Mặc dù thị trường vẫn duy trì đà tăng điểm trong tuần vừa qua nhưng với việc tiếp cận vùng kháng cự mạnh 995-1.000 điểm khiến chỉ số trở nên rung lắc hơn. Điều này được minh chứng bởi thị trường đã trải qua những phiên tăng giảm đen xen nhau.
Chỉ còn vài ba phiên giao dịch nữa thị trường sẽ bước vào tháng ngâu, thường là thời điểm nhà đầu tư rất hạn chế giao dịch và là thời điểm thanh khoản rất thấp trong năm.
Tuy nhiên, ông Phạm Đức Hoàng, Phụ trách phân tích, Công ty Chứng khoán Agriseco cho rằng, hiện tượng tháng ngâu sẽ ảnh hưởng không lớn tới thị trường, mà điều đáng lo ngại hơn là quyết định của Fed, hay chỉ là một tin tốt đã được dự báo trước và tạp ra sự thỏa mãn trong thời gian qua.
Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần mới 29/7, một số mã bluechip đã giao dịch khởi sắc trở lại, giúp thị trường đảo chiều hồi phục sắc xanh sau phiên điều chỉnh hôm cuối tuần (26/7).
Dòng tiền tham gia khá yếu cùng diễn biến phân hóa chung của thị trường khiến chỉ số VN-Index nhanh chóng quay đầu đi xuống. Tuy nhiên, sắc đỏ đến cũng nhanh và đi cũng nhanh.
Ngay khi bị đẩy lùi về dưới mốc tham chiếu, thị trường đã bật ngược đi lên với sự trở lại khá tích cực của trụ đỡ VIC, giúp chỉ số VN-Index tiếp tục với thử thách 995 điểm.
Cụ thể, sau 5 phiên tăng liên tiếp và bị ngắt quãng ở phiên cuối tuần trước (26/7), VIC đã đảo chiều hồi phục trong phiên sáng nay. Sau khoảng 1 giờ giao dịch, VIC tăng 1,6% và tạm đứng tại mức giá 124.000 đồng/CP.
Tuy nhiên, với sự lẻ bóng của “đại gia” ngành bất động sản này, thị trường vẫn chưa thể thắng được mốc 995 điểm và VN-Index nhanh chóng bị đẩy lùi về sát mốc tham chiếu trước áp lực bán gia tăng, với gánh nặng chính đến từ một số bluechip như VNM, MSN, HPG…
Sau gần 2 giờ nỗ lực, thị trường đã không thể giữ nổi sắc xanh do áp lực bán gia tăng mạnh về cuối phiên, thậm chí chỉ số VN-index đã để mất luôn mốc 990 điểm.
Sàn HOSE chìm trong sắc đỏ với 203 mã giảm và chỉ 77 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 4,87 điểm (-0,49%) và chốt phiên sáng tại mức 988,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 76,52 triệu đơn vị, giá trị 1.705,59 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,75% về khối lượng và đạt xấp xỉ về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (26/7). Giao dịch thỏa thuận đóng góp 15,14 triệu đơn vị, giá trị 348,93 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chỉ còn 6 mã tăng và có tới 21 mã giảm. Trong đó, VIC đã hạ nhiệt và chỉ còn nhích nhẹ cùng với VJC, SAB, SBT, DPM, đáng kể GAS sau khi rung lắc đã giao dịch khởi sắc khi tăng 1,5% và chốt phiên tại mức giá 109.500 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, sau thời gian ngắn đầu phiên le lói sắc xanh cũng đã lần lượt quay đầu với các mã VCB, STB, VPB, HDB đều giảm nhẹ, còn CTG và BID cùng giảm trên 1%.
Bên cạnh đó, thị trường còn chịu thêm gánh nặng từ một số trụ cột lớn như VNM giảm 1,1% xuống 123.100 đồng/CP, VHM giảm 0,7% xuống 86.900 đồng/CP, MSN giảm 0,9% xuống 80.200 đồng/CP, HPG giảm 2,9% xuống 21.900 đồng/CP, MWG giảm 2,2% xuống 104.300 đồng/CP, BVH giảm 1,1% xuống 84.500 đồng/CP, PLX giảm 1,8% xuống 64.600 đồng/CP…
Cổ phiếu ngân hàng STB dẫn đầu thanh khoản thị trường với 4,29 triệu đơn vị được khớp lệnh và chốt phiên giảm 1,79% xuống 10.950 đồng/CP. Tiếp theo đó, HPG khớp 3,86 triệu đơn vị, MBB khớp 2,91 triệu đơn vị, AAA khớp hơn 2 triệu đơn vị, còn lại các mã khớp mạnh chỉ hơn 1 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các mã cũng chìm trong sắc đỏ như AAA giảm 2,1% xuống 18.300 đồng/CP, PVD giảm 8,1% xuống 16.950 đồng/CP, HBC giảm 1,74% xuống 14.100 đồng/CP, HQC, Asm, HAG, SCR, DLG, HAI…
Trên sàn HNX, sau thời gian ngắn đầu phiên giằng co nhẹ, áp lực bán gia tăng cũng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ.
Chốt phiên sáng, với 60 mã giảm và chỉ 37 mã tăng, chỉ số HNX-Index giảm 1,17 điểm (-1,1%) xuống mức giá thấp nhất 105,23 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 12,91 triệu đơn vị, giá trị hơn 166 tỷ đồng, giảm 13,24% về lượng nhưng tăng nhẹ 2,23% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (26/7). Giao dịch thỏa thuận đạt 2,1 triệu đơn vị, giá trị hơn 21 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 cũng chỉ có 6 mã tăng nhẹ là DGC, DHT, DTD, MAS và TVC, còn lại hầu hết đều giảm.
Đáng kể, một số mã lớn giảm khá mạnh như ACB giảm 1,3% xuống 23.100 đồng/CP, VCS giảm 3,1% xuống 74.800 đồng/CP, SHB giảm 2,9% xuống 6.700 đồng/CP, PVS giảm 2,6% xuống 22.100 đồng/CP, PVI giảm 2,2% xuống 36.300 đồng/CP, PVB giảm 1% xuống 20.500 đồng/CP, VCG giảm 0,8% xuống 25.900 đồng/CP, CEO giảm 2,9% xuống 10.200 đồng/CP…
Trong đó, PVS dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với 2,25 triệu đơn vị được khớp lệnh. Tiếp theo đó, KLF khớp 1,99 triệu đơn vị, CEO khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Trái lại, trên UPCoM, sau gần 1 giờ giăng co và liên tục đổi sắc, UPCoM-Index đã hồi phục.
Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (+0,34%) lên 59,01 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 5,75 triệu đơn vị, giá trị 131,84 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,96 triệu đơn vị, giá trị 56,35 tỷ đồng.
Sau phiên đảo chiều ngày cuối tuần 27/6, cổ phiếu GVR đã hồi phục trở lại khi tăng 1,4% và tạm đứng tại mức giá 14.800 đồng/CP trong phiên sáng nay. Đây cũng là cổ phiếu giao dịch sôi động nhất với 835.200 đơn vị được giao dịch thành công.
Bên cạnh đó, cổ phiếu lớn ACV cũng khởi sắc khi tăng 1,1% lên mức 82.900 đồng/CP.
Trái lại, VEA sau 6 phiên liên tiếp tăng giá đã quay đầu điều chỉnh do áp lực bán gia tăng, với mức giảm 2,2% xuống 63.100 đồng/CP.