Trong phiên cuối tuần trước, dù có nhiều thời điểm rung lắc, nhưng với sự tích cực của dòng tiền, nhất là cuối phiên chiều, thị trường vẫn giữ được sắc xanh với tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn đạt hơn 5.000 tỷ đồng.
Tâm lý tích cực tiếp tục duy trì khi thị trường bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới khi dòng tiền chảy mạnh khi ngay từ đầu phiên, kéo cả trăm mã tăng giá. VN-Index nhảy vọt qua ngưỡng 745 điểm, lên gần mốc 750 điểm. Tuy nhiên, lực cung tại ngưỡng kháng cự này khá mạnh, khiến VN-Index thoái lui nhẹ trở lại.
Dù lực bán cũng khsa mạnh, nhưng dòng tiền vẫn rất mạnh dạn, giúp VN-Index một lần nửa muốn thử sức với ngưỡng 750 điểm với sắc xanh tràn ngập bảng điện tử.
Trong phiên sáng nay, BHS tiếp tục tăng lên mức trần 22.950 đồng với 2,5 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 0,6 triệu đơn vị sau khi phương án sáp nhập với SBT với tỷ lệ hoán đổi 1 cổ phiếu BHS đổi 1,02 cổ phiếu SBT được cả 2 công ty thông qua. Hiện thị giá của SBT vẫn đang ở mức 29.450 đồng, vẫn cao hơn 28,3% so với mức giá trần của BHS hiện tại. Nếu cả 2 cùng duy trì mức tăng như hiện nay, thì dù BHS tăng trần tới 4 phiên nữa, nhà đầu tư nắm giữ BHS vẫn có lợi.
Ngoài BHS, thị trường sáng nay cũng chứng kiến nhiều mã khác tăng trần với sức mua lớn, như HSG tăng lên 31.850 đồng với 5,65 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần gần 0,9 triệu đơn vị. Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 55% và phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ 20% của HSG. Do đó, giá tham chiếu của HSG hôm nay được điều chỉnh từ 52.100 đồng về 29.775 đồng.
Ngoài ra, còn phải kể đến FIT khi tăng trần lên 5.480 đồng với 6,58 triệu đơn vị được khớp, dư mua giá trần 0,4 triệu đơn vị; KSA tăng trần lên 2.150 đồng với 3,9 triệu đơn vị được khớp, dư mua giá trần hơn 0,64 triệu đơn vị. Sắc tím cũng xuất hiện ở nhiều mã khác như PPI, HID, TNT, ADM, VOS, TSC, DTA, KSH, UDC, LBM, CCI…
Trong khi đó, NVT sau chuỗi ngày tăng nóng (12 phiên tăng trần liên tiếp và 14 phiên tăng trần trong 15 phiên giao dịch, từ mức giá 2.080 đồng, lên 4.970 đồng, tăng 138,94%), đã đảo chiều về mức sàn 4.630 đồng với 4,5 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn 0,85 triệu đơn vị.
Trên HNX, diễn biến của HNX-Index cũng tương tự VN-Index khi chỉ số này cũng đang muốn chinh phục ngưỡng 94,5 điểm.
Đà tăng của các mã lớn như ACB, VCG, CEO, VGC, nhóm chứng khoán chính là lực đỡ chính giúp HNX-Index tăng tốt sáng nay.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 3,54 điểm (+0,48%), lên 746,95 điểm với 141 mã tăng và 102 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 145,6 triệu đơn vị, giá trị 2.623,83 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 5,7 triệu đơn vị, giá trị 134 tỷ đồng.
HNX-Index tăng 0,66 điểm (+0,70%), lên 94,34 điểm với 79 mã tăng và 71 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 35 triệu đơn vị, giá trị 389,94 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,15 triệu đơn vị, giá trị 427 tỷ đồng, trong đó đáng chú ý là giao dịch sang tay 8,37 triệu cổ phiếu HHC, giá trị 424,2 tỷ đồng.
