Phiên sáng 29/8: Nhà đầu tư khư khư giữ tiền, VN-Index chìm trong sắc đỏ

Phiên sáng 29/8: Nhà đầu tư khư khư giữ tiền, VN-Index chìm trong sắc đỏ

(ĐTCK) Sự thận trọng của nhà đầu tư khiến thị trường diễn biến khá ảm đạm và VN-Index chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch sáng nay (29/8). 

Trong phiên hôm qua, VN-Index vọt nhanh qua 980 điểm khi mở cửa, nhưng sự thận trọng khiến chỉ số hạ nhiệt, lùi về gần tham chiếu sau đó.

Kịch bản lặp lại khi bắt đầu giao dịch trở lại sau giờ nghỉ trưa. Theo đó, chỉ số nhanh chóng nới đà tăng, nhưng lực cầu thận trọng, trong khi lực cung giá cao luôn chực chờ và gia tăng trong đợt ATC đã khiến chỉ số đóng cửa chỉ có được sắc xanh nhạt.

Theo MBS thì về mặt kỹ thuật, khu vực phía trên là ngưỡng cản kỹ thuật Fibonacci 78,6% và đường MA20 ngày. Khu vực phía dưới là hỗ trợ gần xung quanh ngưỡng 970 điểm. 

Do vậy, các phiên tăng giảm trong khu vực này là bình thường, giảm bớt gánh nặng của lượng hàng T+.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay 29/8, sự thận trọng tiếp nối. Dòng tiền dè dặt vào thị trường, trong khi lực cung luôn sẵn sàng nhả đã khiến VN-Index rung lắc quanh tham chiếu trong biên độ hẹp, và tạm thời đang mất điểm nhẹ sau hơn 1 giờ giao dịch.

Mặc dù vậy, một số cổ phiếu nhóm cổ phiếu khu công nghiệp, cảng biển vẫn hút dòng tiền khá như KBC, ITA, VOS, DVP, TLD…trong đó, KBC đang dẫn đầu thanh khoản HOSE, còn VOS thì tăng kịch trần.

Một số cổ phiếu đơn lẻ khác cũng thu hút nhà đầu tư là KDC, DRH, khi tăng hết biên độ từ khá sớm và thanh khoản khá.

Trong khi đó, các mã trụ hụt hơi, đa số giảm, và gây áp lực đáng kể đang là VHM, BVH và HPG, khi mất trên dưới 1%.

Diễn biến khác đáng chú ý tại thị trường là liên quan tới vụ cháy nhà kho của RAL chiều tối qua tại phố Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Vụ cháy khiến khoảng 300 m2 nhà kho đổ sập, và phải đến gần 23h cùng ngày vụ cháy cơ bản được khống chế.

Ông Đặng Hồng Thái, Phó chủ tịch quận Thanh Xuân cho biết, may mắn là vụ cháy không gây thiệt hạ về người, nhưng phần lớn diện tích nhà kho cùng hàng hóa đã biến thành tro.

Sau sự cố trên, cổ phiếu RAL đã chịu ảnh hưởng ngay lập tức, khi mở cửa bị đẩy nhanh xuống mức giá sàn -6,9% xuống 81.900 đồng/cổ phiếu.

Không chỉ riêng RAL, một số cổ phiếu niêm yết sau mỗi lần bị hỏa hoạn tấn công cũng chịu những tác động tiêu cực sau đó về thị giá cổ phiếu hoặc kết quả kinh doanh, chẳng hạn như NBB, TCM, INN, TLT, BBC…

Càng giao dịch, thị trường càng đuối sức, VN-Index theo đó dần thoái lui và mất ngưỡng 975 điểm khi tạm nghỉ với thanh khoản sụt giảm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 103 mã tăng và 173 mã giảm, VN-Index giảm 2,67 điểm (-0,27%), xuống 974,59 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 64,9 triệu đơn vị, giá trị gần 1.295 tỷ đồng, giảm 2% về khối lượng và 8% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 4,27 triệu đơn vị, giá trị 121,4 tỷ đồng.

Thị trường chịu sức ép từ nhóm cổ phiếu bluechip, khi số mã giảm gia tăng, như rổ VN30 có 19 mã mang sắc đỏ. Trong đó, bộ 3 cổ phiếu Vingroup tạo gánh nặng khá lớn với VHM -1,3% xuống 85.700 đồng; VRE -1,2% xuống 34.300 đồng; VIC -0,2% xuống 121.800 đồng.

