Phiên sáng 7/12: VN-Index hồi phục nhờ “tân binh”, dư bán sàn HQC chất như núi

Phiên sáng 7/12: VN-Index hồi phục nhờ “tân binh”, dư bán sàn HQC chất như núi

(ĐTCK) Thị trường đã hồi phục nhẹ trở lại nhờ một số mã vốn hóa lớn như VCB, ROS và đặc biệt là "tân binh" SAB. Tuy nhiên, sự tập trung của thị trường vẫn hướng vào các mã có tính thị trường khi FLC nổi sóng, còn dư bán sàn tại HQC chất cao như núi. 2 mã khác cũng bị bán tháo mạnh là DLG và ITA.

Thị trường đã có phiên giao dịch khá tiêu cực trong phiên ngày 6/12. Áp lực bán diễn ra mạnh và trên diện rộng, khiến VN-Index liên tục để thủng các mốc hỗ trợ mạnh như 660 và 650 điểm. Không chỉ nhóm cổ phiếu bluechips, nhóm cổ phiếu đầu cơ cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ khi rất nhiều mã giảm sàn.

Dẫu sao, cũng đã có đối chút tích cực xuất hiện ở cuối phiên này, khi lực cầu bắt đáy nhập cuộc lúc VN-Index bắt đầu để mất mốc 650 điểm. Cùng với đó, thanh khoản giảm mạnh so với phiên trước cho thấy, áp lực bán tháo không diễn ra.

Sự tích cực này tiếp tục được duy trì trong phiên giao dịch sáng nay 7/12. VN-Index mở cửa trong sắc xanh khi nhiều mã bluechips đang cho thấy có sự hồi phục tốt.

Nhóm VN30 có 16 mã tăng điểm, trong đó có nhiều mã vốn hóa lớn như VCB, MSN, BID, HPG, BVH…

Ngược lại, VNM vẫn đang giảm khá mạnh 700 đồng trước sức ép của khối ngoại. Hiện khối này đang bán ròng hơn 120.000 đơn vị.

Góp sức cùng VNM níu chân VN-Index là nhóm cổ phiếu dầu khí. Các mã dầu khí lớn như GAS, PVD, PVT… đều đang giảm điểm. Nhóm này giao dịch yếu trong phiên sáng nay có lẽ xuất phát từ việc giá dầu thế giới đã giảm trở lại sau mấy phiên liên tục leo dốc trước đó.

Khác với nhóm bluechips, sức ép lên nhóm cổ phiếu đầu cơ vẫn khá mạnh. Đa phần các mã đều đang giảm điểm, trong đó DLG, HAR, ITA, HAI, HQC tiếp tục giảm sàn với lượng dư bán sàn lớn. Đặc biệt, HQC có lượng dư bán sàn “chất như núi”, với hơn 70 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, đáng chú ý, FLC bất ngờ được kéo tăng trần từ mức giá gần sàn đầu phiên. Với sức cầu rất mạnh, FLC đã khớp hơn 10,8 triệu đơn vị sau chưa đầy 1 giờ giao dịch, mạnh nhất thị trường, mà vẫn còn dư mua giá trần 5.620 đồng/CP là 3,3 triệu đơn vị.

ROS cũng có được sắc xanh với mức tăng khá mạnh 1.400 đồng lên 112.600 đồng/CP.

Khác với FLC, người anh em KLF trên sàn HNX lại đang khá vất vả khi vẫn đang lình xình quanh mức giá sàn 3.200 đồng/CP, mặc dù có thanh khoản tốt nhất sàn với hơn 6 triệu đơn vị được khớp.

Sau 1 giờ giao dịch, trong khi HOSE vẫn duy trì khá tốt sắc xanh nhờ sự hồi phục của các mã bluechips, thì HNX vẫn chưa thể tăng khi chưa có sự đồng thuận của nhóm này, trong đó đáng kể đế từ sức ì của nhóm dầu khí. Hoạt động giao dịch diễn ra thận trọng và chủ yếu diễn ra tại một số mã đầu cơ.

Trong thời gian còn lại của phiên, diễn biến rung lắc tiếp tục diễn ra trên các chỉ số khi một số bluechips có phần yếu đà, nhưng bù lại, việc SAB tăng trần, cùng ROS tăng mạnh và sự hỗ trợ thêm của VCB giúp VN-Index có được sắc xanh nhạt khi chốt phiên sáng nay. Thanh khoản cũng đã có sự cải thiện đáng kể so với phiên sáng 6/12.