Diễn biến giao dịch tại HNF và HHC trong thời gian qua luôn gây chú ý với nhà đầu tư sau khi Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) thoái vốn. Tại HHC, Vinataba đã thoái toán bộ gần 8,38 triệu cổ phiếu, tương đương 51% vốn cổ phần HHC. Gần như số cổ phiếu này (gần 8,37 triệu cổ phiếu) được bà Nguyễn Thị Duyên mua, tương đương 50,97%, nhưng bà Duyên không chào mua công khai. Vì lỗi này, bà Duyên đã bị UBCK xử phạt vi phạm hành chính 125 triệu đồng.
Tuy nhiên, cũng rất nhanh chóng, bà Duyên đã bán ra toàn bộ lượng cổ phiếu HHC này thông qua 2 đợt vào ngày 7/4 và 11/4. Theo thống kê giao dịch, lượng cổ phiếu này có thể đã được chuyển qua tay của 3 nhà đầu tư cá nhân khác là ông Nguyễn Văn Bắc, bà Trần Thị Thu Trang, bà Lê Bích Thực.
Nay toàn bộ số lượng HHC này lại tiếp tục được sang tay và người mua, cũng như người bán vẫn chưa được tiết lộ. Bởi theo thông tin công bố trên HNX, không có nhà đầu tư nào chào mua công khai cổ phiếu HHC. Nếu lượng cổ phiếu này được 1 nhà đầu tư mua, nhiều khả năng sẽ giống trường hợp bà Duyên là sẽ bị UBCK xử phạt.
Kết thúc phiên sáng nay, HHC đứng ở mức tham chiếu 50.000 đồng với chỉ 29.600 đơn vị được khớp.
Trên HNX, mã có thanh khoản tốt nhất là SHB với 5,88 triệu đơn vị và đứng ở tham chiếu 7.000 đồng. Tiếp đó là VCG tăng 4,92%, lên 19.200 đồng với 3,21 triệu đơn vị; SHS khớp hơn 2 triệu đơn vị và đứng ở tham chiếu; ACB khớp 1,77 triệu đơn vị, tăng 1,6%, lên 25.400 đồng.
Trên HOSE, mã có thanh khoản tốt nhất là HQC với 9,76 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 2,25%, xuống 3.480 đồng. Tiếp đó là OGC với 8,6 triệu đơn vị, tăng 4,32%, lên 1.450 đồng; SCR với 6,72 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,49%, lên 12.800 đồng…
Trong nhóm ngân hàng, CTG đã thay thế BID để dẫn dắt đã tăng của nhóm khi đóng cửa tăng 4,76%, lên 19.800 đồng với 4,29 triệu đơn vị. Trong khi đó, BID lại giảm nhẹ 1 bước giá, MBB đứng tham chiếu.
Nhóm dầu khí cũng lấy lại đà tăng sau phiên giảm cuối tuần trước do ảnh hưởng của giá dầu lao dốc, ngoại trừ PVD đang giảm nhẹ; nhóm bia cũng tăng trở lại. Tuy nhiên, việc VN-Index không chinh phục được mốc 750 điểm do VNM đảo chiều giảm nhẹ 0,5%, BVH giảm 0,67%, VIC giảm 0,74%.
Trên UPCoM, chỉ số sàn này cũng tăng vọt đầu phiên, nhưng nhanh chóng hạ nhiệt, về sát tham chiếu, trước khi bật nhẹ trở lại, đóng cửa ở mức 57,94 điểm, tăng 0,31 điểm (+0,53%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 4,75 triệu đơn vị, giá trị 62,53 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận diễn ra khá ảm đạm.
Việc UPCoM-Index hạ nhiệt do DVN không còn giữ được mức trần khi đóng cửa ở mức 30.000 đồng, tăng 5,63% với gần 1 triệu đơn vị được chuyển nhượng, đứng sau TOP (1,28 triệu đơn vị và đóng cửa ở mức trần 1.800 đồng).