Dù áp lực bán không diễn ra ồ ạt nhưng lực cầu suy yếu cùng sức ép đến từ một số mã lớn khiến thị trường liên tiếp giảm điểm trong 3 phiên đầu tuần với biên độ giảm không quá sâu.
Bên cạnh dòng tiền trong nước thận trọng quan sát, nhà đầu tư nước ngoài cũng có những phiên giao dịch thiếu tích cực khi liên tiếp thực hiện bán ròng. Trong phiên hôm qua, khối này đã bán ròng kỷ lục nhất trong năm nay trên sàn HNX với giá trị lên tới gần 240 tỷ đồng, qua đó đưa tổng giá trị bán ròng cả phiên lên gần 180 tỷ đồng, tăng gấp hơn 5 lần so với phiên trước đó.
Hiện thị trường đang ở vùng trũng thông tin và nhà đầu tư vẫn chờ đón con sóng kết quả kinh doanh quý III, vì vậy, hầu hết các công ty chứng khoán đều nhận định VN-Index sẽ tiếp tục biến động theo chiều ngang và chưa có dấu hiệu nào giúp định hướng cho xu hướng sắp tới.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, thị trường vẫn duy trì đà giảm nhẹ khi mở cửa. Tuy nhiên, VN-Index nhanh chóng đảo chiều hồi phục nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu bluechip.
Cùng với sự khởi sắc của cặp đôi SAB và ROS, nhiều mã lớn khác cũng đảo chiều tăng điểm như MSN, MWG, VJC, BHN…, đã tiếp sức giúp VN-Index vượt qua mốc 805 điểm khi sang đợt khớp lệnh liên tục.
Trong đó, SAB sau 3 phiên tạo gánh nặng cho thị trường đã tăng tích cực trong phiên sáng nay với biên độ 1,9%, dù giao dịch vẫn còn hạn chế với lượng khớp nhỏ giọt. “Người bạn đồng hành” ROS cũng hồi phục sau 3 phiên lao dốc với mức tăng nhẹ 0,6% và đã khớp 1,5 triệu đơn vị.
Hòa cùng đà tăng mạnh của SAB, người anh cả VNM cũng hồi phục sau nhịp rung lắc nhẹ đầu phiên và sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng, đã kéo VN-Index tăng vọt và tiến sát mốc 810 điểm.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 5,51 điểm (+0,69%) lên 809,28 điểm, tuy nhiên thanh khoản vẫn chưa cải thiện với tổng khối lượng giao dịch đạt 92,69 triệu đơn vị, giá trị 1.868,86 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 23,29 triệu đơn vị, giá trị 346,72 tỷ đồng, riêng STB thỏa thuận 15,56 triệu đơn vị, giá trị 203,9 tỷ đồng.
Không chỉ tạo ấn tượng bởi thỏa thuận lượng khủng, cổ phiếu STB đã đảo chiều tăng mạnh nhờ lực cầu hấp thụ tốt. Với mức tăng 4,49%, STB tạm chốt tại mức giá 12.800 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 4,15 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu khác trong nhóm ngân hàng cũng có diễn biến khá tích cực như VCB thực hiện điều chỉnh giá tham chiếu để chuẩn bị trả cổ tức và đã tăng 1,4% trong phiên sáng nay, BID tăng 1%, VPB tăng 0,8%; còn MBB và CTG đang đứng ở mức giá tham chiếu.
Đáng chú ý, sau 3 phiên liên tiếp là tội đồ chính khiến thị trường mất điểm, cổ phiếu lớn SAB đã hồi phục mạnh với mức tăng 5% và chốt phiên sáng tại mức giá cao nhất 267.800 đồng/CP, với lượng khớp lệnh chỉ 3.780 đơn vị.
“Người anh em” BHN cũng có màn bứt phá ngoạn mục sau nhịp điều chỉnh nhẹ đầu phiên. Chốt phiên, BHN tăng hết biên độ 7% lên mức giá trần 116.600 đồng/CP nhưng giao dịch cũng khá thấp với 17.320 đơn vị được chuyển nhượng.
Ngoài ra, hàng loạt mã lớn khác như VIC, GAS, MSN, ROS, VJC… tiếp tục duy trì sắc xanh, cùng “ông lớn” VNM đảo chiều với mức tăng nhẹ 0,2%, đã góp phần tích cực giúp thị trường leo cao.
Mặc dù chỉ số chung giao dịch khởi sắc nhờ sự nâng đỡ của các cổ phiếu lớn, nhưng thanh khoản thị trường vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Trong phiên sáng nay, FIT tiếp tục dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE với chỉ 4,64 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công và cổ phiếu này tiếp tục giảm 4,49%, thủng mệnh giá xuống mức 9.790 đồng/CP.
Trên sàn HNX có phần kém tích cực hơn. Sau những nhịp rung lắc và liên tục đổi sắc, thị trường đã hồi phục và diễn biến lình xình đi ngang đến hết phiên giao dịch.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,13 điểm (+0,12%) lên 107,65 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 37,18 triệu đơn vị, giá trị 334,94 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,95 triệu đơn vị, giá trị 175,5 tỷ đồng, trong đó NTP tiếp tục thỏa thuận lớn với hơn 1,4 triệu đơn vị, giá trị 103,83 tỷ đồng.
Cổ phiếu ACB hỗ trợ tốt giúp thị trường lấy lại sắc xanh, với mức tăng 1% và chốt phiên tại 30.400 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh 521.000 đơn vị.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu dầu khí như PVS, PGS, PVB, PVI… cùng các mã lớn như NTP, VCS, BVS, LAS… cũng khởi sắc.
Cổ phiếu KLF đã thoát sắc xanh mắt mèo sau 3 phiên liên tiếp giảm sàn nhờ lực cầu hấp thụ gia tăng, tuy nhiên cổ phiếu này vẫn giảm mạnh 6,5% và chốt phiên tại mức giá 4.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường đạt 17,13 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, sau hơn 2 giờ tăng điểm, áp lực bán gia tăng về cuối phiên trong khi lực cầu khá thấp khiến thị trường quay đầu đi xuống.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,03 điểm (-0,06%) xuống 54,15 điểm với tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 2,13 triệu đơn vị, giá trị 37,33 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 365.195 đơn vị, giá trị 14,67 tỷ đồng.
Các mã lớn như GEX, DVN, HVN, VOC, MCH, MSR… đều giảm điểm.
“Tân binh” KDF biến động khá mạnh trong phiên sáng nay. Sau khi mở cửa tăng trần, KDF đã lao dốc về dưới mốc tham chiếu, tuy nhiên cổ phiếu này đã hồi phục về cuối phiên với mức tăng 1,7% và khối lượng giao dịch dẫn đầu sàn UPCoM đạt 749.700 đơn vị.
Trong khi đó, SWC lùi về vị trí thứ 2 với khối lượng giao dịch đạt 321.200 đơn vị và chốt phiên tại mức giá 13.800 đồng/CP, giảm 0,72%.