Thị trường đang nóng lên bởi diễn biến "nhảy múa" của giá vàng trong những ngày gần đây. Sau khi tăng vọt lên mức 38 triệu đồng/lượng trong sáng 6/7, giá vàng đã vượt qua mốc 40 triệu đồng/lượng vào chiều cùng ngày, tác động đến tâm lý của thị trường.
Trước việc giá vàng tăng mạnh bất thường, Ngân hàng Nhà nước đã gửi tới thông điệp để bình ổn tâm lý nhà đầu tư. Theo cơ quan quản lý, việc giá vàng tăng vọt trong 2 ngày gần đây là biến động nhất thời và người dân nên hết sức thận trọng với quyết định mua bán để tránh rơi vào thiệt hại lớn như trước.
Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường và sẵn sàng các phương án cũng như có đủ nguồn lực để can thiệp khi cần thiết. Việc can thiệp bình ổn thị trường vàng sẽ được thực hiện nhất quán với chủ trương tại Nghị định 24, đã tác động giúp diễn biến giá vàng bình ổn hơn trong phiên sáng 7/7.
Trong khi giới đầu tư đang sục sôi với thị trường vàng, thì diễn biến thị trường chứng khoán có phần trầm lắng hơn. Sau 7 phiên tăng liên tiếp, VN-Index đã chính thức điều chỉnh nhẹ phiên hôm qua. Tuy nhiên, hầu hết giới phân tích nhận định khá tích cực khi cho rằng, xu hướng tăng điểm của thị trường đã rõ, nhà đầu tư nên mở rộng các vị thế mua vào với tầm nhìn trung hạn.
Mặt khác, ở thị trường quốc tế, dữ liên kinh tế khả quan, cùng với thông tin FED sẽ không tăng lãi suất cho đến khi xem xét tác động của hậu Brexit đã giúp phố Wall đảo chiều tăng trở lại, cùng với đó là sự phục hồi của giá dầu thô.
Những thông tin trên đã tác động tới diễn biến thị trường chứng khoán trong nước ngay đầu phiên sáng 7/7. Lực cầu duy trì khá tích cực giúp sắc xanh trở lại thị trường, cả hai chỉ số đều bật tăng mạnh ngay đầu phiên.
Kết thúc đợt 1, Vn-Index tăng 3,03 điểm (+0,47%), tạm đứng ở mức 652,49 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 2,64 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 51,75 tỷ đồng.
Mặc dù tâm lý nhà đầu tư còn thận trọng sau phiên điều chỉnh cùng một lượng lớn dòng tiền chuyển hướng sang thị trường vàng nhưng cung giá thấp đã được tiết giảm giúp đà tăng được duy trì tích cực, chỉ số VN-Index có lúc bật mạnh lên sát mốc 655 điểm.
Thông tin giá dầu hồi phục nhẹ giúp các cổ phiếu họ P dần lấy lại cân bằng và khởi sắc, cụ thể, GAS, PVC, PVB, PVX đang đứng giá tham chiếu, còn PVD, PVS, PVE… đang tăng nhẹ.
Trong khi đó, các cổ phiếu trong nhóm bất động sản và ngành thép tiếp tục thẳng tiến. Ở nhóm cổ phiếu thép, hầu hết các mã đều tăng mạnh như HPG tăng 3,2%, TLH tăng 5,7%, VIS tăng 3,2%, HSG tăng 1,1%, NKG tăng 1,4%, VGS tăng 1,7%...
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, các mã thị trường quen thuộc vẫn giao dịch sôi động. Tuy nhiên, cũng như những phiên gần đây, trong khi thanh khoản của các mã thị trường quen thuộc trên sàn HOSE suy giảm mạnh với ITA, HAR chỉ khớp hơn 1 triệu đơn vị thì các mã cùng nhóm trên sàn HNX lại tỏa sáng với sự góp mặt của các mã SCR, HUT, VCG.
Cụ thể, SCR tiếp tục duy trì đà tăng mạnh 3,7% với khối lượng khớp gần 5 triệu đơn vị; HUT tăng 6% và khớp hơn 2 triệu đơn vị; VCG tăng 8% và khớp 2,33 triệu đơn vị.
