Chặng đường chinh phục “đỉnh núi” 720 khá gian nan. Thị trường đã liên tiếp gặp thất bại khi áp sát ngưỡng kháng cự trên. Tuần qua cũng không ngoại lệ. Thị trường đã có những bước đầu khá thuận lợi khi chỉ số VN-Index liên tiếp xác lập mốc cao nhất trong khoảng 10 năm qua, tuy nhiên, khi tiến sát đến mốc điểm trên, áp lực chốt lời đã gia tăng mạnh, chặn đứng đà tăng thị trường.
Dù có chút hụt hẫng bởi áp lực điều chỉnh trong những phiên cuối tuần nhưng nhờ dòng tiền chảy mạnh đã giúp chỉ số VN-Index đứng vững trên mốc 715 điểm. Và theo đánh giá, quá trình dò đỉnh của VN-Index sẽ tiềm ẩn rủi ro cao bởi áp lực chốt lời của các cổ phiếu tăng liên tục.
Điểm đáng lưu ý trong tuần qua chính là nhóm cổ phiếu thị trường. Trong khi nhóm cổ phiếu bluechip thiếu “sức sống” thì dòng tiền sôi động đã giúp các mã đầu cơ đua nhau tạo sóng.
Tuy vậy, theo phân tích của một số chuyên gia chứng khoán, dòng tiền sẽ nhanh chóng chuyển hướng sang các cổ phiếu cơ bản tốt và chưa tăng giá giai đoạn vừa rồi. Đặc biệt ưu tiên vào nhóm cổ phiếu có P/E thấp, kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định hoặc nhưng doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng trong năm nay.
Với những diễn biến cùng phân tích trên, thị trường đã bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới (ngày 27/2) với tâm lý thăm dò. Các cổ phiếu lớn vẫn diễn biến đi ngang khiến VN-Index mở cửa duy trì sắc đỏ.
Giao dịch tiếp tục duy trì trạng thái thiếu tích cực bởi áp lực bán dâng cao và tập trung vào các cổ phiếu bluechip khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục khiến chỉ số VN-Index lùi về mốc 711 điểm.
Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy nhanh chóng quay lại giúp thị trường thu hẹp đà giảm và có được những nhịp hồi nhẹ. Dòng tiền chảy mạnh và hướng đến nhóm cổ phiếu bluechip, là động lực chính giúp thị trường chốt phiên sáng trong sắc xanh hy vọng.
Chốt phiên, VN-Index tăng nhẹ 0,48 điểm (+0,07%), tạm đứng tại mức 714,95 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 107,38 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.839 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 2,51 triệu đơn vị, giá trị 102,89 tỷ đồng. VN30-Index tăng 2,67 điểm (+0,4%) lên 664,48 điểm khi có 17 mã tăng, 11 mã giảm và 2 mã đứng giá.
Ở nhóm cổ phiếu lớn, trong khi GAS và MSN tiếp tục đóng vai trò là lực hãm chính thì VNM, VIC, cùng các mã có vốn hóa lớn như MWG, ROS, NVL tăng khá tích cực. Trong đó, MWG sau công bố kết quả kinh doanh tháng 1/2017 tăng trưởng mạnh cũng đã bật tăng mạnh về giá, với mức tăng 1,8%, MWG tạm đứng tại mức 169.000 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong khi hầu hết các mã đều lình xình quanh mốc tham chiếu thì cổ phiếu đầu ngành VCB đảo chiều thành công với mức tăng hơn 0,8%. Đáng chú ý, cổ phiếu STB sau cú sốc cuối tuần qua trước thông tin từ ông Trầm Bề và ông Trầm Khải Hòa thôi không tham gia quản trị, điều hành tại Sacombank, cũng đã “hồi tỉnh”.
Chốt phiên, STB tăng 1,5% lên mức 10.450 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh thành công dẫn đầu trong nhóm, đạt hơn 2,3 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu tạo sóng lớn trong tuần trước – nhóm bất động sản, vẫn giữ nhiệt khi nhiều mã lớn bé tiếp tục giữ đà tăng. Trong đó, cổ phiếu đầu ngành VIC tăng 1,66%; các cổ phiếu lớn khác như ROS tăng 0,4%, NVL tăng 0,3%...
Bên cạnh đó, cổ phiếu điển hình FLC chịu áp lực bán mạnh và quay đầu giảm đầu phiên nhưng lực cầu nhanh chóng quay trở lại, kéo cổ phiếu này vượt mạnh qua mốc tham chiếu. Với mức tăng 2,3%, FLC đóng cửa tại mức giá 7.980 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công hơn 17,8 triệu đơn vị.
Tương tự STB, HAG cũng đã hồi phục mạnh trong phiên sáng sau phiên giảm sàn cuối tuần trước. Chốt phiên, HAG tăng 5,9% lên mức 8.030 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 9 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản sau FLC.
Trên sàn HNX, nhận tín hiệu giao dịch thiếu tích cực trên sàn HOSE, chỉ số HNX-Index cũng đã có những nhịp điều chỉnh giảm bởi áp lực bán gia tăng. Tuy nhiên, lực đỡ từ các mã lớn như ACB, LAS, DST, VCG… đã giúp chỉ số này hồi phục.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,29 điểm (+0,34%) lên 86,61 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 39,98 triệu đơn vị, giá trị 272,97 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,25 triệu đơn vị, giá trị 11,55 tỷ đồng.
Cổ phiếu lớn ACB tăng 1,32%, chốt phiên tại mức giá cao nhất 23.000 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 231.500 đơn vị.
Đáng chú ý, cổ phiếu đầu cơ KLF chưa hết nóng bởi lực cầu hấp thụ mạnh. Chốt phiên, KLF duy trì sắc tím với mức tăng 7,14% lên mức 3.000 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh dẫn đầu toàn sàn đạt 12,74 triệu đơn vị, dư mua trần 286.000 đơn vị.
Trong khi đó, CEO có thời điểm hồi phục nhẹ nhờ lực cầu bắt đáy, tuy nhiên, áp lực bán thường trực khiến cổ phiếu này tiếp tục có phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp.
Tại sàn UPCoM
Sự hồi phục mạnh mẽ của “ông lớn” HVN đã giúp UPCoM-Index giữ vững đà tăng điểm. Với mức tăng 0,15 điểm (+0,26%), UPCoM chốt phiên tại 56,06 điểm. Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 3,25 triệu đơn vị, giá trị 49,11 tỷ đồng.
Lực cầu nội và ngoại hấp thụ mạnh là nguồn lực giúp HVN trở thành “ngôi sao” trong phiên đầu tuần. Cụ thể, sau 3 phiên giảm khá sâu liên tiếp cuối tuần qua, HVN đã đảo chiều tăng 15%, chốt phiên tại mức giá trần 37.600 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt hơn 4,1 triệu đơn vịu, khối ngoại mua ròng 1,25 triệu đơn vị.
Đà tăng của HVN đã lan rộng sang các mã khác trong nhóm hàng không như ACV tăng 2,13%, SAS tăng 1,5%.