đồng/CP; ngoài ra còn có PVI tăng 0,3% lên 29.200 đồng/CP, NTP tăng 0,4% lên 48.700 đồng/CP…
Trái lại, nhiều mã vốn hóa lớn điều chỉnh hoặc nới rộng đà giảm, đã tác động thiếu tích cực tới thị trường như VCS giảm 1,5% xuống 87.000 đồng/CP, PVS giảm 1,9% xuống 20.600 đồng/CP, VGC giảm 0,5% xuống 18.800 đồng/CP, VCG giảm 0,6% xuống 17.400 đồng/CP.
PVS là cổ phiếu giao dịch tốt nhất sàn HNX với hơn 4,6 triệu đơn vị được khớp lệnh. Tiếp đó là DST với 2,96 triệu đơn vị và SHB với 2,35 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, rung lắc cũng diễn ra đầu phiên, tuy nhiên đà tăng nhanh chóng được thiết lập và duy trì đến hết phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,17%) lên 50,99 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 5,74 triệu đơn vị, giá trị 60,82 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,18 triệu đơn vị, giá trị 23,93 tỷ đồng.
Với thông tin chốt danh sách cổ đông trả cổ tức 4% bằng tiền mặt và điều chỉnh tăng lợi nhuận sau soát xét đã giúp VGT khởi sắc trong phiên sáng nay. Chốt phiên, VGT tăng 6,2% lên 10.200 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 1,23 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM.
Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là cặp đôi lớn LPB và BSR với hơn 620.000 đơn vị được chuyển nhượng thành công. Chốt phiên LPB và BSR cùng điều chỉnh nhẹ với mức giảm hơn 1%, lần lượt xuống mức giá 9.000 đồng/CP và 16.500 đồng/CP.