Thị trường vừa trải qua tuần giao dịch khá khởi sắc. Mặc dù áp lực bán đã xuất hiện tạo nên những nhịp rung lắc nhưng, các nhóm cổ phiếu trụ cột như ngân hàng, chứng khoán, dầu khí và các mã vốn hóa lớn đã hỗ trợ tốt giúp chỉ số chung của thị trường liên tiếp tăng điểm và chinh phục các ngưỡng hỗ trợ cao hơn.
Trong phiên cuối tuần (ngày 24/8), thị trường đã gặp khó khăn khi tiếp cận ngưỡng cản tâm lý 990 điểm. Mặc dù chịu sức ép lớn đến từ dòng bank nhưng các bluechip đã làm tốt vai trò nâng đỡ giúp thị trường không quá giảm sâu, chỉ số VN-Index chỉ đứng ngay dưới mốc tham chiếu.
Theo nhận định của ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC), thị trường nhìn chung tiếp tục diễn biến giằng co và phân hóa, tuy nhiên VN-Index vẫn thể hiện xu hướng tăng nhẹ với các đỉnh sau cao hơn đỉnh trước và hiện đang tiệm cận khu vực kháng cự khá mạnh tại 990-1.000 điểm. Dự báo, xu hướng này sẽ tiếp diễn trong tuần tới để chỉ số sàn HOSE kiểm định kháng cự này trước khi thị trường sẽ xuất hiện một nhịp điều chỉnh giảm về hỗ trợ 970-980 điểm.
Đồng thời, ông Đức cũng cho rằng, nhìn chung định của nhiều cổ phiếu ngân hàng vẫn ở mức hấp dẫn. Và khi VN-Index có thể vượt qua mốc 1.000 điểm để tiếp tục đà hồi phục thì nhóm ngân hàng vẫn sẽ là nhóm có khả năng thu hút được dòng tiền.
Bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới (ngày 27/8), sự trở lại của nhóm cổ phiếu vua sau phiên rung lắc cuối tuần trước, cùng đà tăng của nhóm bất động sản, chứng khoán, đã tiếp sức giúp thị trường tiến bước, chỉ số VN-Index nhanh chóng vượt mốc 990 điểm.
Mặc dù sau đó một số trụ cột như VNM, GAS, ROS điều chỉnh, nhưng đà tăng được duy trì khá tốt trước những con sóng lớn trên đã giúp độ rộng tiếp tục được nới. Sau gần 2 giờ giao dịch, chỉ số VN-Index vươn lên trên mức 993 điểm.
Dòng bank trở lại khá ấn tượng trước dòng tiền hấp thụ mạnh. Hầu hết các mã VCB, BID, CTG, MBB, STB, VPB đều khởi sắc, trong đó MBB và CTG đang dẫn đầu thanh khoản trên sàn với hơn 6 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng và ngân hàng tiếp tục dẫn sóng, giúp thị trường duy trì đà tăng đến hết phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 144 mã tăng và 124 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 6,42 điểm (+0,65%) lên mức 993,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 112,34 triệu đơn vị, giá trị 2.510,82 tỷ đồng, tăng 14,28% về lượng và 10,79% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (24/8). Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 7,32 triệu đơn vị, giá trị 142,88 tỷ đồng.
Được đánh giá là nhóm cổ phiếu có tiềm năng nhất trong giai đoạn cuối năm với tỷ lệ nợ xấu đang giảm dần, trái phiếu VAMC dự kiến tất toán toàn bộ ở một số ngân hàng vào cuối năm nay và lợi nhuận cũng sẽ tốt lên nhờ đa dạng hóa thu nhập ngoài lãi và chi phíc hoạt động được kiểm soát, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh giúp các mã bank bứt tốc.
Cụ thể, VCB tăng 2,1% lên 63.300 đồng/CP, BID tăng 1,6% lên 33.950 đồng/CP, CTG tăng 4,2% lên 27.200 đồng/CP, MBB tăng 2,3% lên 24.050 đồng/CP, STB tăng 1,3% lên 11.450 đồng/CP, VPB tăng 1% lên 25.300 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh hàng triệu đơn vị. Trong đó, MBB và CTG vẫn dẫn đầu thanh khoản với lần lượt 7,77 triệu đơn vị và 6,71 triệu đơn vị được chuyển nhượng.
