Trong phiên hôm qua, thêm một lần chứng khiến VN-Index tiến đến thử thách vùng 1.200 điểm ngay từ sớm, nhưng vẫn như những diễn biến trước đó, khi tiếp cận vùng này, VN-Index lại bị đẩy xuống khá nhanh, chốt phiên chỉ còn tăng nhẹ hơn 1.193 điểm, với áp lực bán luôn hiện hữu ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là có tới 4 mã ngân hàng đang nằm trong nhóm 10 mã vốn hóa lớn nhất thị trường, cùng VNM luôn trong tình trạng giảm điểm.
Tuy nhiên, điểm tích cực là đầu tầu VIC vẫn cho thấy sức mạnh đáng nể, khi vừa nâng đỡ thị trường, vừa gây ảnh hưởng tích cực lên hàng loạt các mã lớn nhỏ khác thuộc nhóm cổ phiếu bất động sản.
Theo FPTS, một số cổ phiếu có khả năng ảnh hưởng mạnh tới VN-Index như VNM, GAS, VCB đã bắt đầu cho tín hiệu tạo đáy.
Nhóm ngành ngân hàng mặc dù đang phân hóa nhưng đa số các cổ phiếu lớn vẫn dao động trong phạm vi cho phép của quy luật tăng giá và có thể sớm quay lại với vai trò dẫn dắt xu hướng của VN-Index.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay 6/4, diễn biến tương tự của chỉ số VN-Index lặp lại, khi tăng nhanh lên vùng 1.200 điểm, và cũng chỉ sau đó không lâu đã bị đẩy xuống.
Tuy nhiên, sau hơn 1 giờ giao dịch, nhìn chung thị trường đã tích cực hơn phiên sáng hôm qua, khi trên bảng điện tử sắc xanh đang chiếm ưu thế, điều này đúng với cả VN30 và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, cùng thanh khoản vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.
Ngoài ra, dòng tiền cũng đang có xu hướng tiếp tục dịch chuyển mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng vừa và nhỏ, khi sắc xanh từ sớm đã xuất hiện ở HQC, FLC, DXG, SCR, HBC, PDR... cùng với sự khởi sắc từ CTD, NLG, VRE, ROS...
Ngoài ta, một số mã ngân hàng cũng đang hút người mua như STB, MBB, VPB và CTG...
Áp lực chốt lời đôi chút đã khiến chỉ số sau nhịp rơi xuống 1.195 điểm đã dừng lại, và dòng tiền thêm đợt chảy mạnh, VN-Index tăng trở lại và vươn lên sát đỉnh 1.200 điểm khi chốt phiên sáng nay.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 159 mã tăng và 112 mã giảm, VN-Index tăng 5,99 điểm (+0,50%), lên 1.199,16 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 132,4 triệu đơn vị, giá trị 3.796,92 tỷ đồng, tăng 18% về khối lượng và tăng nhẹ về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,18 triệu đơn vị, giá trị 175,4 tỷ đồng.
Hang loạt mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường tăng điểm, mặc dù mức tăng chưa đến 2%, nhưng riêng VRE đã có lúc vọt lên mức giá trần, và mã giảm duy nhất là GAS.
Cụ thể, VIC tăng 0,5% lên 131.600 đồng, khớp 1,3 triệu đơn vị; VNM tăng 1,1% lên 199.400 đồng; VCB đứng tham chiếu 73.500 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị; BID tăng 0,3% lên 44.150 đồng; SAB tăng 1,1% lên 220.600 đồng; CTG tăng 1,1% lên 36.000 đồng, khớp 3,8 triệu đơn vị; MSN tăng 0,4% lên 109.900 đồng; VPB tăng 0,9% lên 68.100 đồng, khớp 1,82 triệu đơn vị.
Đặc biệt, như đã nêu trên, VRE tăng 6,1% lên 52.200 đồng, khớp 2,25 triệu đơn vị. Trong khi đó, GAS giảm 0,8% xuống 128.800 đồng/cổ phiếu.
