Trong 2 phiên đầu tuần, mặc dù VN-Index đều tăng điểm, song áp lực bán đã xuất hiện khá rõ ràng, nhất là tại các mã ngân hàng - nhóm cổ phiếu đã có phiên bật tăng bất ngờ trong phiên mở đầu năm 2017. Tuy nhiên, sự tích cực không duy trì được lâu khi ngay phiên sau đó, nhóm cổ phiếu này đã chịu áp lực chốt lời khá mạnh và ảnh hưởng lên thị trường.
Đây cũng là nguyên nhân khiến VN-Index rung lắc khá mạnh ngay khi mở cửa phiên sáng nay.
Áp lực chốt lời tiếp tục gây sức ép lên nhóm cổ phiếu Bluechips, khiến VN-Index mở cửa trong sắc đỏ. Tuy nhiên, chỉ số cũng nhanh chóng hồi phục nhờ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có được sức cầu khá tốt.
Nhóm VN30 diễn biến phân hóa khá rõ nét. Số mã giảm điểm vẫn nhỉnh hơn số mã tăng, song chỉ số VN30-Index lại giữ sắc xanh khi các lớn như VIC, VCB, GAS, MSN, BID hay FPT, HPG, HSG đều tăng điểm.
Bên cạnh đó, các mã như ROS, SAB cũng đang tăng điểm, góp phần giúp VN-Index duy trì sắc xanh, dù chịu sự rung lắc khá mạnh.
BID đang được giao dịch tốt nhất nhóm với 1,08 triệu đơn vị được khớp, trong khi giao dịch đã chậm lại ở nhóm cổ phiếu thép như HPG, HSG.
Tại nhóm cổ phiếu thị trường, sự phân hóa cũng đang được thể hiện, hoạt động giao dịch diễn ra chậm. FLC, ITA và HQC là 3 mã có thanh khoản cao nhất khi cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị, trong đó FLC tăng điểm, ITA thì ngược lại, còn HQC đứng giá. FLC dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 1,8 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Đáng chú ý, CDO và DHM tiếp tục nằm sàn ngay khi mở cửa, với lượng dư bán sàn lớn, lần lượt là 2,9 triệu và 2,05 triệu đơn vị. Với CDO, đây đã là phiên giảm sàn thứ 22 liên tiếp kể từ ngày 6/12/2016, còn DHM là phiên thứ 7 liên tục kể từ ngày 27/1/2016.
Tương tự, diễn biến rung lắc mạnh cũng diễn ra trên sàn HNX. Tuy nhiên, chỉ số HNX-Index đang giao dịch dưới tham chiếu khi các mã trụ như ACB, CEO, LAS, PVI… đang giảm điểm. Cùng với đó là hoạt động giao dịch cực kỳ tẻ nhạt.
Trong thời gian còn lại, diễn biến thị trường không có nhiều chuyển biến. VN-Index đã hồi trở lại nhờ sự ổn định của một số mã bluechips và vốn hóa lớn, trong khi HNX-Index vẫn chưa thể về được tham chiếu. Giao dịch vẫn ảm đạm, nên thanh khoản thị trường chung duy trì ở mức rất thấp, tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn chỉ hơn 1.100 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch sáng 5/1, với 98 mã tăng và 118 mã giảm, VN-Index tăng 0,34 điểm (+0,05%) lên 675,04 điểm. Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 52,47 triệu đơn vị, giá trị 1.058,99 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,96 triệu đơn vị, giá trị 109,7 tỷ đồng, đáng chú ý có thỏa thuận của 1,52 triệu cổ phiếu CII, giá trị 45,75 tỷ đồng và 1,2 triệu cổ phiếu ITA, giá trị 4,69 tỷ đồng.
Ngược lại, với 48 mã tăng và 64 mã giảm, HNX-Index giảm 0,27 điểm (-0,34%) về 81,26 điểm. Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 11,64 triệu đơn vị, giá trị 114,53 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận là 5 tỷ đồng.
Các mã vốn hóa lớn như BID, BVH, CTG, VIC, VCB, ROS, SAB duy trì được đà tăng nhẹ, tạo lực đỡ chính cho VN-Index. Ngược lại, VNM, MSN “giữ vững” sắc đỏ và GAS đã đảo chiều giảm điểm trước áp lực bán khá mạnh, nên là lực cản của chỉ số. BID khớp 1,576 triệu đơn vị, ROS khớp 1,2 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thép, mà đầu tàu là HPG và HSG đã giao dịch tích cực hơn về cuối phiên và đều tăng điểm. HSG khớp 1,23 triệu đơn vị, tăng khá mạnh 2,5% lên 52.800 đồng/CP. HSG khớp 1,45 triệu đơn vị, nhưng chỉ tăng nhẹ 0,5% lên 44.200 đồng/CP.
CII và STB cũng khớp trên 1 triệu đơn vị. STB tăng trở lại, trong khi CII giảm điểm.
Tại nhóm cổ phiếu thị trường, thanh khoản chỉ tập trung tại một số mã là FLC, HAG, ITA, KBC, HQC, HBC, SCR và OGC, với lượng khớp chỉ từ hơn 1-3 triệu đơn vị. KBC dẫn đầu thanh khoản thị trường với 3,7 triệu đơn vị được khớp. Trong đó, chỉ HBC là tăng điểm.
Hai mã DHM và CDO giữ nguyên sắc xanh mắt mèo, khi lượng dư bán sàn đầu phiên vẫn ít suy chuyển.
Trên sàn HNX, chỉ có 3 mã là VCG, CEO và KLF là cùng khớp nhỉnh hơn 1 triệu đơn vị, trong đó VCG tăng điểm. Chỉ số HNX-Index nới rộng hơn đà giảm khi có thêm các mã trụ như NTP, VCS quay đầu giảm điểm.