Trong phiên hôm qua, dòng tiền tham gia mạnh dạn ngay từ khi mở cửa đã giúp sắc xanh lan tỏa trên bảng điện tử, VN-Index tăng vọt hơn 25 điểm, vượt mốc 725 điểm.
Càng giao dịch, tâm lý hưng phấn càng dâng cao, với lực cầu chảy mạnh vào nhóm bluechip đã kéo hàng loạt mã tăng trần. Đây cũng là động lực chính đưa VN-Index lên mức cao nhất của ngày, tăng gần 35 điểm khi đóng cửa lên trên 736 điểm.
Theo nhận định của CTCK Smart Invest thì có một sự phân hóa, khi có những cổ phiếu dư mua vẫn lớn nhưng một số còn lại có dư mua ít dần. Điều này cho thấy khả năng sẽ có sự phân hóa vào ngày mai và không còn cảnh tăng trần hàng loạt nữa.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay 7/4, nối tiếp đà tăng của phiên hôm qua, thị trường tăng nhanh gần 10 điểm chỉ sau ít phút mở cửa. Mặc dù vậy, việc tăng nóng đã theo áp lực bán quay trở lại, khiến chỉ số VN-Index nhanh chóng đảo điều xuống sắc đỏ, lùi về 730 điểm trước khi trở lại tham chiếu và chững lại sau hơn 1 giờ giao dịch.
Bảng điện tử phân hóa mạnh với số mã tăng/giảm khá cân bằng, và điều tương tự cũng diễn ra ở rổ VN30, mặc dù vậy, có những bluechip đang cho thấy sự vượt trội khi tăng mạnh, có thời điểm chạm giá trần như MWG và VRE.
Nhóm cổ phiếu thị trường nổi bật vẫn có một số sắc tím được duy trì như ASM, IDI, JVC, TCH, CCL, PVD. Trong khi họ cổ phiếu FLC đa số giảm, thậm chí AMD, HAI còn có thời điểm xuống mức giá sàn, cùng nhiều cổ phiếu đang có thanh khoản tốt giằng co quanh tham chiếu.
Sau nửa đầu phiên giằng co, áp lực bán giảm dần, nhưng dòng tiền mạnh chưa vội vàng tham gia, cùng sự đảo chiều
Thị trường tiếp tục diễn biến giằng co nhẹ quanh tham chiếu trong phần còn lại của phiên với sự phân hóa mạnh trên bảng điện tử, nhưng với việc một số cổ phiếu lớn, đặc biệt là VIC đảo chiều tăng điểm đã đưa VN-Index tăng hơn 6 điểm khi kết phiên sáng.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 168 mã tăng và 164 mã giảm, VN-Index tăng 6,74 điểm (+0,91%), lên 743,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 200,6 triệu đơn vị, giá trị gần 3.162 tỷ đồng, tương đương về khối lượng và tăng 16% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 8,12 triệu đơn vị, giá trị 336,5 tỷ đồng.
Rổ VN30 khá cân bằng, với 15 mã tăng và 14 mã giảm và như đã đề cập, việc VIC đảo chiều có tác động tâm lý và ảnh hưởng nhất định đến thị trường, khi kết phiên +2,8% lên 100.000 đồng. Không chỉ VIC, 2 mã còn lại liên quan cũng tăng mạnh hỗ trợ là VHM +4,7% lên 64.600 đồng; VRE thậm chỉ còn có thời điểm chạm giá trần, trước khi kết phiên +6,7% lên 22.250 đồng.
Ngoài bộ 3 cổ phiếu Vingroup, thì một số bluechip cũng hoạt động tốt như MWG +4,2% lên 72.800 đồng; CTD +3,7% lên 53.500 đồng; SAB +2,5% lên 135.300 đồng; STB +2,5% lên 9.150 đồng, còn VNM, VPB, MSN, BVH nhích hơn 1%.
