Thị trường đã trải qua 5 phiên giảm liên tiếp, chỉ số VN-Index rơi xuống sát ngưỡng hỗ trợ mạnh 670 điểm. Đáng chú ý trong phiên hôm qua, thanh khoản trên cả 2 sàn suy giảm mạnh và đặc biệt ở nhóm bluechip cho thấy khả năng đà rơi của thị trường đã tạm dừng lại do lực bán tại các mã trụ đã giảm xuống.
Tuy vậy, hầu hết các công ty chứng khoán đều đánh giá xu hướng thị trường vẫn kém tích cực và đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư đứng ngoài thị trường trong giai đoạn này. Theo nhận định của FPTS, các tài khoản có lượng cổ phiếu lớn trên tổng tài sản, cũng theo sát diễn biến thị trường để có thể ra quyết định giảm tỷ trọng nếu tín hiệu xác nhận xu hướng tiêu cực xuất hiện.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, tâm lý thận trọng tiếp tục duy trì, hầu hết các giao dịch mang tính chất thăm dò khiến thanh khoản sụt giảm mạnh. Trong đó, các cổ phiếu lớn vẫn đóng vai trò là lực hãm đẩy thị trường đi xuống.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 0,8 điểm (-0,12%) xuống 672,81 điểm với tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 1,78 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 35,65 tỷ đồng.
Sang đợt khớp lệnh liên tục, áp lực bán giá thấp đang dần được tiết chế giúp đà giảm điểm được thu hẹp, đăc biệt, nhiều cổ phiếu lớn đã nhích nhẹ lên trên mốc tham chiếu như VNM, VCB, BVH, PVS, FPT, DPM… hỗ trợ tích cực đưa VN-Index vượt qua mốc tham chiếu.
Tuy nhiên, lực cầu chưa đủ mạnh để giúp thị trường có sức bật mạnh, các trụ cột vẫn tăng khá hạn chế khiến đà tăng của thị trường không mấy bền vững.
Trái với tín hiệu vui từ các cổ phiếu bluechip, ở nhóm cổ phiếu thị trường, ROS đang giao dịch khá tiêu cực. Lực cầu tỏ ra khá yếu khiến ROS giảm mạnh trong phiên sáng, có thời điểm mất 3.000 đồng/CP (-4,1%), đứng ở mức giá 71.000 đồng/CP và đã chuyển nhượng gần 0,3 triệu cổ phiếu sau 50 phút giao dịch của phiên sáng.
Trong khi đó, DAH vẫn chưa thoát khỏi những ngày dài giảm sàn. Chỉ sau 2 phiên tăng trần ngày đầu chào sàn, DAH đã liên tiếp giảm sàn và trong phiên sáng nay, áp lực bán tiếp tục diễn ra mạnh tại cổ phiếu này. Hiện DAH vẫn đứng ở mức giá sàn 7.490 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 2,43 triệu đơn vị và dư bán sàn 2,22 triệu đơn vị.
Đà tăng nhanh chóng bị chặn đứng bởi áp lực bán chiếm ưu thế, chỉ số VN-Index xuống mốc 671 điểm và nhanh chóng bật ngược trở lại nhờ lực cầu bắt đáy xuất hiện. Thanh khoản sụt giảm mạnh với tổng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn chưa đạt tới 1.000 tỷ đồng.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE đã cân bằng hơn khi có 102 mã tăng và 103 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 1,09 điểm (+0,16%) lên 674,7 điểm. Thanh khoản ở mức thấp với tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 43,46 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 813,35 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 2,55 triệu đơn vị, giá trị 58,67 tỷ đồng.
Trong khi đó, sau những phút rung lắc, sàn HNX đã chia tay sắc xanh. Chỉ số HNX-Index giảm nhẹ 0,03 điểm (-0,03%) xuống 82,24 điểm. Thanh khoản suy giảm mạnh với tổng khối lượng chỉ đạt 17,32 triệu đơn vị, giá trị 177,81 tỷ đồng.
Các trụ cột như VNM, VIC, VCB, PVD, FPT vẫn đóng vai trò là trụ cột chính nâng đỡ thị trường, giúp VN-Index dành lại sắc xanh trong. Trái lại, MSN là lực hãm chính với mức giảm 1,7% xuống mức 64.600 đồng/CP.
Bên cạnh đó, các mã có tính đầu cơ cao như FLC, ITA, KBC, HHS… cũng đã có được sắc xanh nhạt. Trong đó, ITA dẫn đầu thanh khoản thị trường với khối lượng khớp chỉ đạt 4,57 triệu đơn vị; tiếp đó, FLC khớp 2,9 triệu đơn vị.
ROS vẫn là tiêu điểm đáng chú ý trong phiên sáng nay. Sau gần nửa phiên sáng lao dốc, ROS đã chính thức chạm sàn trước áp lực bán duy trì ở mức giá thấp trong khi lực cầu khá yếu. Tuy nhiên, ngay khi giảm kịch sàn, lực cầu bắt đáy gia tăng mạnh giúp ROS có cú lội ngược dòng ngoạn mục. Chốt phiên sáng, ROS đã tăng 1.000 đồng (+1,4%) lên mức 75.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 1,88 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cổ phiếu TMT tiếp tục duy trì trạng thái cạn thanh khoản và ghi nhận phiên giảm sàn thứ 5 liên tiếp sau công bố báo cáo tài chính quý III/2016 sụt giảm mạnh.
Cụ thể, 9 tháng từ đầu năm, TMT đạt doanh thu hơn 2.004 tỷ đồng, giảm 29,25% so với cùng kỳ và hoàn thành 34,52% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 47,88 tỷ đồng, giảm 73,2% so với 9 tháng đầu năm ngoái, và cách rất xa con số hơn 256 tỷ đồng kế hoạch năm nay đề ra.
Chốt phiên sáng, TMT giảm 1.050 đồng (-6,7%) xuống mức giá 14.550 đồng/CP với lượng khớp chỉ 4.790 đơn vị và dư bán sàn 89.080 đơn vị.
Còn DAH vẫn giảm sàn, ghi nhận phiên giảm sàn thứ 10 trong tổng số 13 phiên, tổng cộng, DAH đã giảm 34,87% từ mức 11.500 đồng/CP (giá chào sàn ngày 10/10) xuống còn 7.490 đồng/Cp (giá chốt phiên sáng 27/10).
Trên sàn HNX, HKB đã quay đầu tăng điểm trong phiên sáng nay. Với mức tăng 1,89%, HKB leo lên mức giá 5.400 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn đạt 4,33 triệu đơn vị.
Thành viên mới nhất của thị trường - TTH tiếp tục có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp sau ngày chào sàn, lên mức giá 19.800 đồng/CP với khối lượng khớp lẹnh 1,59 triệu đơn vị.