Trong phiên giao dịch hôm qua (26/2), áp lực chốt lời diễn ra mạnh, nhất là tại nhõm bluechip sau chuỗi tăng ấn tượng khiến VN-Index đảo chiều giảm điểm sau 6 phiên tăng liên tiếp. Thậm chí, có lúc chỉ số này lao mạnh xuống dướng ngưỡi 980 điểm trước khi kịp trở lại trên ngưỡng 985 điểm khi chốt phiên nhờ lực cầu gia tăng mạnh cuối phiên.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, thị trường không nhận thêm thông tin đáng chú ý nào, nhưng với sự trở lại của VIC, VHM, VRE, VNM, MSN, PLX, thị trường đã lấy lại sắc xanh ngay đầu phiên và tăng vọt lên thử thách lại ngưỡng 995 điểm trong ít phút mở cửa.
Sau đó, VHM, VRE, PLX quay đầu khiến đà tăng của VN-Index cũng bị chặn lại trước ngưỡng cửa 995 điểm. Chỉ số này bị đầy lùi về sát mốc tham chiếu, nhưng cuối phiên, nhóm này lại phục hồi, giúp VN-Index lấy lại mốc 990 điểm khi chốt phiên sáng.
Chốt phiên, VN-Index tăng 2,94 điểm (+0,30%), lên 990 điểm với 150 mã tăng và 120 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 127,3 triệu đơn vị, giá trị 2.584,4 tỷ đồng, giảm 10% về giá trị và gần 6% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 32,35 triệu đơn vị, giá trị 555,64 tỷ đồng.
Như đã đề cập, việc VN-Index hồi phục trở lại trong phiên sáng nay nhờ chủ yếu vào sự trở lại của các mã lớn, trong đó đáng kể là nhóm Vingroup, cùng VNM, GAS. Dù đầu phiên gặp chút khó khăn, nhưng về cuối phiên, cả VHM và VRE đều đã kịp trở lại để cùng “anh cả” VIC nâng đỡ thị trường.
Trong đó, VIC tăng 1,39% lên 117.100 đồng với hơn 0,46 triệu đơn vị được khớp, VHM tăng 0,54% lên 92.500 đồng với 0,56 triệu đơn vị được khớp, VRE tăng 1,01% lên 34.850 đồng với 0,94 triệu đơn vị được khớp.
Ngoài ra, VNM tăng 1,16% lên 147.800 đồng, GAS tăng 0,82% lên 98.700 đồng, BID cũng hồi phục 0,3% lên 33.700 đồng, HPG tăng 0,14% lên 34.550 đồng, BVH tăng 1,61% lên 94.700 đồng…
Trong khi đó, VCB lại giảm 1,9% xuống 61.800 đồng, SAB giảm 0,24% xuống 246.400 đồng, TCB giảm 0,36% xuống 27.350 đồng, CTG giảm 0,47% xuống 21.250 đồng… Trong nhóm nay, CTG là mã có thanh khoản tốt nhất với 2,6 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu nhỏ sáng nay lại có giao dịch đáng chú ý, trong đó GTN bất ngờ tạo sóng khi sớm leo lên mức trần 13.150 đồng trước khi hạ nhiệt giao dịch quanh ngưỡng 13.000 đồng và chốt phiên ở mức 13.100 đồng, tăng 6,5% với gần 7 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu sàn HOSE.
FLC cũng giữ được sắc xanh với mức tăng 0,74% lên 5.450 đồng với 6,26 triệu đơn vị được khớp, đứng thứ 2 sau GTN về thanh khoản.
HSG sau những phút đầu chuệch choạc đã trở lại đà tăng với mức tăng 2,13% lên 9.100 đồng với 5,92 triệu đơn vị được khớp.
Nhóm cổ phiếu nước sáng nay lại gây ấn tượng với sắc xanh tại BWE và sắc tím tại TDW. Tuy nhiên, chỉ BWE thực sự gây ấn tượng với 2 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa tăng 1,62%, trong khi sắc tím tại TDW là sắc tím “giả tạo”. Còn các mã ngành nước khác trên thị trường UPCoM gần như tắc thanh khoản.
Diễn biến tương tự cũng xảy ra trên sàn HNX khi HNX-Index tăng mạnh ngay đầu phiên, nhưng nhanh chóng quay đầu lùi về sát tham chiếu khi ACB quay đầu, nhưng vẫn giữ được sắc xanh nhạt nhờ sự hỗ trợ của các mã khác.
Chốt phiên sáng, HNX-Index tăng 1,86 điểm (+0,20%), lên 931,37 điểm 79 mã tăng và 53 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 42,57 triệu đơn vị, giá trị 617 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 18,37 triệu đơn vị, giá trị 360,4 tỷ đồng.
PVX, DCS, VIG, KLF, KVC, SPI… gây chú ý khi đồng loạt lên mức trần, trong đó PVX được khớp hơn 1,2 triệu đơn vị và còn dư mua trần (1.400 đồng) tới hơn 2,65 triệu đơn vị, DCS khớp hơn 1 triệu đơn vị và còn dư mua trần (900 đồng) gần 1 triệu đơn vị.
Có thanh khoản tốt nhất trên sàn HNX sáng nay là HUT với 2,56 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,86%, lên 3.600 đồng. SHB cũng có thanh khoản tương đương và đóng cửa tăng 1,32% lên 7.700 đồng. PVS tăng 0,97% lên 20.800 đồng với 2,18 triệu đơn vị, VGC tăng 0,93% lên 21.800 đồng với 1,36 triệu đơn vị, VCG tăng 1,43% lên 28.300 đồng với 1,51 triệu đơn vị. Trong khi đó, ACB giảm 0,32% xuống 30.700 đồng.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch đáng hướng mọi ánh nhìn về VGC. Dù giao dịch khớp lệnh diễn ra bình thường, nhưng mã này lại chứng kiến những đột biến trong phiên thỏa thuận với việc bán ra rất mạnh của nhà đầu tư nước ngoài.
Sau khi bán ròng 27,75 triệu cổ phiếu, giá trị 592,58 tỷ đồng trong phiên hôm qua, sáng nay, khối ngoại tiếp tục bán ròng tới 16,9 triệu cổ phiếu VGC với giá trị bán ròng 368,44 tỷ đồng. Các giao dịch chủ yếu diễn ra trong phiên thỏa thuận.
Như vậy, chỉ trong 2 phiên, tính đến sáng nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 44,65 triệu cổ phiếu VGC, tương đương hơn 10% vốn cổ phần VGC và bên mua là nhà đầu tư trong nước.
Động thái này diễn ra trước đợt thoái vốn nhà nước dự kiến của Bộ Xây dựng. Theo tin của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, Bộ Xây dựng trong tuần này công bố thông tin thoái vốn tại Tổng công ty Viglacera (mã VGC). Đợt đầu sẽ thoái vốn từ 54% xuống 36%, với giá khởi điểm cao hơn thị giá cổ phiếu VGC đang giao dịch hiện nay.
Trên thị trường UPCoM, chỉ số này chủ yếu giao dịch dưới tham chiếu trong phiên sáng nay, nhưng may mắn tránh được sắc đỏ khi chốt phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,01 điểm (+0,01%), lên 55,59 điểm với 68 mã tăng và 48 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19,27 triệu đơn vị, giá trị 375 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 13,85 triệu đơn vị, giá trị 246,73 tỷ đồng.
Trong phiên sáng nay, UPCoM chỉ có duy nhất HVN có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị (1,2 triệu đơn vị), đóng cửa tăng 3,61% lên 40.200 đồng.