Phiên cuối tuần trước, chứng khoán toàn cầu đồng loạt tăng điểm, trong đó phố Wall thiết lập đỉnh cao mới. Trong phiên sáng nay, đa số các thị trường chứng khoán châu Á cũng có sắc xanh và với việc ngành chứng khoán Việt Nam kỷ niệm tròn tuổi 20, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ có phiên khởi sắc để chào mừng tuổi mới. Tuy nhiên, ngay khi bước vào phiên giao dịch đầu sáng nay, lực bán đã ồ ạt được tung ra, khiến thị trường giảm ngay khi mở cửa.
Đà giảm mỗi lúc một nới rộng hơn khi lực bán diễn ra trên diện rộng ở hầu khắp các mã, trong đó cung ngoại đóng vai trò khá lớn. Không chỉ dừng lại ở VNM, nhà đầu tư nước ngoài đã đẩy mạnh bán ra ở hàng loạt mã khác, từ bluechip cho tới cổ phiếu vừa và nhỏ, kéo 173 mã giảm giá, đẩy VN-Index xuống dưới ngưỡng 670 điểm.
VNM là đối tượng chính bị khối ngoại ép trong nhiều phiên vừa qua và tiếp tục diễn ra trong phiên sáng nay. Ngoài VNM, khối ngoại cũng bán mạnh VIC, BVH, PVD, STB, SBT, VCB, thậm chí các mã nhỏ như DLG, HQC, FLC cũng bị khối này bán ra mạnh.
Trong nhóm bluechip, sắc xanh le lói chỉ còn xuất hiện ở một vài mã như DPM, GMD, MWG, còn lại đều chìm trong sắc đỏ.
Lực cầu bắt đáy cũng nhúc nhắc gia tăng, nhưng không thể lại với lực bán ngày một mạnh và diễn ra trên diện rộng, nên VN-Index nới rộng dần đã giảm và lùi về gần mốc 665 điểm.
Chốt phiên, VN-Index giảm 10,07 điểm (-1,49%), xuống 665,80 điểm với 48 mã tăng, trong khi có tới 173 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 52,5 triệu đơn vị, giá trị 1.089,94 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,4 triệu đơn vị, giá trị 90 tỷ đồng.
Khá hơn chút ít, HNX-Index có được sắc xanh nhạt trong ít phút đầu phiên. Tuy nhiên ngay khi sàn HOSE khớp lệnh với áp lực bán mạnh, sàn HNX cũng nhanh chóng đảo chiều, chỉ số HNX-Index sau đó nới rộng dần đà giảm khi ACB, VCS, VCG, nhóm dầu khí trên sàn này đều đang giao dịch dưới tham chiếu.
Kết thúc phiên sáng, HNX-Index giảm 0,44 điểm (-0,55%), xuống 80,55 điểm với 43 mã tăng và 87 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 24,3 triệu đơn vị, giá trị 200,2 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,1 triệu đơn vị, giá trị 24,8 tỷ đồng.
Sắc xanh le lói tại DPM, MWG, SSI, HSG, CTG đâu phiên cũng nhanh chóng biến mất, chỉ còn GMD, KSB, PPC có được mức tăng nhẹ khi chốt phiên sáng nay, còn lại đều đồng loạt giảm giá, thậm chí có nhiều mã giảm rất mạnh.
Với việc bị khối ngoại bán ròng tới gần 1,09 triệu cổ phiếu, chiếm tới hơn 61% tổng khối lượng khớp, VNM giảm mạnh 2,68%, xuống 130.900 đồng, chỉ cách mức giá thấp nhất phiên 1 bước giá.
Tương tự, VIC cũng giảm 1,18%, xuống 42.000 đồng với hơn nửa triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại bán ròng gần 0,47 triệu đơn vị.
VCB dù nhận được lực cầu ngoại tốt trở lại trong nửa cuối phiên và giúp mã này được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhẹ, nhưng vẫn đóng cửa giảm gần 1%.
ROS cũng giảm tới 5,87%, xuống 118.600 đồng với 0,92 triệu đơn vị được khớp. Việc mã này có được thêm vào danh mục của FTSE trong kỳ review lần này hay không vẫn khá khó đoán với nhiều người. Mã này đã đáp ứng gần như đầy đủ các điều kiện của FTSE, nhưng về thời gian niêm yết lại thiếu ít ngày.
Các mã lớn khác cũng đồng loạt giảm như BID, CTG, PVD, MSN, BVH, HPG, KDC…
TMT sau nhiều phiên tăng trần cũng đã bị chốt lời từ cuối tuần trước và tiếp tục có phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp trong sáng nay, xuống 19.150 đồng.
Không chỉ các mã lớn, các mã nhỏ cũng đồng loạt giảm với sức ép từ khối ngoại. Cụ thể, FLC giảm 0,48%, xuống 6.190 đồng với 4,5 triệu đơn vị được khớp, cao nhất sàn HOSE, trong đó khối ngoại bán ròng gần 0,29 triệu đơn vị. HAG giảm 1,74%, xuống 6.200 đồng với 2,26 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại bán ròng hơn 0,34 triệu đơn vị, DLG giảm 1,46%, xuống 4.730 đồng với gần 0,9 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại bán ròng 0,16 triệu đơn vị…
Trên HNX, chỉ có PVB đảo chiều thành công đóng cửa tăng nhẹ 1,75%, còn lại các mã lớn như ACB, PVS, NTP, PVC, VCG, VCS… đều đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó VCS giảm 2,07%, NTP giảm 1,86%... Trong đó, PVS cũng bị khối ngoại bán ròng mạnh hơn 400.000 đơn vị.
Trong khi đó, đi ngược lại với xu hướng chung của thị trường, một số mã có tính đầu cơ cao trên sàn này lại vẫn có sắc tím như NHP và đặc biệt là KLF. Sau khi chịu áp lực chốt lời rất lớn trong phiên cuối tuần trước, nhưng lực cầu trợ giá rất mạnh để giúp mã này duy trì đà tăng trần, KLF tiếp tục thăng hoa trong phiên sáng nay với 4,6 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần 2.800 đồng hơn 3,7 triệu đơn vị.