Thị trường chứng khoán vừa khép lại tháng 7 với mức tăng gần 42 điểm, tương ứng tăng 4,4%. Tuy nhiên, trong những phiên cuối cùng của tháng 7, thị trường đã chịu áp lực điều chỉnh tích lũy khi chỉ số VN-Index tiếp cận ngưỡng kháng cự mạnh 1.000 điểm.
Bên cạnh việc thử thách ngưỡng cản tâm lý mạnh, thị trường được đánh giá sẽ ngày càng khó khăn khăn hơn bởi những tác động khá tiêu cực của thị trường quốc tế như rủi ro điều chỉnh chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương sắp tới, giá dầu biến động mạnh, chứng khoán toàn cầu có thể điều chỉnh bởi kinh tế giảm nhiệt…
Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK Dầu khí (PSI), có thể 1 - 2 tuần đầu tiên của tháng 8, thị trường có thể tích lũy điều chỉnh và cũng là dịp các nhà đầu tư đợi chờ các thông tin tích cực hơn.
Tuy nhiên, với các điều kiện vĩ mô của Việt Nam hiện khá thuận lợi, ông Khánh cho rằng, VN-Index sẽ vượt mốc 1.000 ngay trong tháng 8.
Không nằm ngoài dự báo của giới phân tích, thị trường chứng khoán đã bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần mới 5/8 tiếp tục điều chỉnh. Trong khi lực cầu tiếp tục tham gia thận trọng thì áp lực bán khá lớn khiến sắc đỏ vẫn bao phủ trên diện rộng bảng điện tử.
Đáng kể, nhóm cổ phiếu bluechip là tác nhân chính của thị trường khi hầu hết đều đứng dưới mốc tham chiếu. Sau hơn 40 phút giao dịch, chỉ số VN-Index bị đầy về sát mốc 985 điểm. Tuy nhiên, ngay khi tiếp cận vùng giá này, lực cầu được kích hoạt đã giúp thị trường thu hẹp đà giảm.
Bên cạnh một số mã ngân hàng le lói xanh như CTG, VCB, VPB, các mã bluechip khác cũng đã hỗ trợ giúp VN-Index không bị đẩy xuống sâu hơn như FPT, MWG, SAB.
Trong khi đó, nhà Vin giao dịch khá tiêu cực, đặc biệt là cổ phiếu của doanh nghiệp hiện đang dẫn đầu trong top câu lạc bộ lãi nghìn tỷ là VHM đang giảm 2% sau khoảng 1 giờ giao dịch, ngoài ra, các mã vốn hóa lớn như VNM, GAS, MSN… cũng đều giao dịch trong sắc đỏ.
Thị trường nhanh chóng bị đẩy lùi trở lại trước áp lực bán gia tăng. Sắc đỏ chiếm áp đảo thị trường, trong đó biên độ giảm của các mã lớn càng nới rộng hơn khiến VN-Index thủng mốc 985 điểm.
Chốt phiên sáng, sắc đỏ chiếm áp đảo trên sàn HOSE với 184 mã giảm và 112 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 6,81 điểm (-0,69%) xuống 984,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 81,82 triệu đơn vị, giá trị 1.836,14 tỷ đồng, giảm 19,07% về lượng và 12,48% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (2/8). Giao dịch thỏa thuận đạt 12,68 triệu đơn vị, giá trị 307,9 tỷ đồng.
Hôm nay, danh mục VN30 kỳ tháng 7/2019 của HOSE chính thức thay đổi với sự trở lại BID và BVH, thay thế cho 2 cổ phiếu CII và DHG. Tuy nhiên, cả 2 mã mới được thêm vào cũng hòa trong sắc đỏ của hầu hết các cổ phiếu khác trong nhóm bluechip này. Đáng kể, BVH giảm khá mạnh 3,25% xuống mức 80.300 đồng/CP.
Dòng bank chỉ còn duy nhất VPB tăng nhẹ chưa tới 1%, còn lại hầu hết đều đứng dưới mốc tham chiếu với biên độ giảm không quá lớn.
