Thị trường càng tiến gần hơn với ngưỡng kháng cự mạnh 1.000 điểm thì diễn biến rung lắc càng mạnh hơn khi nhóm cổ phiếu lớn đã trải qua chuỗi ngày dài tăng nóng.
Theo thống kê, sau Tết Nguyên đán, có tới 26/30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HOSE đã tăng giá, điều này khiến giới phân tích nhận định áp lực bán chốt lời sẽ sớm xẩy ra và thị trường sẽ có những nhịp điều chỉnh.
Đặc biệt, trong phiên hôm qua 28/2, áp lực bán đã xuất hiện ngay khi mở cửa và đã mạnh dần lên khiến biên độ giảm ngày càng nới rộng hơn. Đáng kể, trong phiên chiều, lực bán ồ ạt của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài với tâm điểm tập trung chính là nhóm cổ phiếu bluechip đã đẩy thị trường giảm sâu.
Kết phiên hôm qua, chỉ số VN-Index lao dốc mạnh khi để mất tới gần 25 điểm, tương ứng giảm 2,5%, mức giảm sâu nhất trong hơn 4 tháng qua (kể từ phiên 11/10/2018 giảm tới hơn 48 điểm, tương ứng giảm 4,84%).
Mặc dù vậy, thị trường vẫn được nhìn nhận khá tích cực. Theo đánh giá của TVSI, đà giảm của thị trường có phần thái quá và cho cho rằng rủi ro giảm sâu không quá lo ngại. Đồng thời, công ty chứng khoán này dự báo diễn biến hồi phục sẽ sớm xuát hiện với sự hỗ trợ của nhóm vốn hóa lớn.
Không nằm ngoài kỳ vọng của giới phân tích, ngay sau phiên giảm mạnh hôm qua, thị trường đã nhanh chóng hồi phục và tiếp tục tiến bước trong phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 1/3. Sắc xanh lan rộng thị trường, với hầu hết các mã bluechip và vốn hóa lớn đều khởi sắc đã giúp VN-Index nhanh chóng có được mốc 975 điểm ngay khi mở cửa.
Tuy nhiên, đà tăng có phần thu hẹp khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục. Mặc dù nhóm VN30 vẫn chủ yếu đứng trên mốc tham chiếu nhưng đà tăng còn hạn chế, chưa có mã nào đóng vai trò trụ đỡ chính dẫn dắt thị trường khiến VN-Index biến động lình xình trên mốc 970 điểm.
Cổ phiếu VHM đang có những tín hiệu khởi sắc sau phiên lao dốc mạnh ngày hôm qua khi giảm tới 5,6% về sát mức giá sàn. Sau hơn 1 giờ giao dịch, VHM đã tăng 2,3% lên mức 89.500 đồng/CP.
Một trong những thông tin đáng chú ý tại Vinhomes là cuối giờ chiều qua, nhà đầu tư bất ngờ có được thông tin HĐQT Công ty đã thông qua đề nghị của ông Phạm Nhật Vượng về việc bầu bà Nguyễn Diệu Linh giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty thay thế ông, quyết định có hiệu lực từ ngày 28/2.
Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu thị trường, GTN tiếp tục dậy sóng nhờ lực cầu duy trì ở mức cao. Với phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp, hiện GTN tạm đứng tại mức 6,8% lên 15.000 đồng/CP và đang là mã giao dịch sôi động nhất thị trường, đạt gần 4,36 triệu đơn vị.
Dưới sự dẫn dắt của các cổ phiếu lớn, thị trường đã duy trì đà tăng khá tốt trong suốt cả phiên sáng.
Chốt phiên, sàn HOSE có 189 mã tăng, gấp hơn 2 lần số mã giảm (82 mã), chỉ số VN-Index tăng 8,68 điểm (+0,9%) lên 974,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 89,14 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.887,46 tỷ đồng, giảm 9,32% về lượng và 11,73% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt gần 10,9 triệu đơn vị, giá trị 270,67 tỷ đồng.
Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, hầu hết các mã đều khởi sắc như VIC tăng 1,1% lên 115.200 đồng/CP, VHM tăng 2,3% lên 89.500 đồng/CP, VNM tăng 0,6% lên 142.000 đồng/CP, VCB tăng % lên 61.600 đồng/CP, GAS tăng 0,9% lên 99.100 đồng/CP, SAB tăng 1,6% lên 243.900 đồng/CP, BID tăng nhẹ 0,3% lên 32.600 đồng/CP, TCB và MSN đứng giá tham chiếu.
Ngoại trừ duy nhất CTG điều chỉnh nhẹ 0,2% xuống 20.750 đồng/CP.
Bên cạnh đó, nhiều mã bluechip cũng hồi phục sau phiên giảm khá mạnh hôm qua như NVL tăng 1,4% lên 58.300 đồng/CP, MWG tăng 0,9% lên 87.600 đồng/CP, HPG tăng 1,5% lên 34.100 đồng/CP, VRE tăng 1,8% lên 33.600 đồng/CP…
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng giao dịch khởi sắc. Trong đó, GTN duy trì sắc tím và bảo toàn vị trí dẫn đầu thanh khoản với khối lượng khớp lệnh 4,48 triệu đơn vị, dư mua trần 550.820 đơn vị.
Ngoài ra, nhiều mã khác cũng được kéo kịch trần như FIT, DCL, NVT, HTL, TIE, UDC, HOT…
Trên sàn HNX, đà tăng cũng trở lại nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu bluechip.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,64 điểm (+0,61%) lên 106,5 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 16,79 triệu đơn vị, giá trị 210,56 tỷ đồng, giảm 39,17% về lượng và hơn 7% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có đóng góp thêm 1,62 triệu đơn vị, giá trị 29,25 tỷ đồng.
Các mã trong top 10 vốn hóa lớn nhất phần lớn cũng đều khởi sắc như ACB tăng 0,3% lên 29.800 đồng/CP, NTP tăng 1,6% lên 39.000 đồng/CP, PVI tăng 3,8% lên 35.100 đồng/CP, PVS tăng 2% lên 20.800 đồng/CP, SHB tăng 2,7% lên 7.600 đồng/CP, VCG tăng 1,5% lên 27.900 đồng/CP, VGC tăng 1,4% lên 21.000 đồng/CP, PHP tăng 4,7% lên 11.100 đồng/CP.
Trái lại, VCS giảm 0,9% xuống 66.400 đồng/CP, DGC giảm 0,9% xuống 42.600 đồng/CP.
Thanh khoản trên sàn giảm đáng kể và chỉ có 4 mã có khối lượng khớp đến hàng triệu đơn vị. Trong đó SHB dẫn đầu với gần 3,3 triệu đơn vị được khớp lệnh; tiếp đó là VGC khớp 1,6 triệu đơn vị, PVS khớp 1,4 triệu đơn vị và TNG khớp 1,16 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, dù có chút rung lắc đầu phiên nhưng sau đó thị trường đã nhanh chóng lấy lại đà tăng điểm.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,25 điểm (+0,45%) lên 55,38 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,98 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 80,84 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp gần 2 tỷ đồng.
Cổ phiếu VGI đã tạo đột biến trong phiên sáng nay. Sau gần nửa thời gian đứng dưới mốc tham chiếu, lực cầu tăng mạnh đã kéo VGI tăng vọt 14,7% và chốt phiên tại mức giá trần 21.900 đồng/CP. Thanh khoản cũng dẫn đầu thị trường với khối lượng giao dịch đạt 951.800 đơn vị.
Bên cạnh đó, nhiều mã lớn khác cũng khởi sắc, hỗ trợ cho đà tăng của thị trường như ACV, HVN, VEA, VTP. MSR…
Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là BSR đạt 586.300 đơn vị và chốt phiên tại mức 13.700 đồng/CP, giảm nhẹ 0,7%.