Kết thúc phiên giao dịch sáng 7/12, với 110 mã tăng và 107 mã giảm, VN-Index tăng 1,62 điểm (+0,35%) lên 653,11 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 74,6 triệu đơn vị, giá trị 1.379,63 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp lớn với 17,8 triệu đơn vị, giá trị 412 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 6,163 triệu cổ phiếu SBT, giá trị gần 151 tỷ đồng; 4,46 triệu cổ phiếu CII, giá trị gần 127 tỷ đồng; 1,56 triệu cổ phiếu SAM, giá trị hơn 12 tỷ đồng…

Ngược lại, HNX-Index giảm 0,21 điểm (-0,26%) về 79,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 25,88 triệu đơn vị, giá trị 180,97 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận cũng có đóng góp đáng kể với hơn 6 triệu đơn vị, giá trị 65,8 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 2,184 triệu cổ phiếu PIV, giá trị gần 20 tỷ đồng; 2,65 triệu cổ phiếu SHN, giá trị 27,8 tỷ đồng.

Sức ép đã gia tăng trong nhóm bluechips vào thời điểm cuối phiên sáng. MSN lùi về tham chiếu, BID và MWG thậm chí còn giảm quay đầu giảm điểm khá mạnh, trong khi VNM, VIC, GAS, PVD… vẫn chìm trong sắc đỏ.

VNM nới rộng đà giảm lên 1.000 đồng, về còn 133.000 đồng/CP, khớp lệnh 0,66 triệu đơn vị, khối ngoại vẫn bán ròng 0,37 triệu đơn vị. BID giảm nhẹ, khớp lệnh 1,096 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, các mã vốn hóa lớn như ROS, VCB, BVH và đặc biệt là SAB, vẫn duy trì tốt đà tăng, góp phần giúp VN-Index giữ sắc xanh.

ROS tăng mạnh 3.100 đồng lên 114.200 đồng/CP và khớp 0,937 triệu đơn vị.

Cổ phiếu vốn hóa lớn thứ 5 thị trường SAB có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp lên 141.200 đồng/CP, với lượng dư mua trần lên tới 3,09 triệu đơn vị, nhưng lượng khớp vẫn chỉ là 10 cổ phiếu. Với mức giá này, SAB đã trở thành cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 5 trên thị trường và do đó, diễn biến giá của cổ phiếu này có tác động mạnh tới VN-Index.

SSI, HPG và HSG cùng khớp trên 1 triệu đơn vị và đều tăng điểm khá tốt, bất chấp khối ngoại bán ròng, trong đó SSI đang bị bán ròng mạnh nhất hơn 0,7 triệu đơn vị.

Trong khi đó, FLC duy trì sắc tím đậm với 11,268 triệu đơn vị khớp lệnh và còn dư mua trần tới 6,076 triệu đơn vị.

Mặc dù FLC nổi sóng, nhưng điều đó chưa mấy kích thích dòng tiền đầu cơ chảy vào các mã khác. Các mã như ITA, HQC, DLG vẫn “ổn định” với màu xanh mắt mèo, còn KBC, HNG, HAG, HAI, HAR, SCR… vẫn chìm trong sắc đỏ.

ITA khớp hơn 3,2 triệu đơn vị và vẫn còn dư bán sàn 3,66 triệu đơn vị. “Núi” dư bán sàn của HQC cũng không hề suy chuyển, vẫn là 70,292 triệu đơn vị, tròng khi lượng khớp chỉ là 0,303 triệu đơn vị. DLG dư bán sàn 3,9 triệu đơn vị, khớp lệnh chỉ 0,175 triệu đơn vị.

KBC dù được khối ngoại mua mạnh nhất gần 0,9 triệu đơn vị, song vẫn giảm 0,7% và khớp 1,46 triệu đơn vị. Có thanh khoản cao thứ 2 trong nhóm này là HAR với 4,828 triệu đơn vị được khớp, giảm mạnh 5,6% về 3.390 đồng/CP.

Trên sàn HNX, KLF đã trở lại mức sàn 3.200 đồng/CP và khớp 8,694 triệu đơn vị, dẫn đầu HNX. Ngược lại, DST tiếp tục trở lại với đà tăng trần sau phiên giảm đầu tuần, đạt 25.900 đồng/CP.

Ngoài KLF, khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị chỉ có thêm CEO, DCS và SPI.

Các mã NTP, LAS hay PVGS, PVB, PVC đã tăng trở lại, song chỉ giúp đà giảm trên sàn HNX giảm đi đáng kể, bởi mã vốn hóa lớn nhất sàn là ACB, hay BVS, HUT, PVS… vẫn đang giảm khá mạnh.

Tin bài liên quan