Trong khi đó, bộ 3 cổ phiếu Vingroup tiếp tục lùi sâu với VHM giảm 2,55% xuống 87.900 đồng/CP, VIC giảm 1,07% xuống 121.200 đồng/CP, VRE giảm 1,79% xuống 35.600 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu dầu khí, cặp đôi lớn cũng giao dịch thiếu tích cực khi GAS giảm 1,04% xuống 104.900 đồng/CP, còn PLX giảm 1,72% xuống 63.900 đồng/CP.
Mặt khác, một số mã đóng vai trò hỗ trợ thị trường đã thu hẹp đà tăng. Trong đó, FPT sau khi công bố kết quả kinh doanh quý II/2019 khả quan đã thông báo tạm ứng cổ tức đợt 1/2019 bằng tiền mặt, tỷ lệ 10%, đã tăng khá tốt trong nửa đầu phiên nhưng sau đó hạ độ cao, thậm chí có lúc lùi về mốc tham chiếu. Hiện FPT tăng 0,82%, chốt phiên tại mức giá 49.200 đồng/CP. Còn SAB, PNJ, DHG, MWG vẫn giữ mức tăng trên dưới 1%.
Cổ phiếu ROS sau 2 phiên hồi nhẹ cũng đã quay đầu trở lại giao dịch trong sắc đỏ khi giảm 2,73% và chốt phiên tại mức giá 26.750 đồng/CP, nhưng vẫn giữ vị trí dẫn đầu thanh khoản với 4,19 triệu đơn vị được giao dịch thành công.
Tương tự, áp lực bán cũng khiến sàn HNX chìm trong sắc đỏ.
Chốt phiên, với 69 mã giảm và 39 mã tăng, chỉ số HNX-Index giảm 0,54 điểm (-0,52%) xuống 103,17 điểm. Tổng khối lượng lượng giao dịch đạt hơn 14 triệu đơn vị, giá trị 211,35 tỷ đồng, cùng giảm hơn 17% cả về lượng và giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (2/8). Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 4,6 triệu đơn vị, giá trị hơn 64 tỷ đồng.
Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất không có mã nào tăng giá, trong đó có 4 mã là NVB, PHP, VCG, VCS đứng giá tham chiếu, còn lại các mã ACB, PVS, PVI, SHB, DGC đều giảm nhẹ, đáng kể NTP giảm 2,1% xuống 37.200 đồng/CP.
Toàn sàn chỉ có 3 mã có khối lượng khớp trên 1 triệu đơn vị, trong đó, SHB dẫn đầu với 2,78 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công và chốt phiên giảm 1,52% xuống 6.500 đồng/CP. Tiếp đó, ACB giảm 0,4% xuống 22.200 đồng/CP và khớp 1,78 triệu đơn vị, đây cũng là mã bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với hơn 1,28 triệu đơn vị; PVS giảm 0,91% xuống 21.7002 đồng/CP và khớp 1,19 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, những tưởng thị trường sẽ hồi phục thành công nhưng lực bán bất ngờ tăng mạnh trong ít phút cuối phiên đã đẩy UPCoM-Index lùi về dưới mốc tham chiếu.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,26 điểm (-0,45%) xuống 58,32 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 6,98 triệu đơn vị, giá trị 164,47 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp thêm hơn 5 tỷ đồng.
Một số mã là tác nhân khiến thị trường “hụt hơi” như BSR giảm 3,67% xuống 10.500 đồng/Cp, VEA giảm 1,35% xuống 58.400 đồng/CP, VGT giảm 3,16% xuống 9.200 đồng/CP, MSR, LPB, QNS…
Trong khi đó, GVR vẫn tiếp tục khởi sắc khi tăng 4,58% lên 16.000 đồng/CP và dẫn đầu thanh khoản với khối lượng giao dịch đạt 1,37 triệu đơn vị. Tiếp theo đó là BSR đạt hơn 1,3 triệu cổ phiếu, VGI với hơn 1 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công.