Dù lực đỡ từ nhóm cổ phiếu ngân hàng đã suy yếu nhưng trong bối cảnh dòng tiền ít, thị trường vẫn được tiếp sức bởi những mã lớn khác để tiến bước. Trong phiên đầu tuần ngày 28/1, cổ phiếu VHM sau hơn một tuần giao dịch kém khởi sắc đã đảo chiều bật cao, là trụ đỡ chính dẫn dắt VN-Index vượt qua ngưỡng kháng cự 910 điểm.
Tuy nhiên, với tâm lý kỳ nghỉ Tết kéo dài đang cận kề, hầu hết giới phân tích vẫn đưa ra dự báo VN-Index sẽ tiếp tục biến động theo hướng đi ngang trong biên độ hẹp kèm theo sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu.
Bước vào phiên giao dịch 29/1, sắc xanh nhạt vẫn được cầm cự khi mở cửa giao dịch với sự hỗ trợ chính của nhóm cổ phiếu bluechip.
Sang đợt khớp lệnh liên tục, áp lực bán dần gia tăng và tập trung vào nhóm cổ phiếu VN30 khiến thị trường dần quay đầu và lùi về dưới mốc tham chiếu. Sắc đỏ ngày càng lan rộng hơn trước lực bán dâng cao trong khi dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài quan sát khiến VN-Index nhanh chóng để mất mốc 910 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có mã giảm và chỉ mã tăng, chỉ số VN-index giảm 2,72 điểm (-0,3%) xuống 909,46 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 51,28 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.088,61 tỷ đồng, giảm 20,94% về lượng nhưng tăng 11,46% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 4,9 triệu đơn vị, giá trị 224,31 tỷ đồng, trong đó riêng VIC thỏa thuận 1 triệu đơn vị, giá trị 104 tỷ đồng.
Tương tự, áp lực bán tiếp tục khiến sàn HNX có thêm một phiên giảm điểm.
Chốt phiên, sàn HNX có 45 mã giảm và 27 mã tăng, chỉ số HNX-Index giảm 0,38 điểm (-0,37%) xuống 101,94 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 10,59 triệu đơn vị, giá trị 148,55 tỷ đồng, giảm 26,86% về lượng và 17,83% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,14 triệu đơn vị, giá trị 14,72 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chỉ còn 6 mã tăng, trong đó CTG vẫn là điểm sáng của dòng bank khi duy trì đà tăng nhẹ 0,5% và chốt phiên tại mức giá 20.450 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 2,89 triệu đơn vị, khối ngoại mua ròng 0,58 triệu đơn vị. Ngoài ra CII, DHG, MSN, VPB cũng chỉ nhích nhẹ trên mốc tham chiếu.
Trong khi đó có tới 23 mã giảm, đáng kể GAS giảm 1,7% xuống 88.000 đồng/CP, ROS giảm 5,8% xuống 31.950 đồng/CP, SAB giảm 0,6% xuống 231.500 đồng/CP, VJC giảm gần 1% xuống 121.300 đồng/CP, VNM, VIC, CTD sau phiên khởi sắc hôm qua cũng đã quay trở lại với sắc đỏ với mức giảm 0,4% xuống 136.400 đồng/CP.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn không có thêm tín hiệu tích cực khi chỉ có CTG và VPB tăng nhẹ, còn lại vẫn chưa thoát khỏi đà giảm sau phiên đảo chiều ngày hôm qua.
Điểm tựa chính của thị trường trong phiên hôm qua là VHM dần đuối sức, thậm chí có thời điểm rung lắc và đảo chiều. Chốt phiên, VHM chỉ tăng nhẹ 0,2% lên 80.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 73.020 đơn vị.
Trái với diễn biến lình xình giằng co ở nhóm cổ phiếu bluechip, cổ phiếu POW đã có phiên giao dịch tích cực nhất kể từ ngày chào sàn HOSE (ngày 14/1) nhờ lực cầu nội và ngoại tăng mạnh. Tạm chốt phiên sáng, POW tăng 2,9% lên mức giá cao nhất từ ngày niêm yết 16.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt hơn 3 triệu đơn vị, khối ngoại mua ròng 1,62 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sau phiên giao dịch sôi động hôm qua, DLG đã trở lại trạng thái giằng co với giao dịch nhúc nhắc. Hiện DLG giảm 1,5% xuống 1.280 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 655.110 đơn vị.
Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu bluechip cũng giao dịch thiếu tích cực. Trong đó, ACB giảm 0,7% xuống 28.700 đồng/CP, DGC giảm 1,2% xuống 40.500 đồng/CP, PVI giảm 0,3% xuống 32.900 đồng/CP, PVS giảm 0,5% xuống18.500 đồng/CP, VCS giảm 0,5% xuống 62.000 đồng/CP…
Trái lại, cặp đôi lớn nhóm bất động sản là VCG và VGC đều khởi sắc. Trong đó, VCG có phiên tăng thứ 6 liên tiếp với mức tăng nhẹ 0,8% lên 25.300 đồng/CP; còn VGC đảo chiều sau 3 phiên giao dịch thiếu tích cực với mức tăng 2,1% lên 19.500 đồng/CP.
Chỉ có 5 mã trên sàn HNX có khối lượng khớp lệnh từ 1-1,1 triệu đơn vị gồm PVS, VCG, SHB, VGC và ART.
Trên UPCoM, diễn biến khá giằng co và cũng chốt phiên trong sắc đỏ, tuy nhiên thanh khoản có phần sôi động hơn.
Cụ thể, UPCoM-Index giảm 0,06 điểm (-0,12%) xuống 53,95 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 11,52 triệu đơn vị, giá trị 374,23 tỷ đồng, gấp gần 4 lần về lượng và gần 6 lần về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 4,77 triệu đơn vị, giá trị 101,79 tỷ đồng, trong đó HEM thỏa thuận hơn 3 triệu đơn vị, giá trị 74,63 tỷ đồng.
Đột biến của thị trường trong phiên sáng nay là VLB khi cổ phiếu này bất ngờ được kéo lên kịch trần với mức tăng 14,8%, chốt phiên tại mức giá 36.500 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 8,78 triệu đơn vị.
Được biết, trước đó, Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai – Một thành viên Công ty TNHH – người có liên quan đến Huỳnh Huy Anh Thư, Thành viên Ban kiểm soát CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu Xây dựng Biên Hòa đã đăng ký bán gần 8,65 triệu cổ phiếu VLB theo phương thức khớp lệnh. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 2/1 đến ngày 31/1. Rất có thể, tổ chức này đã hoàn tất thương vụ trên trong phiên sáng nay.