Trong phiên hôm qua, do ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường quốc tế, chứng khoán trong nước cũng với gam màu xám với việc thủng ngưỡng kháng cự 985 điểm không lâu sau khi mở cửa.
Càng giao dịch, diễn biến thị trường càng tiêu cực hơn với bên bán tiếp tục áp đảo, VN-Index tiếp tục thủng luôn 2 ngưỡng điểm 980 và 975 với gánh nặng lớn đến từ bộ 3 nhà Vin.
Ngay khi để thủng 975 điểm, lực cầu bắt đáy xuất hiện. Tuy nhiên, dòng tiền chưa đủ mạnh trước áp lực bán xối xả khiến VN-Index tiếp tục chìm sâu hơn trong đợt khớp ATC.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay 6/8, trái ngược với tất cả dự báo, thị trường trong nước tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi đà lao dốc, bán tháo của nhiều thị trường lớn trên thế giới, đặc biệt là phố Wall đêm qua, khi 3 chỉ số chính giảm rất sâu.
Tại khắp nơi trên châu Á sáng nay, với các thị trường lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông và Hàn Quốc cũng xả hàng ồ ạt và các chỉ số lớn đều mất hơn 2%.
Nhà đầu tư trên thị trường tài chính toàn cầu hoảng loạn trước động thái phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, đẩy tỷ giá nhân dân tệ so với USD xuống mức thấp nhất 10 năm sau khi Mỹ quyết định đánh thuế 10% với thêm 300 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc kể từ ngày 1/9 tới.
Ngoài phá giá đồng nhân dân tệ, Bắc Kinh cũng thông báo ngừng nhập thịt heo và nông sản từ Mỹ, còn Mỹ đưa Trung Quốc vào danh sách nước thao túng tiền tệ.
Động thái giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đẩy cuộc chiến thương mại tới giai đoạn nguy hiểm và reo rắc nỗi hoảng sợ cho nhà đầu tư trên thị trường tài chính toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó.
Chỉ số VN-Index ngay khi mở cửa cũng ghi nhận mất hơn 14 điểm và thủng ngưỡng 960 điểm với hàng trăm mã giảm trên bảng điện tử. Sau gần 1 giờ giao dịch, chỉ số vẫn đang ở vùng giá trên, dường như bên bán cũng đã “ngừng tay”, trong khi nhà đầu tư nắm giữ tiền lại đứng ngoài quan sát.
Đối với các bluechip, cổ phiếu lớn, gần như tất cả đều giảm và biên độ dao động khoảng 1 đến hơn 2%. Chỉ còn một vài cổ phiếu giằng co tham chiếu và có nhịp lấy lại sắc xanh là GMD, PNJ, SAB.
Đáng chú ý, đi ngược thị trường là GAB, khi nhanh chóng tăng kịch trần và trắng bên bán, +6,9% lên 10.900 đồng, khớp hơn 110.000 đơn vị.
Sau nửa đầu phiên đứng ngoài quan sát, dòng tiền bắt đáy nhập cuộc, tuy không mạnh nhưng cũng đủ giúp VN-Index “bò” dần lên ngưỡng 965 điểm, mặc dù khá đáng tiếc không giữ được ngưỡng này khi kết phiên bởi nhịp giảm nhẹ trong những phút cuối.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 80 mã tăng và 210 mã giảm, VN-Index giảm 9,19 điểm (-0,94%), xuống 963,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 92 triệu đơn vị, giá trị 2.063 tỷ đồng, tăng hơn 12% cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 6,8 triệu đơn vị, giá trị 203 tỷ đồng.
Thị trường lấy lại được gần một nửa số điểm đã mất từ khi mở cửa nhờ các cổ phiếu vốn hóa lớn, bluechip thu hẹp được đà giảm về cuối phiên, mặc dù đa số vẫn chìm trong sắc đỏ, như rổ VN30 chỉ còn 5 mã tăng là PNJ +3,2% lên 83.300 đồng; SAB +0,5% lên 281.500 đồng; VRE +0,3% lên 35.100 đồng; GMD +1,2% lên 26.300 đồng; DPM +0,4% lên 13.700 đồng, cùng 2 mã đứng tham chiếu FPT và EIB.
Các mã giảm đáng kể có GAS -2% xuống 101.900 đồng; MSN -1,8% xuống 75.400 đồng; VNM -1,6% xuống 120.000 đồng; VHM -1,5% xuống 83.900 đồng.