Trái lại, tình trạng giảm sàn với lượng dư bán khủng vẫn tiếp diễn tại KSA và KHB. Hiện KSA và KHB cùng nằm sàn với khối lượng dư bán sàn tương ứng 40,5 triệu đơn vị và hơn 10 triệu đơn vị.
Thị trường giữ vững đà tăng mạnh đến cuối phiên giao dịch nhờ lực đỡ từ các nhóm cổ phiếu bất động sản, thép, dược phẩm... cùng sự hồi phục của các trụ cột như VNM, GAS trên sàn HOSE hay NTP, CEO, AAA… trên HNX. Chỉ số VN-Index dù chưa chinh phục được mốc 655 điểm nhưng đã đóng cửa ở mức điểm cao nhất phiên.
Chốt phiên sáng 7/7, trên sàn HOSE, số mã tăng (139 mã) gần gấp đôi số mã giảm (74 mã), chỉ số VN30-Index tăng 5,04 điểm (+0,78%) lên 654,5 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 78,33 triệu đơn vị, trị giá 1.547,31 tỷ đồng với giao dịch thỏa thuận đạt 2,27 triệu đơn vị, trị giá 64,53 tỷ đồng.
Sàn HNX khá cân bằng với 92 mã tăng và 83 mã giảm, chỉ số HNX-Index tăng 0,76 điểm (+0,87%) lên 87,45 điểm. Nhóm cổ phiếu HNX30 hỗ trợ tích cực khi có tới 13 mã tăng, chỉ 5 mã giảm và 11 mã đứng giá, chỉ số HNX30-Index tăng 2,31 điểm lên 159,8 điểm.
Giao dịch sôi động với tổng khối lượng giao dịch đạt 47,41 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 660,16 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 1 triệu đơn vị, trị giá 38,3 tỷ đồng.
Ở nhóm cổ phiếu ngành thép, cặp đôi HPG và TLH đua nhau tăng tốc, trong khi HPG tăng 2,93% và khớp 2,23 triệu đơn vị thì TLH đã leo lên mức trần 11.200 đồng/CP với lượng khớp 1,73 triệu đơn vị và dư mua trần 0,38 triệu đơn vị.
Ở nhóm dầu khí, sau những phút giằng co đầu phiên, các mã lớn đã khởi sắc khi tiếp cận thông tin giá dầu thô hồi phục, cụ thể GAS tăng 1,55%, PVD tăng 1,32%.
Bên cạnh các cổ phiếu bất động sản đua nhau tăng mạnh như FLC, KBC, HQC, BCI, DRH, DXG, IJC, ITC…, thị trường còn đón nhận đợt sóng cổ phiếu ngành dược. Hầu hết các mã dược phẩm tăng mạnh như DCL, DHG, IMP cùng tăng hết biên độ, DMC và DBT tăng sát trần.
Thanh khoản duy trì tích cực với tâm điểm là các cổ phiếu đầu cơ bất động sản quen thuộc. Trên sàn HOSE, FLC có khối lượng khớp lớn nhất đạt 4,25 triệu đơn vị; tiếp đó, ITA chuyển nhượng thành công gần 2,8 triệu đơn vị. Trong khi đó, trên sàn HNX, dòng tiền vẫn tập trung vào SCR giúp cổ phiếu này duy trì đà tăng mạnh và khớp gần 7,6 triệu đơn vị; tiếp đó, hai mã VCG và HUT cùng khớp hơn 3,5 triệu đơn vị với mức tăng tương ứng 6,9% và 7,76%.
Trái lại, nhà đầu tư tiếp tục vô vọng với cặp đôi cổ phiếu khoáng sản KSA và KHB, trong khi lực cầu vắng bóng thì lượng dư bán sàn hàng chục triệu đơn vị vẫn tiếp diễn. Trong khi KSA có phiên giảm sàn thứ 10 liên tiếp với lượng khớp chỉ hơn 5.000 đơn vị và dư bán sàn 40,4 triệu đơn vị thì KHB giảm sàn phiên 11 liên tiếp với lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 10 triệu đơn vị.