Nhóm chứng khoán cũng đua nhau khởi sắc, trong đó HCM tăng 5,1% kết phiên tại mức 61.700 đồng/CP, SSI tăng 3,5% lên 31.300 đồng/CP, TVS tăng 1,5% lên 13.600 đồng/CP, VND tăng 1,6% lên 21.800 đồng/CP; còn trên sàn HNX có VDS và VIX cùng tăng kịch trần, SHS tăng 1,4% lên 15.000 đồng/CP, APS tăng 3,3% lên 3.100 đồng/CP, APG tăng 2,5% lên 4.900 đồng/CP, MBS tăng 0,6% lên 16.400 đồng/CP, CTS tăng 0,4% lên 11.800 đồng/CP.
Trong ngành tài chính, nhóm bảo hiểm cũng có những điểm sáng như BVH đảo chiều sau phiên giảm cuối tuần trước với mức tăng 2,3% lên 90.100 đồng/CP, BMI tăng 4,1% lên 21.600 đồng/CP, ABI tăng 5,1% lên 28.900 đồng/CP.
Nhóm bất động sản, xây dựng tiếp tục nối dài những ngày vui. Mặc dù bộ 3 lớn nhà Vingroup không mấy tích cực khi chỉ có VIC tăng nhẹ, còn VRE và VHM lình xình dưới mốc tham chiếu, thì các cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn giao dịch tích cực.
Trong đó, FLC tăng nhẹ 0,6% lên 6.600 đồng/CP và khớp gần 5,5 triệu đơn vị; KBC tăng 1,2% lên 12.600 đồng/CP và khớp 2,14 triệu đơn vị, ITA, DXG, HBC, DIG, FCN… cũng đều đứng trên mốc tham chiếu, đáng kể có NVT, C47, CDC tăng trần.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng góp phần đẩy sóng lên cao khi GAS tăng 1,3% lên 100.800 đồng/CP, PLX tăng 1,2% lên 68.800 đồng/CP, PVD tăng 1,3% lên 15.750 đồng/CP…
Trái lại, VNM tiếp tục tạo sức ép khi giảm 0,5% xuống 161.400 đồng/CP. Ngoài ra còn có thêm các mã lớn khác như NVL giảm 0,2% xuống 64.900 đồng/CP, KDC giảm 3% xuống 29.100 đồng/CP, ROS giảm 1,3% xuống 41.350 đồng/CP…
Tương tự, các cổ phiếu lớn nhóm ngân hàng, dầu khí, bất động sản cũng hỗ trợ tốt cho đà tăng trên sàn HNX.
Trong nhóm cổ phiếu vua, ACB tăng hơn 1% lên mức 39.200 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 2 triệu đơn vị, SHB tăng gần 1,2% lên 8.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất đạt 8,92 triệu đơn vị.
Ở nhóm dầu khí, PVS tăng 2,4% lên 21.200 đồng/CP, PVC tăng 1,5% lên 6.800 đồng/CP, PGS tăng 1,8% lên 33.900 đồng/CP, PVB tăng 0,6% lên đồng/CP, PLC tăng 0,6% lên 16.500 đồng/CP… Trong đó, PVS giao dịch sôi động nhất nhóm với 3,55 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn nhóm bất động sản như VGC, VCG, HUT… cũng đều khởi sắc.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,57 điểm (+0,51%) lên mức 112,19 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 30 triệu đơn vị, giá trị 428,88 tỷ đồng, tăng 76,47% về lượng và đạt xấp xỉ về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận chỉ có thêm 165.410 đơn vị, giá trị hơn 2 tỷ đồng.
Trên sàn UPCoM, sau hơn nửa phiên cầm cự, áp lực bán dần gia tăng khiến thị trường rung lắc và liên tục đổi sắc.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,01%, lên 51,5 điểm với tổng khối lượng giao dịch gần 7 triệu đơn vị, giá trị 104,41 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,95 triệu đơn vị, giá trị 46,77 tỷ đồng.
Sau 2 phiên liên tiếp giảm giá, cổ phiếu BSR đã đảo chiều hồi phục trong phiên sáng nay với mức tăng 2,4% lên 17.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch dẫn đầu sàn đạt 1,55 triệu đơn vị.