Các bluechip như ROS -3,9% xuống 27.000 đồng; HDB -2,5% xuống 24.950 đồng; POW -2,2% xuống 13.600 đồng; PLX -1,7% xuống 62.000 đồng.
Còn lại giảm từ 1 đến 1,5% có VCB, CTG, TCB, NVL, HPG, VJC, HVN, VPB, MBB…
Thanh khoản HPG cao nhất với hơn 3 triệu đơn vị; ROS có 2,5 triệu đơn vị. Theo sau là nhóm cổ phiếu ngân hàng với CTG và MBB có hơn 2 triệu đơn vị. Nhóm VPB, TCB, STB có từ 1,3 đến 1,7 triệu đơn vị.
Trên bảng điện tử, các cổ phiếu thị trường đa số giảm, trừ nhóm cổ phiếu bất động, xây dựng khu công nghiệp tiếp tục tỏa sáng, nhờ việc được cho là sẽ hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, với hàng loạt cái tên tăng điểm như ITA, KBC, IJC, HDC, TDC, SZC, LHG… khớp lệnh từ 0,3 triệu đến 2,7 triệu đơn vị, riền ITA có 4 triệu đơn vị, đứng thứ 2 HOSE chỉ sau FLC với 4,09 triệu đơn vị.
Trong số trên, TDC tăng kịch trần +6,9% lên 9.450 đồng; IJC tuy đánh mất sắc tím, nhưng kết phiên vẫn tăng khá +4,1% lên 13.850 đồng.
GAB vẫn ngược dòng thị trường, tăng hết biên độ +6,9% lên 10.900 đồng, khớp hơn 118.000 đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau nhịp rơi không phanh khi mở cửa cũng đã hồi dần và lấy lại được một nửa số điểm đã mất, thu hẹp dần đà giảm.
Mặc dù vậy, hầu như các mã lớn nhất sàn đều vẫn mất điểm như ACB -0,9% xuống 21.800 đồng; VCS -0,2% xuống 85.300 đồng; VCG -0,4% xuống 26.600 đồng; PVS -3,8% xuống 20.500 đồng; DGC -2,6% xuống 30.600 đồng; NVB -3,9% xuống 7.500 đồng; MBS -2,6% xuống 15.300 đồng; CEO -1% xuống 10.100 đồng…trong khi SHB, SHS, VC3 đứng giá tham chiếu.
Các mã tăng ngược dòng xu hướng có NDN +3,4% lên 18.300 đồng; DTD +8,8% lên 17.300 đồng; PVB +0,5% lên 21.400 đồng, và đặc biệt là VCR khi tăng kịch trần +9,6% lên 17.200 đồng.
Khớp lệnh cao nhất sàn là PVS với hơn 3,3 triệu đơn vị. SHB có 2,77 triệu đơn vị, VCR có 1,15 triệu đơn vị và không có bên bán. ACB có 1,13 triệu đơn vị; NDN có 0,97 triệu đơn vị; CEO có 0,86 triệu đơn vị.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 33 mã tăng và 66 mã giảm, HNX-Index giảm 0,85 điểm (-0,83%), xuống 102,06 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 19,4 triệu đơn vị, giá trị 274,29 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 5,89 triệu đơn vị, giá trị 83,6 tỷ đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng giảm sâu khi mở cửa và dần hồi phục sau đó, thậm chí chỉ số này còn lên trên tham chiếu và giằng co nhẹ, trước khi kết phiên mất điểm không đáng kể.
Nhóm cổ phiếu sáng nhất thuộc về 4 mã phát triển khu công nghiệp VGR, SZE, SNZ, HPI, khi đều tăng hết biên độ. Trong đó, GVR thanh khoản khá tốt, đứng thứ 4 trên UpCoM với hơn 618.000 đơn vị khớp lệnh.
VGI của Viettel Global nhận hiệu ứng kết quả kinh doanh, tăng mạnh 8% lên 38.000 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 1,48 triệu đơn vị. Theo đó, trong quý II/2019, VGI đạt lợi nhuận trước thuế đạt 1.092 tỷ đồng - mức kỷ lục trong nhiều năm gần đây.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,02 điểm (-0,04%), xuống 58,35 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 8,41 triệu đơn vị, giá trị 201,52 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,41 triệu đơn vị, giá trị 180,5 tỷ đồng, trong đó, phần lớn là 2,54 triệu cổ phiếu HNF, trị giá 152 tỷ đồng.