Nhóm VN30 giao dịch cũng tốt hơn phiên sáng hôm qua rất nhiều, khi có tới 20 mã tăng và chỉ 8 mã giảm nhẹ. Ngoài ra, mất điểm chỉ còn ở NVL -2,7% xuống 75.900 đồng, khớp 2 triệu đơn vị; VJC giảm 1% xuống 215.900 đồng; DHG giảm 1,6% xuống 112.900 đồng…
Ngược lại, tăng điểm đáng chú ý có CTD +2,3% lên 155.500 đồng; BVH tăng 1,9% lên 109.200 đồng; REE tăng 1,4% lên 39.700 đồng; NT2 tăng 1,4% lên 33.400 đồng; CII tiếp tục tăng 1% lên 34.000 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị; SSI tăng 1,2% lên 42.400 đồng, khớp hơn 4,1 triệu đơn vị; SBT tăng 0,6% lên 17.600 đồng, khớp 3,38 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng sáng nay phục hồi trở lại, chỉ còn HDB giảm nhẹ 0,1% xuống 46.400 đồng, trong khi đáng tiếc ngoài VCB thì còn có thêm MBB đứng tham chiếu thì còn lại đều tăng.
Trong đó, STB thanh khoản tốt nhất, thậm chí cũng là cao nhất sàn HOSE với hơn 14,3 triệu đơn vị, chốt phiên tăng 3,2% lên 16.200 đồng; EIB tăng 1,7% lên 14.950 đồng.
Con sóng cổ phiếu bất động sản, xây dựng vẫn đang được nhà đầu tư quan tâm, săn đón, khi hàng loạt những mã lớn nhỏ như HQC, FLC, SCR, DXG, VRE, PDR, LDG, NLG KDH, HDC, VPH, NLT, KSH tăng điểm, trong đó VPH, NTL, KSH còn tăng kịch trần, thanh khoản cao nhất thuộc về nhóm 4 mã đầu tiên khi có từ hơn 3 triệu đến 5 triệu đơn vị.
Còn lại, chỉ một số ít giảm điểm như KBC, NVL, LHG, DLG, DRH, trong đó KBC có hơn 2,8 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên sàn HNX, mặc dù áp lực bán diễn ra liên tục nhưng không quá lớn, trong khi các cổ phiếu lớn đứng vững, cùng thanh khoản toàn sàn tăng vọt đã giúp HNX-Index giữ được đà tăng khi chốt phiên sáng nay.
Trong đó, SHB tăng 1,5% lên 13.400 đồng, khớp hơn 12,4 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản HNX; ACB tăng 1,2% lên 50.400 đồng, khớp 2,84 triệu đơn vị; PVS tăng 0,5% lên 20.900 đồng, khớp 2 triệu đơn vị.
VCG, MBS, NDN, cũng tăng điểm nhẹ, khớp lệnh từ hơn 400.000 đến 1 triệu đơn vị.
Trong khi đó, CEO, VGC, PVI, VCS lại bị sắc đỏ đánh chiếm, nhưng cũng chỉ giảm nhẹ, khớp lệnh chỉ trên dưới 100.000 đơn vị.
Phiên hôm nay, một cổ phiếu bất động sản chào sàn HNX là 12 triệu cổ phiếu NRC của Công ty cổ phần Bất động sản Netland với giá tham chiếu 27.300 đồng và rất nhanh đã được kéo lên mức giá trần +9,9% lên 30.000 đồng, nhưng khớp lệnh chỉ có 8.800 đơn vị.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 70 mã tăng và 58 mã giảm, HNX-Index tăng 0,87 điểm (+0,64%), lên 137,63 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 41,2 triệu đơn vị, giá trị 621,45 tỷ đồng, tăng hơn 50% về khối lượng và hơn 32% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,66 triệu đơn vị, giá trị 49,6 tỷ đồng.
Trên sàn UpCoM, diễn biến UpCoM-Index khá giằng co, khi đã 2 lần xuống dưới tham chiếu, nhưng cũng đã vọt lên nhanh chóng, với sự phân hóa của nhóm cổ phiếu thanh khoản cao gần đây như PLB, BSR, POW, HVN, OIL, DVN…
Trong đó, LPB tăng 7,5% lên 17.300 đồng, khớp lệnh hơn 11,37 triệu đơn vị; HVN tăng 0,4% lên 48.800 đồng, khớp hơn 370.000 đơn vị; VIB tăng 0,8% lên 39.500 đồng, nhưng chỉ có hơn 100.000 đơn vị được khớp.
Ngược lại, nhóm cổ phiếu dầu khí như BSR, OIL, POW lại giảm điểm bất chấp giá dầu thô thế giới tăng nhẹ.
Cụ thể, BSR giảm 2,5% xuống 23.800 đồng, khớp 1,05 triệu đơn vị; OIL giảm 3,9% xuống 19.700 đồng; POW giảm 0,6% xuống 16.100 đồng.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,18 điểm (+0,3%), lên 60,6 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 17,54 triệu đơn vị, giá trị 298,82 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 32,25 tỷ đồng.