Trái lại, trong số các mã giảm, đáng kể có VJC -2,1% xuống 97.800 đồng; PLX -2,9% xuống 38.950 đồng; POW -2,2% xuống 7.960 đồng; ROS -4,5% xuống 3.800 đồng. SBT biến động mạnh, khi mở cửa tăng nhẹ, nhưng lao nhanh xuống mức giá sàn, trước khi hãm bớt đà giảm, kết phiên -1,8% xuống 13.400 đồng.
Các mã khác như GAS, CTG, NVL, FPT, EIB, HDB mất trên dưới 1%.
Thanh khoản ROS vẫn dẫn đầu nhóm với hơn 16,5 triệu đơn vị khớp lệnh; STB có 13,2 triệu đơn vị; MBB có 10,2 triệu đơn vị, đây là 3 mã có thanh khoản vượt trội phần còn lại. Các mã SSI, CTG, MWG, HPG có từ 4,5 triệu đến 5,37 triệu đơn vị…
Nhóm cổ phiếu thị trường vẫn giữ được sắc xanh khi kết phiên có PVD, FLC, HCM, HAG, APG, TCM, cùng ASM, IDI, TCH, CCL tăng kịch trần, trong đó, PVD +6,7% lên 8.600 đồng, khớp hơn 12,5 triệu đơn vị.
Trái lại thì HVH, TSC giảm sàn, cùng hàng loạt sắc đỏ khác tại LDG, HAI, AMD, DLG, HSG, HBC, DXG, SCR, AAA, CII, TDH…trong đó, bộ 3 LDG, HAI, AMD có thời điểm chạm mức giá sàn, thanh khoản từ 6 đến hơn 7 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng chủ đạo là giằng co quanh tham chiếu, nhưng do các trụ cột đồng loạt giảm đã khiến chỉ số không thể trở lại như trên sàn HOSE.
Theo đó, ACB -1,9% xuống 20.200 đồng; VCG -0,8% xuống 14.600 đồng; VCS -1,3% xuống 58.700 đồng; PVI -1% xuống 30.200 đồng; NVB -1,2% xuống 8.300 đồng; CEO -3% xuống 6.500 đồng; SHS -1,5% xuống 6.800 đồng; MBS -2% xuống 9.700 đồng.
Tăng điểm đáng kể chỉ có tại PVS +2,7% lên 11.600 đồng; DGC +0,9% lên 21.600 đồng; TAR +2% lên 40.000 đồng; PVB +1% lên 9.700 đồng, và MBG tăng kịch trần +8,8% lên 7.400 đồng.
Nhóm cổ phiếu nhỏ phân hóa mạnh với KLF và MST đáng chú ý nhất khi đều giảm sàn.
Hàng loạt mã lớn nhỏ khác đứng tham chiếu như SHB, AMV, HUT, ART, PVX, TIG, ITQ, VIG…
Thanh khoản PVS vượt trội toàn sàn với hơn 9,2 triệu đơn vị khớp lệnh; KLF có 5,6 triệu đơn vị; ACB có 3,17 triệu đơn vị; MBG có 2,56 triệu đơn vị; MST có 2,34 triệu đơn vị…
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 28 mã tăng và 59 mã giảm, HNX-Index giảm 0,81 điểm (-0,79%), xuống 102,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 40,5 triệu đơn vị, giá trị 411,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,68 triệu đơn vị, giá trị 55,9 tỷ đồng.
Trên UpCoM, sự phân hóa mạnh cũng diễn ra, chỉ số UpCoM-Index kết phiên trong sắc đỏ bởi 2 mã thanh khoản tốt nhất là BSR và LPB giảm điểm.
Còn lại, hàng loạt mã thanh khoản tốt khác dừng chân tại tham chiếu như VIB, OIL, DRI, QNS, VGT, HND, DVN, C4G. Trong khi tăng điểm có VEA, CTR, VGI, ACV…
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,24%), xuống 50,21 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 8,42 triệu đơn vị, giá trị 90,65 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,56 triệu đơn vị, giá trị 12,1 tỷ đồng.