Thị trường đang bước vào những phiên cuối cùng của tháng 10, tháng giảm sâu của các chỉ số. Trong đó, riêng VN-Index đã để mất tới gần 120 điểm và lùi về ngưỡng 900 điểm khi đóng cửa phiên cuối tuần qua (ngày 26/10), tuy nhiên có thời điểm chỉ số này test lại mốc đáy cũ 890 điểm đã lập từ hồi đầu tháng 7.
Mặc dù các số liệu tăng trưởng kinh tế khá tốt nhưng theo phân tích, số liệu thống kê từ các ngành được coi là mũi nhọn của Việt nam như thủy sản, dệt may, du lịch, dịch vụ đều giảm sút. Ngoài ra, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ còn lan rộng và khó đánh giá mức độ ảnh hưởng.
Theo nhận định của ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS), các áp lực bán ra có thể tiếp tục được tăng cường trong tuần tới và không loại trừ chỉ số VN-Index sẽ lùi sâu hơn khỏi vùng hỗ trợ chính 880. Tuy nhiên, thị trường sẽ nhận lực cầu mạnh trở lại nếu chỉ số VN-Index xuống hơn 20 điểm nữa vào tuần sau.
Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần 29/10, áp lực bán vẫn duy trì khá cao khiến thị trường tiếp tục chìm trong sắc đỏ. Trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip gia tăng gánh nặng khiến VN-Index nhanh chóng bị đẩy về mức 890 điểm.
Cũng giống phiên giao dịch trước, ngay khi gặp vùng đáy cũ này, lực cầu đã được kích hoạt giúp nhiều mã đảo chiều đi lên. Tuy nhiên, lực đỡ khá yếu, chỉ một số mã lớn khởi sắc xanh như SAB, GMD, BMP, VRE, khiến VN-Index chỉ thu hẹp đà giảm chút ít.
Thị trường đang giao dịch khá ảm đạm khi dòng tiền chủ yếu đứng ngoài quan sát. Thanh khoản thị trường giảm sút đáng kể. Sau gần 2 giờ giao dịch, tổng giá trị trên sàn HOSE chưa đạt tới 1.000 tỷ đồng.
Trong khi VN-Index đang thử thách tại vùng 890 điểm thì HNX-Index có phần tích cực hơn với sắc xanh le lói. Sau gần 1 giờ đi xuống, sàn HNX đã đảo chiều hồi phục nhờ sự hồi phục của một số cổ phiếu lớn như SHB, VGC, PVS, HUT…
Trong khi lực cầu tỏ ra khá yếu thì lực bán thường trực tiếp tục khiến thị trường giao dịch trong sắc đỏ, cả 3 sàn đều chốt phiên sáng dưới mốc tham chiếu.
Cụ thể, sàn HOSE có 154 mã giảm và 91 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 7,62 điểm (-0,85%) xuống 893,2 điểm. Thanh khoản tiếp tục sụt giảm với tổng khối lượng giao dịch đạt 69,38 triệu đơn vị, giá trị 1.468,1 tỷ đồng, giảm 13,6% về lượng và gần 10% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 26/10.
Giao dịch thỏa thuận đã đóng góp 16,81 triệu đơn vị, giá trị 337,65 tỷ đồng, trong đó đáng kể TCB thỏa thuận 6,67 triệu đơn vị, giá trị gần 180 tỷ đồng; KBC thỏa thuận 4,96 triệu đơn vị, giá trị hơn 57 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, mặc dù sắc xanh chiếm giữ trong phần lớn thời gian giao dịch nhưng lực bán khá lớn về cuối phiên khiến thị trường rung lắc và trở lại trong sắc đỏ.
Chốt phiên, sàn HNX có 61 mã giảm và 37 mã tăng, chỉ số HNX-Index giảm 0,03 điểm (-0,03%) xuống 101,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 15,61 triệu đơn vị, giá trị 207,21 tỷ đồng, giảm 14,14% về lượng và 4,15% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể chưa tới 1,4 tỷ đồng.
Tương tự, UPCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,07%) xuống 51,09 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 5,76 triệu đơn vị, giá trị 95,24 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,34 triệu đơn vị, giá trị 148,47 tỷ đồng. Trong đó, MPC thỏa thuận 3,55 triệu đơn vị, giá trị 136,28 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng dù giữa phiên có những tín hiệu hồi nhẹ nhưng lực bán khiến hầu hết các mã này chưa thoát khỏi đà giảm với VCB, CTG, TCB, STB, HDB giảm trên dưới 1%, đáng kể BID và VPB giảm hơn 2%.
Đáng kể, một số mã nằm trong top 10 mã có vốn hóa lớn giảm khá sâu như VNM giảm 1,2% xuống 120.000 đồng/CP, GAS giảm 2,8% xuống 99.000 đồng/CP, VHM giảm 4,6% xuống 62.000 đồng/CP, MSN giảm 0,7% xuống 76.000 đồng/CP.
Tâm điểm đáng chú ý là nhóm cổ phiếu bất động sản. Bên cạnh ông lớn ngành VIC đảo chiều tăng 1% lên 97.400 đồng/CP và “người anh em” VRE tăng 2,3% lên 35.800 đồng/CP, nhiều mã vừa và nhỏ khác cũng khởi sắc như ITA, FLC, SCR, ITD, NTL…
Trong đó, 2 mã ITA và FLC dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE với khối lượng khớp gần 3 triệu đơn vị và 2,38 triệu đơn vị, cả 2 chốt phiên đều tăng trên dưới 3,5%.
Trên sàn HNX, trong top 10 mã vốn hóa lớn nhất có VCS giảm 1,2% xuống 73.000 đồng/CP, VCG giảm 0,5% xuống 18.500 đồng/CP, PVI giảm 0,9% xuống 31.700 đồng/CP, ACB giảm 0,4% xuống 28.200 đồng/CP, còn SHS, NTP đứng giá tham chiếu.
Trái lại, DGC tăng % lên 44.100 đồng/CP, PVS tăng 1,6% lên 19.100 đồng/CP, VGC tăng 0,7% lên 15.100 đồng/CP, PHP tăng 0,9% lên 11.300 đồng/CP, là lực đỡ giúp thị trường không giảm quá sâu.
Thanh khoản trên sàn HNX cũng khá thấp. 3 mã dẫn đầu bảng là SHB, PVS và ACB có khối lượng khớp trên 2 triệu đơn vị, còn lại các mã đều chưa tới 1 triệu đơn vị.
Tương tự, trên sàn UPCoM, dẫn đầu thanh khoản là CMV với 2,84 triệu đơn vị được giao dịch và chốt phiên sáng tại mức giá tham chiếu 14.300 đồng/CP; BSR giao dịch hơn nửa triệu đơn vị, còn lại đều khá thấp chưa tới 300.000 đơn vị.
Cũng như sàn niêm yết, nhiều mã lớn đã giao dịch trong sắc đỏ như BSR, VGT, DVN, VEA, QNS, ACV… hay đứng giá tham chiếu như IOL, HVN…