Bên cạnh đó phải kể đến như TCB -0,9% xuống 21.200 đồng; HPG -1,1% xuống 22.000 đồng; BVH -1,6% xuống 76.000 đồng; HDB -2,5% xuống 25.750 đồng; ROS vẫn là cổ phiếu giảm sâu nhất, mất 4,2% xuống 26.350 đồng, cùng hàng loạt các cổ phiếu giảm điểm VCB -0,3%; BID -0,3%; VJC -0,5%; VPB -0,8%, MBB -0,6%; POW -0,4%...

Các mã tăng nâng đỡ chỉ số không giảm sâu như VNM +1,3% lên 121.000 đồng; GAS +1% lên 101.000 đồng; BHN +1,6% lên 94.500 đồng; SAB +0,7% lên 274.000 đồng…

Thanh khoản lớn nhất kể trên phần lớn thuộc về các mã giảm như ROS với 3,65 triệu đơn vị khớp lệnh; HPG có 2,63 triệu đơn vị; MBB có 1,75 triệu đơn vị. Nhóm ngân hàng VPB, BID, HDB, có từ 0,5 triệu đến 1 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thị trường phân hóa mạnh. Trong đó, điểm sáng thuộc về KBC, khi +4,2% lên 16.150 đồng, khớp lệnh hơn 3,67 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HOSE.

Các cổ phiếu bất động sản, khu công nghiệp vừa và nhỏ khác theo sóng cũng tăng khá và hút dòng tiền như ITA, LDG, HDC, TLD, LCG, TDH, IJC…đáng kể là DRH và KDC còn tăng kịch trần, khớp lệnh từ 0,4 triệu đến 2,87 triệu đơn vị.

2 cổ phiếu cảng biển nổi bật là VOS lên 2.150 đồng, khi giữ sắc tím tại  và DVP +3,8% lên 46.000 đồng.

Ngược lại, 2 cổ phiếu HVH và DAH tiếp tục bị bán mạnh và đều giảm về mức giá sàn, khớp lệnh lần lượt có 0,86 triệu và 0,39 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index có nhịp tăng khá tốt khi mở cửa, nhưng sau đó rất nhanh cũng dần thu hẹp đà tăng và giằng co nhẹ quanh tham chiếu trong suốt thời gian còn lại của phiên.

Các cổ phiếu còn tăng lác đác có SHB +1,6% lên 6.400 đồng; PVI +0,9% lên 35.700 đồng; NVB +1,4% lên 7.200 đồng; TNG +0,6% lên 18.300 đồng. MBS là điểm sáng nhất, khi +6,7% lên 16.000 đồng, cùng sắc xang tại các mã nhỏ IDJ, LIG, BCC, SRA…

Hàng loạt mã chỉ có được mức tham chiếu khi kết phiên như ACB, PVS, VCS, CEO, SHS, hay các mã nhỏ VIG, MPT, HUT, SPI, PVX.

Giảm điểm đáng chú ý có VCG -0,8% xuống 26.200 đồng; NDN -0,5% xuống 18.900 đồng; VCR -4,1% xuống 23.200 đồng; VC3 -0,4% xuống 22.600 đồng.

Khớp lệnh cao nhất HNX là ACM với 0,98 triệu đơn vị, nhưng cổ phiếu này giảm sàn về 500 đồng/cổ phiếu. SHB có 0,71 triệu đơn vị; PVS cũng có 0,71 triệu đơn vị; TNG có 0,5 triệu đơn vị…

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 38 mã tăng và 48 mã giảm, HNX-Index tăng 0,07 điểm (+0,07%), lên 102,39 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 9 triệu đơn vị, giá trị 108,15 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,1 triệu đơn vị, giá trị 24,7 tỷ đồng.

Trên UpCoM, diễn biến tích cực chỉ có được trong nửa đầu phiên, sau đó cũng dần đi xuống với sự phân hóa ngày một rõ nét.

Theo đó, các cổ phiếu còn giữ được mức điểm tăng là LPB, BCM, SGP, GEG, ACV, BOT. Trong khi ngược lại, mất điểm có VGI, VGT, GVR, VEA, SIP, MPC, NTC…còn BSR, QNS, VIB đứng tại tham chiếu.

Đáng chú ý, KDF tăng mạnh 8,1% lên 33.500 đồng/cổ phiếu, sau khi có tin thông qua phương án mua lại 3 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, (tương đương 5,36% tổng số cổ phiếu đang lưu hành) nhằm bình ổn giá, với giá mua theo giá thị trường tại thời điểm giao dịch nhưng không vượt quá 40.000 đồng/cổ phiếu.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index đứng giá tham chiếu tại 57,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 7,54 triệu đơn vị, giá trị 135,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,14 triệu đơn vị, giá trị 21,1 tỷ đồng.

Tin bài liên quan