Mặc dù được đánh giá khả quan quan bởi những triển vọng tăng trưởng chung của nhiều nhóm ngành khi mùa công bố kết quả kinh doanh quý III đang dần hé mở nhưng dường như thị trường vẫn chưa thoát khỏi trặng thái giằng co mỗi lần thử thách mốc 1.000 điểm, điều này tiếp tục khẳng định đây là ngưỡng cản tâm lý mạnh của nhà đầu tư.
Trong phiên hôm qua (3/10), trong khi nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh hàng trăm tỷ đồng, thì lực cầu trong nước hỗ trợ tốt giúp các mã bluechip trở lại là điểm tựa kéo VN-Index khởi sắc sau phiên giảm khá sâu trước đó.
Bên cạnh đà tăng điểm không quá lớn, cùng với độ rộng vẫn nghiêng về số mã giảm khiến giới đầu tư chưa mấy tin tưởng vào đà tăng của thị trường. Tuy nhiên, theo TVSI, việc đảo chiều thành công ở cuối phiên đã củng cố quan điểm cho rằng, chỉ số khó có khả năng giảm sâu ở thời điểm hiện tại. Dao động giằng co theo đó được dự báo sẽ duy trì trong những phiên tới.
Bước vào phiên sáng cuối tuần 4/10, dòng tiền vẫn “túc tắc” tham gia và VN-Index tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ khi mở cửa.
Tuy nhiên, biên độ tăng kém bền vững trước tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khiến thị trường trở nên rung lắc. Chỉ số VN-Index bị đẩy xuống sát mốc 990 điểm sau hơn 30 phút giao dịch và nhanh chóng đảo chiều hồi phục trong sắc xanh nhạt nhờ sự hồi phục của một số mã lớn như VNM, GAS, MSN, BID...
Tâm điểm đáng chú ý trong phiên sáng nay là nhóm cổ phiếu thị trường vừa và nhỏ. Bên cạnh FTM tiếp tục tỏa sáng với phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp cùng lượng dư mua trần khá lớn, các mã khác như ASM, FLC, NLG, ITA… khởi sắc, hay HQC, DIC cũng được kéo lên trần.
Trong đó, HQC hiện đang dẫn đầu thanh khoản với gần 3,36 triệu đơn vị được khớp lệnh, FTM, ASM, SCR cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị...
Thị trường giao dịch khá phân hóa khiến VN-Index biến động giằng co quanh mốc tham chiếu. Tuy nhiên, áp lực bán về cuối phiên gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip đã đẩy chỉ số này về dưới mốc tham chiếu.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 139 mã tăng và 149 mã giảm, VN-Index giảm 0,56 điểm (-0,06%), xuống 991,89 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 99,96 triệu đơn vị, giá trị 2.103,14 tỷ đồng, tăng 14,29% về khối lượng và 19,5% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp tích cực với 23,35 triệu đơn vị, giá trị 596,62 tỷ đồng, trong đó, riêng SBT thỏa thuận hơn 13,1 triệu đơn vị, giá trị 232,37 tỷ đồng.
Hầu hết các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng đều đảo chiều điều chỉnh nhẹ với mức giảm trên dưới 1%, tuy nhiên, đáng chú ý, cổ phiếu đầu ngành VCB đã đảo chiều hồi phục với mức tăng 0,7%, tạm đứng tại mức giá 82.600 đồng/CP. Thanh khoản của ngành cũng không cải thiện với MBB và VPB có khối lượng khớp khoảng 2,9 triệu đơn vị, TCB khớp hơn 1 triệu đơn vị, còn lại đều dưới 1 triệu đơn vị.
Bên cạnh BID đảo chiều giảm, nhiều mã vốn hóa lớn cũng không mấy tích cực như MSN cũng quay đầu điều chỉnh nhẹ, VHM, VIC, CTG… đều giao dịch trong sắc đỏ, còn GAS lùi về mốc tham chiếu.
Cổ phiếu ROS tiếp tục giảm 1,7% xuống 25.500 đồng/CP với thanh khoản sụt giảm đáng kể gần 50%, với khối lượng khớp lệnh đạt gần 2,65 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn tỏa sáng. Cổ phiếu HSG vươn lên vị trí dẫn đầu thanh khoản với 3,54 triệu đơn vị được khớp lệnh và tạm đứng tại mức giá 7.300 đồng/CP, tăng 2,96%; tiếp đó HQC tăng trần với khối lượng khớp 3,38 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1,4 triệu đơn vị…
Cổ phiếu FTM đã có phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp lên mức 4.150 đồng/CP với giao dịch tích cực đạt 1,23 triệu đơn vị được khớp lệnh và dư mua trần gần 1,08 triệu đơn vị, trong khi bên bán vắng bóng.
Cổ phiếu DIC dù rung lắc nhưng cũng đã đảo chiều thanh công sau 2 phiên giảm sàn, với mức tăng 6,6% lên 1.940 đồng/CP. Khối lượng khớp lệnh của DIC đạt 635.690 đơn vị và dư mua trần 201.060 đơn vị.
Trên sàn HNX, thị trường rung lắc mạnh hơn, chỉ số HNX-Index liên tục lên xuống quanh mốc tham chiếu.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 42 mã tăng và 35 mã giảm, HNX-Index giảm 0,06 điểm (-0,05%), xuống 105,16 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 12,8 triệu đơn vị, giá trị 170,29 tỷ đồng, tăng 15,32% về lượng và 20,67% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 1,39 triệu đơn vị, giá trị 41,63 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 giao dịch khá phân hóa với 10 mã tăng và 11 mã giảm, trong đó, ACB giảm nhẹ % xuống 23.500 đồng/CP, VCS giảm 1,2% xuống 106.500 đồng/CP, BVS giảm 1,8% xuống 10.800 đồng/CP, SHS giảm 2,3% xuống đồng/CP…, SHB, PVI, PVS, VCG đều đứng giá tham chiếu.
Trái lại, DGC tăng 3% lên 27.500 đồng/CP, PVB nhích nhẹ 0,5% lên 19.100 đồng/CP, NTP tăng 2,6% lên 38.900 đồng/CP…
Đáng chú ý, cổ phiếu TNG đã có phiên giao dịch khởi sắc cùng thanh khoản tăng vọt. Với mức tăng 3,3%, cổ phiếu TNG chốt phiên sáng tại mức giá 18.600 đồng/CP và dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với gần 1,9 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Trên HNX, hàng loạt mã tí hon cũng khoe sắc tím như ART, PVX, DPS, ACM, HNM, BLF, PVL…
Trên UPCoM, sau ít phút đầu phiên le lói sắc xanh, thị trường đã quay đầu đi xuống.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,31 điểm (-0,54%), xuống 56,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 4,27 triệu đơn vị, giá trị 54,37 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,97 triệu đơn vị, giá trị 29,26 tỷ đồng.
Trong khi ACV giảm 0,8% xuống 75.600 đồng/CP, BCM giảm 0,6% xuống 30.700 đồng/CP…, VEA, QNS, GVR, OIL… đứng giá tham chiếu, thì VGI đảo chiều khởi sắc khi tăng 3,5% lên mức 32.900 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 271.700 đơn vị.
Dẫn đầu thanh khoản trên UPCoM là VIB với 674.900 đơn vị được giao dịch thành công và chốt phiên sáng, cổ phiếu này đứng giá tham chiếu. Tiếp theo đó là BSR với gần nửa triệu đơn vị được giao dịch và chốt phiên tăng nhẹ 1,09% lên 9.300 đồng/CP.